MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ "sợ nghe điện thoại" tại Hàn Quốc: Căng thẳng khi nghe chuông reo, người thân gọi điện cũng sợ bắt máy

03-11-2023 - 09:33 AM | Sống

Việc nhận được các cuộc điện thoại trực tiếp khiến nhiều người trẻ cảm thấy như phải đối mặt với một áp lực vô hình.

Một phút sau khi bắt đầu cuộc gọi điện thoại với chủ nhà, Lee Hyun-jung (24 tuổi), bắt đầu cảm thấy tim mình đập nhanh và lòng bàn tay đổ mồ hôi. Những triệu chứng quá quen thuộc này được cho là thường xuyên xuất hiện khi Hyun-jung phải gọi hoặc nhận một cuộc điện thoại từ bất kỳ ai.

Không chỉ Lee Hyun-jung, rất nhiều người trẻ thuộc thế hệ MZ (sinh từ năm 1980 đến 2005) tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng phải đối mặt với việc chứng chứng sợ cuộc gọi  hoặc chứng sợ nghe điện thoại (callphobia).

Thế hệ "sợ nghe điện thoại" tại Hàn Quốc: Căng thẳng khi nghe chuông reo, người thân gọi điện cũng sợ bắt máy - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ căng thẳng mỗi khi phải liên lạc với người khác bằng việc gọi điện thoại (Ảnh minh họa)

Thế hệ "sợ nghe điện thoại"

Một cuộc khảo sát do Alba Heaven thực hiện gần đây với 1.496 đối tượng thành viên thuộc thế hệ MZ cho thấy có tới 35,6% số người được hỏi gặp phải các triệu chứng ám ảnh cuộc gọi, nhiều hơn 5,7% so với cuộc khảo sát tương tự cùng kỳ năm 2022.

Cuộc khảo sát này cho biết, chứng ám ảnh điện thoại này phổ biến hơn ở nữ giới khi chiếm tới 45,7%. Trong khi đó, số lượng nam giới mắc chứng ám ảnh cuộc gọi là 20,9%. Theo đó, những người mắc chứng ám ảnh cuộc gọi có xu hướng lo lắng về cả việc nhận và việc gọi điện thoại. Những người mắc chứng ám ảnh cuộc gọi thường gặp các triệu chứng thể chất như lo lắng cực độ và nhịp tim tăng cao khi nhận được cuộc gọi điện thoại.

Thế hệ "sợ nghe điện thoại" tại Hàn Quốc: Căng thẳng khi nghe chuông reo, người thân gọi điện cũng sợ bắt máy - Ảnh 2.

Nữ ca sĩ, diễn viên IU thừa nhận mình gặp khó khăn khi phải giao tiếp qua điện thoại

Đáng chú ý, ngay cả những người nổi tiếng như nữ ca sĩ, diễn viên IU cũng đã từng đề cập đến việc cô mắc chứng sợ hãi này.  Cụ thể, trong một tập "IU's Palette" được phát sóng vào tháng 4 vừa qua, chính IU đã tiết lộ rằng cô cảm thấy không thoải mái khi phải gọi hay nhận điện thoại.

"Em cảm thấy khó khăn khi thực hiện một cuộc gọi kéo dài ngay cả khi đó là cuộc điện thoại với gọi mẹ. Em cảm thấy không thoải mái khi có cuộc điện thoại gọi đến". - IU thừa nhận.

Nhắn tin để trốn tránh các cuộc gọi

Theo khảo sát nói trên, thách thức lớn nhất đối với người trẻ khi nhận một cuộc gọi là việc phải trả lời ngay lập tức mà không có thời gian để tập trung suy nghĩ câu trả lời (60,0%). Các lý do khác bao gồm không có khả năng bày tỏ suy nghĩ một cách đầy đủ (55,9%), thích giao tiếp qua nhắn tin (51,6%), khó hiểu ý của đối phương (29,5%) và sợ khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện (24,2%).

Khi được hỏi lý do thích nhắn tin hơn, Lee Hyun-jung thừa nhận: "Tôi lo lắng về việc mắc lỗi khi nói chuyện điện thoại. Tôi luôn phải cực kỳ cẩn thận để không nói bất cứ điều gì nghe có vẻ bất lịch sự hoặc ngu ngốc".

Để đối phó với nỗi ám ảnh cuộc gọi, một số người hạn chế tối đa các cuộc gọi điện thoại và dựa vào email và tin nhắn văn bản để liên lạc (28,8%), trong khi đó một số người lựa chọn việc chuẩn bị kịch bản bằng văn bản trước khi thực hiện cuộc gọi (28,4%).

Thế hệ "sợ nghe điện thoại" tại Hàn Quốc: Căng thẳng khi nghe chuông reo, người thân gọi điện cũng sợ bắt máy - Ảnh 3.

Nhiều người lựa chọn nhắn tin hoặc soạn trước văn bản khi buộ phải thực hiện cuộc gọi (Ảnh minh họa)

Đối với một nhân viên văn phòng tên Jeon (20 tuổi), việc nghe điện thoại khiến cô cảm thấy không thoải mái vì cô cảm thấy mình buộc phải đưa ra phản hồi nhanh chóng với đối phương, cô cho biết:

"Không giống như nhắn tin, tôi không có nhiều thời gian để sắp xếp suy nghĩ của mình khi gọi điện, điều này thường khiến tôi nói lắp bắp hoặc thốt ra những thứ ngớ ngẩn để lấp đầy sự im lặng của cuộc hội thoại". 

"Tôi đã cải thiện đáng kể kỹ năng nói của mình nhờ thường xuyên gọi và nhận điện thoại tại cơ quan. Tuy nhiên, để thành thục việc đó, tôi vẫn phải dựa vào việc viết những đoạn kịch bản ngắn và dự tính trước các câu hỏi của đối phương để không bị hoảng loạn khi gọi điện". - Jeon nói thêm.

Nỗi sợ toàn cầu

Lý giải về nỗi sợ này của người trẻ, Giáo sư tâm lý Lim Myung-ho từ Đại học Dankook, Hàn Quốc cho biết nhiều người lựa chọn nhắn tin vì đây là hình thức liên lạc "ít mang tính cảm xúc" hơn so với việc giao tiếp bằng lời nói.

"Nhiều người ở độ tuổi 20 và 30 gặp khó khăn khi đối mặt với những cảm xúc trực tiếp và tự phát được truyền tải qua việc nói chuyện điện thoại vì họ quen với việc giao tiếp qua tin nhắn hơn.

Bản chất của việc gặp khó khăn của khi nghe điện thoại cũng có thể là do loại hình giao tiếp này chỉ được thực hiện chỉ thông qua nói chuyện mà không kèm theo các hành vi biểu đạt khác như ngôn ngữ cơ thể và nét mặt". - Giáo sư Lim nói.

Thế hệ "sợ nghe điện thoại" tại Hàn Quốc: Căng thẳng khi nghe chuông reo, người thân gọi điện cũng sợ bắt máy - Ảnh 4.

Nhiều người sợ giao tiếp qua điện thoại vì lo lắng sẽ nói sai và không thể biểu đạt được hết ý muốn (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, nỗi ám ảnh cuộc gọi không chỉ xảy ra với duy nhất giới trẻ Hàn Quốc. Trong những năm vừa qua, nó cũng đang dần trở nên phổ biến hơn với giới trẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới khi. Tại Mỹ, một báo cáo vào tháng 8/2023 cũng cho biết có tới 90% Gen Z ở nước này đang gặp phải tình trạng ám ảnh cuộc gọi nêu trên.

Các chuyên gia cho rằng việc sợ nghe điện thoại không phải là vấn đề tâm thần và không cần điều trị. Tuy nhiên, để khắc phục, các chuyên gia khuyên những người đang gặp phải tình trạng này nên bắt đầu bằng việc thực hiện những cuộc trò chuyện ngắn để hỏi thăm sức khỏe. Sau đó, tăng dần thời lượng các trò chuyện qua điện thoại với những người cho mình cảm giác thoải mái.

Nguồn: All Kpop, Korean Herald

Theo Thanh Tâm

Phụ nữ số

Trở lên trên