Thế mạnh của Singapore vô tình "tiếp sức" cho virus COVID-19, nhà chức trách đau đầu tìm cách giải quyết
Sân bay Changi tại Singapore là một trong những khu vực tập trung nhiều người di chuyển nhất thế giới. Theo thống kê, cứ 80 giây lại có 1 máy bay cất cánh hoặc hạ cánh xuống đây.
- 15-02-2020Châu Âu có ca tử vong đầu tiên vì virus corona, số người nhiễm ở Singapore tiếp tục tăng mạnh
- 13-02-2020Nhật Bản xác nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona, số ca nhiễm mới ở Singapore cao nhất từ trước đến nay
- 06-02-2020Cập nhật virus corona Vũ Hán: Số người chết tăng lên 565, Singapore báo cáo 1 bé trai 6 tháng tuổi nhiễm bệnh, thuốc kháng virus được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng
Điều đó khiến sân bay này nhộn nhịp hơn cả những sân bay JFK và San Francisco tại Mỹ hay sân bay Dubai.
Tuy nhiên, tình hình những ngày gần đây đã có nhiều khác biệt.
Hàng chục máy quét thân nhiệt đã được lắp đặt tại các cổng ra vào, tự kiểm tra thân nhiệt của hành khách khi họ vào và ra Singapore.
Hành khách được kiểm tra xem có bị sốt, cảm cúm hay có triệu chứng ho hay không. Nhân viên sân bay nỗ lực hết sức để không bỏ sót dấu hiệu của virus corona.
Sự mở cửa và độ kết nối rộng của Singapore đã khiến quốc gia này trở thành một trong những nơi có số ca nhiễm virus COVID-19 cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục.
Lawrence Wong, đồng Chủ tịch nhóm công tác đặc biệt chống dịch của Singapore, nói: "Chúng ta gặp nhiều nguy cơ, nhưng chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để kiểm soát sự lan truyền của virus".
Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ một khi virus COVID-19 tới Singapore, nó sẽ không chỉ gây ra lây nhiễm trong quốc gia này mà sẽ nhanh chóng được "chở đi" tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cuộc họp ảnh hưởng cả thế giới
Giữa tháng 1 vừa qua, một buổi hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các nước đã được tổ chức tại một khách sạn sang trọng ở Singapore. Trong số những người tham dự, có một vài người tới từ Trung Quốc. Khoảng một tuần sau, hàng loạt trường hợp xác nhận dương tính với virus corona đã xuất hiện trên khắp thế giới - từ Hàn Quốc, Malaysia, Anh và thậm chí Tây Ban Nha.
Người Malaysia đầu tiên nhiễm virus là một đàn ông 41 tuổi từng tham gia hội thảo nói trên với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, em gái và mẹ vợ của người đàn ông này cũng lây bệnh.
Không lâu sau, Hàn Quốc xác nhận 2 trường hợp dương tính với COVID-19 cũng từng tham gia cuộc gặp.
Singapore thông báo 3 trường hợp nhiễm bệnh gồm 2 người có quốc tịch Singapore và một thường trú nhân.
Steve Walsh, công dân Anh được biết đến với biệt danh "người siêu lây nhiễm" cũng có mặt tại buổi hội thảo này.
Các trường hợp lây nhiễm từ một hội thảo ở Singapore. Đồ họa: BBC
Sau buổi hội thảo, ông Walsh bay tới một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Pháp. Tổng cộng, người đàn ông này được cho là đã lây nhiễm cho 11 người khác trong thời gian có mặt tại đây. Những người này sau đó cũng trở về quốc gia của mình và được xác nhận dương tính với COVID-19. Trong đó, 5 người sống tại Anh, 5 người ở Pháp và 1 người ở Tây Ban Nha.
Cuộc hội thảo nói trên là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Singapore có thể là một trong những địa điểm trung gian có nguy cơ cao nhất cho việc lây nhiễm corona.
Và mối lo ngại không chỉ xuất hiện tại các buổi hội thảo.
BBC cho rằng, Singapore là địa điểm được lựa chọn hàng đầu cho những hội thảo doanh nghiệp và là nơi thu hút không ít du khách quốc tế.
Rất nhiều người Trung Quốc cũng tới đây làm ăn. Trong năm 2019, Singapore đón 3,62 triệu lượt khách Trung Quốc.
Giữa thời kì Hong Kong có nhiều biến động chính trị, nhiều người dân Trung Quốc cũng chọn tới Singapore để đón Tết Nguyên Đán - cùng thời điểm dịch do virus corona bùng nổ.
Ông Wong nói: "Chúng tôi hiểu rằng Singapore có một nền kinh tế mở và là một trong những trung tâm du lịch của thế giới. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm tất cả để kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi đang cung cấp thông tin minh bạch và sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các cơ sở y tế trên thế giới".
Các biện pháp phòng ngừa
Hiện tại, Singapore đang tăng cường kiểm soát và tìm kiếm tất cả những cá nhân có nguy cơ nhiễm bệnh để cách ly hoặc theo dõi sức khỏe.
Singapore đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc và áp dụng nghiêm ngặt luật cách ly 14 ngày đối với công dân Trung Quốc trở về từ đại lục - những người là thường trú nhân hoặc có giấy phép lao động.
Những người vi phạm bị phạt rất nặng. Bất kì nhân viên nào phạm luật sẽ bị thu hồi giấy phép lao động và bị cấm làm việc tại Singapore trọn đời. Ngoài ra, chủ lao động sẽ bị cấm thuê lao động nước ngoài 2 năm nếu có bất kì trường hợp vi phạm nào xảy ra.
Singapore đã cung cấp khẩu trang cho hơn 1 triệu hộ gia đình và bắt đầu cung cấp thông tin cập nhật trên mạng xã hội. Nhiều kí túc xá đại học cũng đã được chuyển đổi thành địa điểm cách ly.
Bài học từ dịch SARS
Lý do chính Singapore có thể nhanh chóng thực hiện chống dịch nhanh như vậy một phần bởi vì diện tích của quốc gia này không lớn. Ngoài ra, Singapore cũng đã có những kinh nghiệm trong đợt khủng hoảng SARs năm 2003.
Tiến sĩ Leong Hoe Nam, một chuyên về bệnh truyền nhiễm, nói: "Bạn có thể gặp đồng nghiệp vào một bữa trưa nào đó, rồi vài ngày sau bạn nghe được tin rằng họ đang trong phòng hồi sức cấp cứu, hoặc tệ hơn - đã qua đời".
Tiến sĩ Leong là một trong những người từng vượt qua bệnh SARS. Theo lời ông mô tả, nhiều người Singapore vẫn "sợ và ám ảnh" SARS trong nhiều năm qua.
"Chúng tôi rất dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bởi quốc gia này nhỏ và có sự liên kết chặt chẽ".
Theo BBC, nguy cơ trong dịch bệnh lần này tại Singapore cao hơn bởi sau 10 năm, đất nước này đã ngày càng có mối quan hệ mật thiết hơn với nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Trí Thức Trẻ