Thêm một hãng hàng không hàng đầu Mỹ Latinh phá sản vì Covid-19
Trước đó, vào tháng 5, hai hãng LATAM và Avianca cũng bắt đầu các thủ tục phá sản.
- 22-06-2020Hãng hàng không lãi nhất thế giới vẫn đang "đốt" 30 triệu USD/ngày vì Covid-19 và giờ chỉ hi vọng sớm được... hòa vốn!
- 13-06-2020Mỹ: Hàng trăm người lao vào đập phá siêu thị, cướp đồ tự nhiên "như chốn không người"
- 12-06-2020Ba hãng hàng không kiện Chính phủ Anh vì áp lệnh cách ly 14 ngày phòng COVID-19
Ngày 30/6, Aeromexico - một trong những hãng hàng không lớn nhất Mexico đã thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Đây là hãng hàng không mới nhất chịu khuất phục trước ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19.
Thông báo của Aeromexico cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu quá trình tự nguyện tiến hành tái cơ cấu tài chính theo Chương 11, Luật phá sản Mỹ".
Đây là tiến trình cho phép các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động dưới sự giám sát của tòa án Mỹ trong khi được phép trì hoãn trả nợ để thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu tài chính.
CEO Andrés Conesa nói trong một tuyên bố: "Ngành công nghiệp của chúng tôi phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do nhu cầu vận tải hàng không giảm đáng kể. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để có thể hoạt động hiệu quả hơn trong trạng thái mới cũng như chuẩn bị tốt cho một tương lai tươi sáng hơn khi đại dịch Covid-19 đã ở lại phía sau".
Aeromexico là "nạn nhân" mới nhất của Covid-19.
Giống nhiều hãng hàng không khác, Aeromexico buộc phải hạn chế hoạt động vì nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không gần như không còn. Trong vài tháng qua, hãng đã cho nghỉ một phần của đội bay. Tháng 3, Aeromexico tuyên bố sẽ lần đầu tiên khai thác các chuyến bay chỉ chở hàng do dịch Covid-19.
Đây là hãng vận chuyển thuộc khu vực Mỹ Latinh mới nhất đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Trước đó, vào tháng 5, hai hãng LATAM liên doanh giữa Chile và Brazil và Avianca của Colombia cũng bắt đầu các thủ tục phá sản. Nguyên nhân cũng rất quen thuộc: Ảnh hưởng của đại dịch.
Theo Conesa, quy trình tái cơ cấu tài chính theo Chương 11, Luật phá sản Mỹ, sẽ giúp hãng "tăng cường tình hình tài chính hiện tại, có được nguồn tài chính mới và tăng tính thanh khoản. Bên cạnh đó, hãng cần tạo nền tảng bền vững hơn để thành công trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay".
Khi công ty bắt đầu cuộc tái cơ cấu tài chính, các hoạt động thường ngày vẫn được tiếp tục. Một nhà quản lý cho biết hành khách vẫn có thể bay bằng vé hiện có và nhân viên của hãng sẽ tiếp tục được trả lương như bình thường.
Bên cạnh đó, Aeromexico cũng đề cập đến sự phục hồi dần dần. Khi du lịch hàng không bắt đầu hồi phục ở một số quốc gia, Aeromexico sẽ mở rộng dịch vụ bay ngay lập tức. Theo đó, hãng đã lên kế hoạch tăng gấp đôi các chuyến bay nội địa và tăng gấp bốn lần công suất bay đối với những chặng bay quốc tế trong tháng 7 so với công suất của tháng trước.
Mặc dù vậy, hãng này vẫn phải đối mặt với một chặng đường khó khăn phía trước. Cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng có thể mất hơn ba năm để du lịch quốc tế trở lại mức trước khủng hoảng.
Tại châu Á, hãng hàng không Thai Airways đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại Tòa án phá sản Trung ương Thái Lan ngày 26/5. Hãng dự kiến cũng sẽ nộp đơn xin bảo hộ theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ hoặc tài sản của họ, gồm các văn phòng và máy bay ở nước ngoài có thể bị tạm giữ. Trong số tất cả các khoản nợ, có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức.
Theo CNN
Tổ quốc