MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm rủi ro từ đầu tư trái phiếu bất động sản

15-09-2019 - 09:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Đầu tư trái phiếu bất động sản được đảm bảo bằng chính các dự án bất động sản, nhưng tài sản đảm bảo này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong 8 tháng đầu năm, ước tính tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp được chào bán ra thị trường là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.

Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm một tỷ trọng lớn với 44 trên tổng số 108 doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu. Tổng lượng chào bán cũng rất lớn, lên đến 47.804 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tên tuổi và mức lãi suất khá hấp dẫn 10 – 12%/năm.

Bên cạnh việc tích cực huy động vốn tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang lên kế hoạch huy động vốn trên thị trường quốc tế thông qua các khoản vay thương mại cũng như phát hành trái phiếu. Tất nhiên là khối bất động sản cũng không thể bỏ qua.

Thêm rủi ro từ đầu tư trái phiếu bất động sản - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trái phiếu nên thận trọng.

Thực tế, thu hút vốn từ thị trường quốc tế là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, chủ trương tạm dừng phê duyệt cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công của Chính phủ được áp dụng những năm gần đây khiến các doanh nghiệp gặp khó. Ngoài ra, chi phí huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài cũng dự kiến tăng cao.

Diễn biến này tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình gọi vốn, bởi để có thể phát hành trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp không những phải tuân thủ cả quy định trong nước mà còn là những điều kiện phát hành tương đối khắt khe của quốc tế.

Thế nhưng, việc bước chân ra trường quốc tế không phải là điều dễ dàng. Trước đó, vào năm 2011, Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) cũng từng phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 5 năm.

Tuy nhiên, sau chưa đầy một năm lên sàn ngoại, trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai đã hủy niêm yết (tháng 8/2012).

Thậm chí, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trên thị trường chứng khoán Việt còn rơi vào thảm cảnh khi chỉ giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cp, đang ở trong diện cảnh báo.

Câu hỏi đặt ra là đến nay có bao nhiêu nhà đầu tư đã tham gia mua trái phiếu này, thậm chí ngay cả các cơ quan quản lý nắm được bao nhiêu phần tình hình “sức khỏe” của lượng trái phiếu mà các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán? Do vậy, câu chuyện ai kiểm soát, kiểm soát như thế nào cũng cần được đặt ra nghiêm túc.

Bởi lẽ, ngay chính trong thị trường nội địa, lượng lớn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thời gian qua cũng đang bị cảnh báo về quá nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đặc biệt, đa phần các trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành sử dụng tài sản đảm bảo chính là dự án bất động sản, hoặc nguồn tiền hình thành từ việc bán dự án bất động sản trong tương lai để đảm bảo khả năng trả nợ.

Còn đối với trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán, tiền để trả gốc và lãi cho nhà đầu tư cũng đến từ việc kinh doanh dự án bất động sản.

Trong khi đó, rủi ro bất cứ lúc nào cũng sẽ ập tới đối với thị trường bất động sản như giá giảm, “đóng băng” thị trường, lúc ấy tài sản thế chấp là bất động sản không còn nhiều ý nghĩa vì mất thanh khoản.

Theo Ngọc Vy

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên