Thị phần VSmart của Vingroup đã đuổi kịp Mobiistar chỉ sau 6 tháng ra mắt, lên kế hoạch vươn ra các thị trường khu vực trong năm nay
Cùng với Asanzo, Mobiistar và Bphone, Vsmart đang tạo thành thế tứ trụ của smartphone Việt trong trận chiến đấu với các thương hiệu ngoại, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Số liệu mới nhất từ GfK cho thấy trong 4 tháng đầu 2019, thương hiệu điện thoại của tập đoàn Vingroup, Vsmart đã chiếm khoảng 2% thị phần di dộng Việt Nam. So với tỷ lệ gần 47% của Samsung hay 22% của Oppo, con số này có vẻ khiêm tốn nhưng không lép vế nhiều so với các thương hiệu phổ biến còn lại trên thị trường hiện nay như Nokia, Vivo hay Realme...
Chính thức ra mắt vào giữa tháng 12/2018, Vsmart mở đầu bằng cả 4 mẫu điện thoại tầm trung gồm Joy 1, Joy 1+, Active 1 và Active 1+ với mức giá dưới 6 triệu đồng. Đây là phân khúc trước giờ luôn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu Trung Quốc, những bên sẵn sàng dùng chiêu bài "cấu hình cao-giá thấp" để hạ gục đối thủ.
Tuy nhiên như giới chuyên môn nhận định, VSmart có khả năng cạnh tranh không thua kém bất kỳ đối thủ nào khác trên thị trường nhờ sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ Vingroup.
Chỉ riêng nói về kênh phân phối, bên cạnh sự xuất hiện tại các kệ hàng của những chuỗi lớn như Thế Giới Di Động hay FPT Shop, Vsmart còn có lợi thế thâm nhập vào các trung tâm thương mại của Vincom, siêu thị Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Chưa hết ngay khi ra mắt, Vsmart tung chính sách bảo hành lên tới 18 tháng, vượt hẳn thời gian bảo hành dài nhất là 15 tháng, vốn thuộc về Xiaomi. Động thái này vừa ngầm khẳng định chất lượng của sản phẩm, vừa tạo độ tin tưởng cho khách hàng với một thương hiệu hoàn toàn mới.
Trong biểu đồ của GfK, với thị phần 2%, Vsmart đã thay thế chỗ của Mobiistar sau khi thương hiệu này giảm dần thị phần từ 3% xuống 2%, và không còn xuất hiện trong bảng thống kê của GfK.
Tiến ra thế giới chỉ sau 3 tháng xuất hiện
Trong khi các thương hiệu Việt như Bkav chọn hướng phát triển thị trường trong nước trước, hoặc chỉ tiến đánh thị trường nước ngoài khi xác định khó cạnh tranh tại quê nhà như Mobiistar, thì Vsmart lại quyết định chiến đấu song song ở cả 2 hướng.
Tháng 3 năm nay, nghĩa là chỉ sau hơn 3 tháng ra mắt, Vsmart chính thức xuất hiện tại Tây Ban Nha. Theo như chia sẻ, các sản phẩm điện thoại của tập đoàn Vingroup sẽ được phân phối qua chuỗi gần 90 cửa hàng của MediaMarkt, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng số một châu Âu với hơn 35 năm kinh nghiệm.
Không dừng lại ở đó, cuối tháng 5 vừa qua, tập đoàn Vingroup tuyên bố đưa sản phẩm công nghệ Việt chinh phục thị trường châu Á mà mở đầu là Myanmar. Cụ thể, các mẫu điện thoại Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của Strong Source, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar. Ngoài ra, tại đây, Vsmart cũng đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ khác là Mytel (Viettel) và Shop.com.mm (Alibaba).
Dự kiến trong năm, Vsmart sẽ tiếp tục hiện diện tại các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Dù phần nào có chỗ đứng trong nước, đồng thời chứng tỏ quyết tâm, tiềm lực lẫn chất lượng bằng cách mang sản phẩm ra cạnh tranh tại nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng Vsmart vẫn cần chú ý đến một bước không kém phần quan trọng là phát triển cộng đồng người dùng. Bởi một khi sản phẩm đi vào sâu rộng, cộng đồng sẽ là nơi người dùng hỗ trợ nhau, nhà sản xuất đỡ được khâu chăm sóc khách hàng, vừa là nơi để triển khai các hoạt động giúp gắn kết người dùng nhiều hơn với thương hiệu.
Trong khi Bkav xây dựng được cộng đồng người dùng với hơn 50.000 thành viên, Xiaomi tổ chức các buổi trải nghiệm sản phẩm mới như Mi Explorer hay các cuộc thi ảnh thì hiện VSmart chưa có nhóm hoạt động nào nổi bật cũng như thiếu các hoạt động gắn kết người dùng.
Trí thức trẻ