MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bán lẻ mẹ và bé: "Đứa trẻ" 7 tỷ đô không dễ tính

Đối diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là Kids Plaza – một siêu thị dành cho mẹ và bé. Là một trong những thương hiệu bán lẻ có tiếng và nằm ở vị trí thuận lợi nhưng mỗi hoá đơn của cửa hàng chủ yếu từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thị trường mẹ và bé nhìn có vẻ lớn nhưng không dễ.

CEO Bibo Mart Trịnh Lan Phương tại sự kiện Forbes Việt Nam đã nhận định thị trường tiêu dùng mẹ và bé ở Việt Nam có quy mô lên đến 7 tỷ USD/năm. Dù vậy, bà cũng thẳng thắn thừa nhận: để chiếm lĩnh thị trường là bài toán khó.

Sau 11 năm khởi nghiệp, Bibo Mart đã có 124 cửa hàng trên toàn quốc, được định giá 142 triệu USD hồi cuối năm 2016. Hiện Bibo Mart được đánh giá là chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé lớn nhất Việt Nam.

Trong cuộc chiến giành thị phần với Bibo Mart, đáng kể đến là Kids Plaza. Ra đời sau Bibo Mart 3 năm, hiện Kids Plaza đã có 72 cửa hàng khắp cả nước. Ở một số địa điểm, hễ có Bibi Mart thì sẽ xuất hiện Kids Plaza. Ngoài ra, thị trường còn một số hệ thống bán lẻ khác như Con cưng, Shoptretho, TutiCare,…

Dù vậy, nhiều khách hàng cho biết chuỗi cửa hàng này chỉ mới đáp ứng được nhu cầu bình dân mà chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng trung lưu nhưng lại không tiếc tiền mua sắm cho con trẻ.


Cửa hàng Kids Plaza đối diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khách thường đến đông từ thứ 2 đến thứ 6 vì khám thai và tranh thủ mua sắm. Giá trị đơn hàng ở đây thường không lớn.

Cửa hàng Kids Plaza đối diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khách thường đến đông từ thứ 2 đến thứ 6 vì khám thai và tranh thủ mua sắm. Giá trị đơn hàng ở đây thường không lớn.

Vợ chồng chị Oanh (34 tuổi, Hà Nội) đã có một tour du lịch đi nước ngoài trước khi chị sinh. Tranh thủ chuyến đi này, chị đã mua sắm rất nhiều thứ cho con trai đầu lòng. Bởi nhiều món hàng chị không tìm được thương hiệu ưng ý cũng như đạt sự an tâm nếu mua trong nước.

“Chị chưa an tâm lắm với chất lượng hàng mua trong nước. Hàng hoá vẫn thượng vàng hạ cám khi xen lẫn cả đồ Trung Quốc vào. Các cửa hàng cũng không có hàng cao cấp hẳn. Chị chỉ mua những thứ ngoài da cho bé, dùng ít, ví dụ như chậu tắm, bao tay, bỉm. Lúc thì mua tại Kids Plaza, khi thì Bibo Mart. Những khác như sữa chị thường đặt bạn cầm về”, chị chi biết.

Chị cũng cho biết các thương hiệu trong nước không nhiều. Ví dụ xe đẩy ở Việt Nam chỉ quanh quẩn Combi, Seababy, Aprica,… trong khi ở nước ngoài ngoài, một mặt đa dạng hơn, một mặt giá cả rẻ hơn từ 80 – 150.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó các khu mua sắm tập trung hơn, có thể tìm được mọi thứ.

Do đó, nếu như ở nước ngoài chị Oanh chi trả trung bình mỗi đơn hàng là 10 triệu đồng thì chị chỉ trả khoảng 500 nghìn đồng cho mỗi lần mua tại các cửa hàng trong nước, nhưng cũng không thường xuyên.

Để chinh phục “đứa trẻ” tỷ đô

Số liệu của Tổng cục Dân số cho biết, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em từ 0 – 4 tuổi và hơn 10 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Việt Nam còn là nước có tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em ở mức cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ có con từ 1 – 2 tuổi. Cộng với mức sống đang lên của một bộ phận thị dân, những người sẵn sàng chi mạnh tay cho con cái của họ, miếng bánh thị phần bán lẻ này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với dư địa lớn.

Ngoài các chuỗi doanh nghiệp nội cung ứng hàng hoá như Bibo Mart, Kids Plaza, hiện đã có cả một hệ thống siêu thị mẹ và bé chuyên hàng của Nhật Bản là là Soc&Brothers. Phát triển 5 siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, Soc&Brothers cung cấp cho khách hàng Việt Nam từ cái bông tăm, tã, sữa, quần áo… đến các thiết bị điện tử, gia dụng… nhập khẩu từ Nhật.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Kids Plaza nhận xét: “Việc các thương hiệu lớn vào Việt Nam chứng minh doanh số của thị trường đã đủ lớn để doanh nghiệp phải có mặt “chăm sóc”. Từ việc xuất hiện chỉ qua con đường “xách tay” đến nay đã “đường đường chính chính”, chứng tỏ sức tiêu thụ đang lớn dần”.

Để làm chủ cuộc chơi này, như kinh nghiệm của CEO Bibo Mart, là phải chịu đi và chịu chi. Theo đó, công ty đã mạnh tay chi tiền để chiêu mộ nhân sự hàng đầu ở các tập đoàn lớn nước ngoài và đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ và triển khai hệ thống ERP, warehouse, online, CRM.

Bên cạnh đó, công ty này cũng tập trung vào vấn đề nhân sự bán lẻ - vốn được coi là bài toán khó để làm sao nhân viên vừa yêu nghề, mong muốn làm việc lâu dài, đóng góp cho công ty. Từ đó mới có thể chăm sóc và tạo trải nghiệm mua sắm tốt cho khác hàng.

“Chỉ cần chúng ta gạch đầu dòng những điều kiện cần trong một thị trường tiềm năng như Việt Nam và cố gắng làm đầy đủ các gạch đầu dòng đó là thành công”, CEO Bibo Mart tự tin.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên