MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bất động sản đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay ra sao?

04-11-2019 - 14:16 PM | Bất động sản

Hàng loạt chủ đầu tư công bố dự án tại miền Tây trong năm 2019 nhằm tranh thủ quỹ đất còn lớn, tiềm năng dồi dào.

Đối với thị trường Bất động sản (BĐS), 2019 là năm mà thị trường BĐS chung của cả nước có xu hướng sụt giảm, thì ngược lại, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình đầu tư mới vào các dự án BĐS thời gian qua đang diễn ra hết sức sôi động.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là một trong những đồng bằng lớn và màu mỡ nhất Đông Nam Á với điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi để phát triển không chỉ nông nghiệp mà còn giữ vai trò then chốt làm giàu mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Trong những năm qua, ĐBSCL không ngừng vươn lên mạnh mẽ và phát triển, luôn có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước 1.3 đến 1.5 lần. Cùng với đó, hạ tầng khu vực BĐSCL cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ. 

Tính chung trong giai đoạn 2017-2020, có đến 11 dự án đường bộ cao tốc đã và dự kiến hoàn thành với tổng chiều dài 654km từ Bắc đến Nam. Đây là những công trình trọng điểm góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành miền Tây và tạo cơ hội thu hút đầu tư bất động sản vào khu vực này.

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn. Ở đường bộ, các tuyến quốc lộ, cao tốc trục dọc, trục ngang sẽ xây dựng hoàn chỉnh để kết nối TP HCM với miền Tây, bao gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61.

Bộ Giao thông sẽ hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 tại TP HCM, kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án phát triển hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.

Với đường hàng không, dự kiến nghiên cứu nâng cấp công suất sân bay quốc tế Phú Quốc, khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối sân bay Cần Thơ với các tỉnh thành khác.

Tại hội thảo "Định hướng cơ hội đầu tư" vừa được tổ chức mới đây, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết năm 2019 thị trường có vẻ chững lại, số lượng dự án được ký ở các nơi rất ít, nên dự án nào được ký thì có tính pháp lý cao, hứa hẹn tương lai rất tốt. Số lượng dự án bị chậm lại vì nhiều lý do (pháp lý và chống tham nhũng nên tương lai BĐS sẽ có khả năng tăng giá vì nguồn cung bị hạn chế.

Gần đây, các nhà đầu tư BĐS có xu hướng đầu tư ra ngoài những vùng có khả năng thu hút khách du lịch tốt như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… để tìm đến những khu vực có tiềm năng nhưng chưa được đánh thức như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Phú Yên. Đặc biệt, ĐBSCL và Cần Thơ đã được Chính phủ quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm bao gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau; bên cạnh 2 trọng điểm kinh tế là Đồng tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Điều đó, hứa hẹn sự phát triển của Cần Thơ trong tương lai gần.

 "Đối với riêng ĐBSCL - vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo nhưng bấy lâu nay bị lãng quên, phát triển chậm. Nhưng, hiện nay, Chính phủ đang có những động thái đánh thức tiềm năng khu vực này bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TPHCM đến Cần Thơ, và kết nối ĐBSCL…Vì vậy, chủ đầu tư nào đi trước, đón đầu thì việc đầu tư sẽ thắng, sẽ tận dụng lợi ích từ đầu tư hạ tầng của Nhà nước" – ông Võ mạnh.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn KITA Group cho biết, trong 2 năm gần đây, do phát triển của sân bay quốc tế Cần Thơ, việc đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối liên vùng từ Cần Thơ đi TPHCM và các tỉnh ĐBSCL mà thị trường Cần Thơ bùng nổ. Giá đất trung tâm Cần Thơ như Cái Răng, Ninh Kiều, quận Bình Thuỷ tăng 100-200 %. Cá biệt có khu dọc theo đường Đặng Văn Dầy, Võ Văn Kiệt, cũng như con đường huyết mạch nối Cần Thơ với các tỉnh Long Xuyên, giá đất đã tăng 300 %, và có những nơi còn tăng giá trong tương lai gần.

Cần Thơ là Tây Đô nhưng thị trường này còn mới nổi. Dân số Cần Thơ hiện tại có 1,7 triệu người, dân số ĐBSCL khoảng 20 triệu người. Cần Thơ là địa điểm du lịch của Việt Nam, năm 2018-2019 đón 7,5-8 triệu khách du lịch, tuy nhiên, con đường huyết mạch từ Tp.HCM về Cần Thơ chỉ là con đường độc đạo, do vậy, khi có cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thông xe sắp tới thì thị trường BĐS sẽ có những đột biến trong tương lai gần.

"Điều đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp về ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng về đây đầu tư. Trong đó có những dự án quy mô lớn như khu đô thị Stella Mega City 8.000 tỷ đồng ở quận Bình Thuỷ. Đây là một trong những khu đô thị tầm cỡ, rộng 150ha đã hoàn thiện hạ tầng", đại diện KITA nhấn mạnh.

Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư khi đổ tiền vào nhà đất tại ĐBSCL, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký HH BĐS Việt Nam chia sẻ thực tế thị trường BĐS hiện nay, đối với việc đầu tư BĐS thì tìm hiểu tính pháp lý dự án rất quan trọng; sau đó xem xét dự án có phù hợp với quy hoạch hay không? hệ thống thông tin về thị trường cần tiếp cận với chính quyền địa phương để xác minh dự án. Nên muốn đầu tư, các khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ, lựa chọn dự án uy tín trước khi xuống tiền.

Ông Giáp Văn Kiểm – CTHĐQT Công ty cổ phần AVLand Việt Nam cũng cho biết, trong thời điểm hiện tại, BĐS tại khu vực ĐBSCL với mức giá còn rẻ có thể coi là kênh đầu tư hiệu quả nhất cho khách hàng thông minh, đặc biệt là phân khúc đất nền và shophouse. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chọn dự án có pháp lý rõ ràng minh bạch cùng quỹ đất sạch.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên