Thị trường bất ngờ giảm sâu, định giá chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn
Theo số liệu từ Bloomberg, 2 phiên điều chỉnh mạnh vừa qua đã giúp định giá P/E của VN-Index "hạ nhiệt", chỉ còn khoảng 18,9, trong khi vào cuối tuần giao dịch trước, P/E VN-Index lên tới xấp xỉ 20. Thời gian tới khi các doanh nghiệp công bố KQKD quý 4 sẽ giúp P/E thị trường tiếp tục giảm xuống bởi lợi nhuận quý 4 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Trái với diễn biến tích cực của nhiều thị trường Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm sâu trong phiên giao dịch 19/1. Có thời điểm chỉ số VN-Index mất tới 74,71 điểm (-6,27%), mức giảm kỷ lục từ trước tới nay. Tuy vậy, lực cầu giá cao tăng lên trong phiên chiều đã giúp các chỉ số thu hẹp đà rơi và VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 60,94 điểm (-5,11%) xuống 1.131 điểm.
Mức giảm 5,11% trong phiên giao dịch đã đưa VN-Index trở thành thị trường có biến động "tệ" nhất Châu Á trong phiên 19/1. Vốn hóa sàn HoSE sau phiên 19/1 cũng bị "thổi bay" hơn 225 nghìn tỷ đồng (~9,7 tỷ USD).
Dù thị trường vừa trải qua phiên điều chỉnh mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư "F0" e sợ nhưng theo nhiều chuyên gia lâu năm thì đây là điều cần thiết để giúp thị trường bền vững hơn khi đã tăng khá "nóng" trong những tháng qua.
P/E VN-Index đã "hạ nhiệt" sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp
Theo số liệu từ Bloomberg, 2 phiên điều chỉnh mạnh vừa qua đã giúp định giá P/E của VN-Index "hạ nhiệt", chỉ còn khoảng 18,9, trong khi vào cuối tuần giao dịch trước, P/E VN-Index lên tới xấp xỉ 20. Thời gian tới khi các doanh nghiệp công bố KQKD quý 4 sẽ giúp P/E thị trường tiếp tục giảm xuống bởi lợi nhuận quý 4 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Trong 5 năm qua, đỉnh P/E của VN-Index vào khoảng 22 và đây cũng là lúc VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm vào đầu tháng 4/2018. Với P/E hiện chưa tới 19 lần, có thể nói định giá thị trường hiện chưa phải quá cao so với lịch sử.
P/E các TTCK Châu Á cao vượt trội so với Việt Nam
Không chỉ có định giá thấp so với quá khứ, TTCK Việt Nam cũng đang có định giá hấp dẫn hơn các quốc gia khu vực khi P/E TTCK Thái Lan hiện lên tới 26.x, P/E Philippines 28.7 hay P/E TTCK Indonesia gần 30. Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo vượt trội so với các quốc gia trong khu vực. Khảo sát các Công ty chứng khoán cho biết tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ ở mức trên 20%.
Bên cạnh yếu tố định giá hấp dẫn, TTCK Việt Nam cũng đang được kỳ vọng đón dòng vốn ngoại trở lại sau khi đã bán ròng mạnh trong năm 2020. Việc được nâng tỷ trọng lớn nhất trong rổ Frontier Markets (cận biên), cùng với kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets) hay các yếu tố vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát dịch bệnh hàng đầu khu vực được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút đầu tư trong thời gian tới. Trên thực tế, dòng vốn ETFs đang đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong những ngày đầu năm mới. Tính riêng tuần giao dịch 11-15/1 có tới gần 1.000 tỷ đồng đổ vào thị trường thông qua các quỹ ETFs.
Dòng vốn ETFs đang đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong những ngày đầu năm 2021
Báo cáo cập nhật nhanh diễn biến thị trường của CTCK MBS cho biết diễn biến giảm nhanh và mạnh thường sẽ không kéo dài mà chỉ trong 1-2 phiên giao dịch. Các cổ phiếu bị bán sàn sẽ sớm phục hồi ngay sau khi giao dịch ổn định trở lại. MBS cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét mua tại các vùng hỗ trợ dự kiến từ 1.033 – 1.064 điểm.