MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đâu so với khu vực?

Thị trường chứng khoán các nước trong khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư hơn Việt Nam thể hiện rõ nét nhất là lợi suất đầu tư chứng khoán cao hơn các kênh khác, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại.

Ngoài hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp, giá cổ phiếu trên thị trường còn phụ thuộc vào môi trường vĩ mô. Hay nói cách khác, môi trường vĩ mô có tác động mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán, được ví như “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Bài viết này phân tích mối liên hệ một cách trực quan giữa môi trường vĩ mô tới thị trường chứng khoán thông qua các chỉ tiêu so sánh với các nước trong khu vực, qua đó gợi ra những chính sách nhằm phát triển thị trường chứng khoán trở nên chuyên nghiệp hơn.

Thị trường chứng khoán các nước trong khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư hơn Việt Nam thể hiện rõ nét nhất là lợi suất đầu tư chứng khoán cao hơn các kênh khác, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Bảng số liệu dưới đây so sánh lợi suất từ thị trường chứng khoán (theo năm) so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 01 năm trung bình trong 05 năm qua cho thấy đầu tư chứng khoán ở Việt Nam còn thua gửi tiền tiết kiệm. Nếu lãi suất tiết kiệm bình quân 5 năm của Việt Nam ở mức 8,64%/năm thì lợi suất chứng khoán chỉ ở mức 8,52% trong khi con số này ở Philippine là 2,22% so với 10,57%; ở Thái Lan là 2,28% so với 7,9% và ở Indonesia là 7,24% so với 11,94%/năm.

Lý do khác là thị trường chứng khoán khu vực đã phát triển chuyên nghiệp hơn, vốn hóa chiếm tỷ trọng GDP cao hơn, là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người theo so sánh ngang giá sức mua ở các nước trong khu vực cao hơn Việt Nam, người dân có thu nhập cao hơn sẽ có nguồn tiền đầu tư nhiều hơn.

Kết quả là giá cổ phiếu trong khu vực cao hơn ở Việt Nam thể hiện qua so sánh chỉ tiêu PE, PB. Chỉ số PE bình quân giai đoạn 2011-Q2/2016 của Vietnam chỉ ở mức 12,1 lần so với Thái Lan 16,8 lần, Philippine gần 19 lần và Indonesia gần 21 lần. PB của Vietnam gần 2 lần trong khi Indonesia 2,77 lần.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể hiện rõ nét trong vai trò là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế (vốn hóa chiếm tỷ trọng thấp so với GDP). Nguồn vốn trong nền kinh tế đè nặng lên vai trò hệ thống ngân hàng, điều này gây ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế vĩ mô khi có bất ổn trong hệ thống ngân hàng.

Để có sức hấp dẫn nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, cần tăng tính liên kết giữa hệ thống ngân hàng và thị trường vốn, tạo cơ hội phát triển cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời chính sách tiền tệ cần coi ổn định mặt bằng giá là mục tiêu cơ bản quan trọng nhất, giúp giảm lãi suất để tăng sức khỏe của nền kinh tế trong dài hạn, qua đó sức hấp dẫn thị trường chứng khoán tăng lên.

PV

Theo NDH

Trở lên trên