MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 chuyển động vốn của khối ngoại trên TTCK Việt Nam 2013

Năm 2013 khối ngoại rót ròng 7.667 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam (365 triệu USD) trong đó mua ròng trên sàn HoSE gần 6.330 tỷ và mua ròng trên sàn Hà Nội hơn 1.337 tỷ đồng.

Con số này chỉ tính riêng trên thị trường niêm yết, chưa bao gồm các giao dịch rót vốn vào đầu tư tư nhân (private Equit) và các giao dịch trên thị trường OTC.


Giao dịch khối ngoại trên sàn HoSe năm 2013


Giao dịch khối ngoại trên sàn Hà Nội năm 2013

Dòng vốn ngoại năm nay chia làm 3 hướng: một hướng tác động bởi 2 quỹ ETF là Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam UCITS ETF, chủ yếu tác động vào các cổ phiếu trong Vn30 và các cổ phiếu chủ chốt sàn Hà Nội; thứ hai là dòng vốn từ các quỹ đầu cơ như Asean Small Cap Fund và Mutual Elite Fund đầu tư vào các cổ phiếu midcap và penny; thứ ba là dòng vốn luân chuyển giữa các quỹ đã hiện diện tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital, Orchid Capital chốt lời tại các cổ phiếu tăng mạnh và tìm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu đang tăng trưởng.

Đối với quỹ ETF, trong năm qua 2 quỹ này tổng cộng huy động mới được khoảng hơn 3,5 triệu chứng chỉ quỹ (trong đó quỹ VNM huy động thêm được 3,2 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 57,6 triệu USD, FTSE huy động ròng trong năm khoảng 310.000 chứng chỉ quỹ, hơn 7,44 triệu USD).

Dòng vốn ngoại này gần như chi phối cuộc chơi trong cả năm 2013 vì quy mô vốn rất lớn. 5 tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào 2 quỹ ETF khiến khối ngoại mua ròng hơn 5.200 tỷ trên sàn HoSe trong 5 tháng đầu năm, giai đoạn 2 khi ETF bị rút vốn từ tháng 6-tháng 8, khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ trên sàn HoSE, bắt đầu từ tháng 9, khối ngoại lại mua ròng hơn 3.500 tỷ trong 4 tháng cuối năm.

Nhìn vào danh sách các cổ phiếu được khối ngoại giao dịch nhiều nhất năm 2013 đều thấy “tác động” của quỹ ETF.


Các mã được khối ngoại giao dịch nhiều nhất sàn HoSe

MSN là cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất năm 2013 với giá trị mua ròng gần 910 tỷ đồng, MSN đang là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của FTSE (15,46%).

Năm 2013 là một năm “đại thắng” của MSN khi các công ty con của MSN cũng thu hút được rất nhiều vốn ngoại. Đầu năm 2013, KKR đã rót 200 triệu USD vào Masan Consumer trong đó 100 triệu USD thông qua phát hành riêng lẻ hơn 22,84 triệu cổ phiếu (giá phát hành gần 99.500 đồng/cp). Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Tăng Trưởng của TPG (“TPG Growth”) đã bỏ 50 triệu USD để mua lại 49% cổ phần của công ty TNHH Hoa Mười Giờ. Orchid Capital Investment cũng thoái vốn tại FPT để sở hữu 58,67 triệu cổ phiếu MSN (tương đương 11,14%).

Cổ phiếu thứ hai được khối ngoại mua vào là HPG, năm 2013 khối ngoại đã mua ròng 30 triệu cổ phiếu HPG, rót ròng hơn 880 tỷ vào cổ phiếu này, tính đến cuối năm 2013 room ngoại tại HPG chỉ còn hơn 4%. HPG có trong danh mục của cả quỹ VNM (2,47% NAV) và FTSE (11% NAV).

VCF là cổ phiếu thứ ba được khối ngoại rót tiền mạnh trong năm 2013, ngày cuối năm quỹ Gaoling của Hồng Kông và tổ chức liên quan đến Gaoling là YHG Investment bất ngờ chi hơn 860 tỷ mua vào 6,5 triệu cổ phiếu của Vinacafe Biên Hòa, tương đương 24,26% vốn của công ty này, thương vụ này đã đem lại nguồn tiền lớn cho Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Các cổ phiếu khác được khối ngoại mua mạnh đều là các bluechips như GAS (mua ròng 15 triệu cp, hơn 800 tỷ đồng), DPM (mua ròng gần 10 triệu cp), PVD (mua ròng 5,47 triệu cp), VIC (mua ròng 4,38 triệu cp),GMD (mua ròng 7,35 triệu cp), MBB (mua ròng 16,4 triệu cp), VCB (mua ròng 5,8 triệu cp), PET (mua ròng 12,17 triệu cp), CSM (mua ròng 5 triệu cp do PET và CSM được vào danh mục của FTSE từ tháng 6/2013)….

Về phía bán ròng, HAG là cổ phiếu đứng đầu danh sách bị bán ròng năm 2013, khối ngoại đã bán ra gần 80 triệu cổ phiếu HAG trong năm, bán ròng hơn 35,5 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng hơn 730 tỷ đồng. HAG đã bị bán rất mạnh trong tháng 12 kể từ khi Deutsche Bank tuyên bố không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này. Trong khi đó Creadit Suisse lại nắm giữ 73,3 triệu cổ phiếu HAG thông qua chuyển đổi trái phiếu.

Ba cổ phiếu ngân hàng nằm trong top bán ròng của năm 2013 là CTG (bán ròng 27,8 triệu cp), EIB (bán ròng gần 17,9 triệu cp), STB (bán ròng 8,8 triệu cp). CTG đã bị loại khỏi danh mục của FTSE từ tháng 3/2013, PVF bị loại khỏi danh mục của cả FTSE và VNM.

Trên sàn Hà Nội, SHB được vào rổ của Market Vector nên cổ phiếu này dẫn đầu sàn Hà Nội về khối lượng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Năm nay khối ngoại mua ròng hơn 66,6 triệu cổ phiếu SHB (giá trị hơn 457 tỷ đồng), các mã khác được mua ròng mạnh có PVS, PVC, VND, API, PGS, trong đó VND, API đều do Asean Small Cap Fund đẩy mạnh đầu tư, các mã bị bán ròng mạnh có PVX (bị loại ra khỏi rổ danh mục của Market Vector), VCG (bị giảm tỷ trọng khỏi danh mục của Market Vector), KLS, SCR bị bán ròng hơn 6 triệu cổ phiếu.

KLGD ròng GTGD ròng
SHB 66,668,198 457,142,819,900
PVS 20,941,872 362,363,423,200
PVC 6,455,990 97,938,404,300
VND 4,859,334 48,622,088,000
API 3,446,900 14,688,572,900
PGS 2,333,400 34,869,701,000
DBC -463,799 1,553,156,700
SCR -6,368,169 -54,474,294,300
KLS -6,700,870 -49,496,097,000
VCG -9,895,497 -6,755,445,500
PVX -20,722,485 741,877,500

Năm 2013, dòng vốn từ các quỹ đầu cơ như Mutual Elite Fund hay Asean Small Cap Fund đầu tư vào các cổ phiếu midcap và penny như API, GDT, TDH, PAN, VPK…cũng làm thay đổi cục diện tại các cổ phiếu này.

Với các giao dịch ngoài sàn, năm nay 2 quỹ của Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investment và Amersham Industries đã bán ra 19 triệu cổ phiếu Vinamilk, trong khi Norges Bank rất tích cực mua vào bluechips này. Tính ra trong năm 2013, Norges Bank đã mua vào hơn 3,9 triệu cổ phiếu Vinamilk.

HSBC chuyển nhượng 122,5 triệu cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Life, Vietinbank phát hành 644 triệu cổ phiếu cho Bank of Tokyo Mitsubishi.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên