Áp dụng T+2, công ty chứng khoán tranh thủ khuyến mại thêm hút khách?
Điều đáng nói là ngay trước thềm quy định mới có hiệu lực thì các công ty chứng khoán đã chạy đua cung cấp dịch vụ vượt qua cả quy định chung trên thị trường. Miễn phí thêm một ngày margin, cho phép nhà đầu tư dùng tiền bán miễn phí từ đầu ngày T+2.
Bắt đầu áp dụng T+2
Phiên đầu tiên của năm 2016, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ đón nhận tin vui khi mà sản phẩm T+2 mà UBCKNN đã chấp thuận sẽ đi vào hiệu lực. Với quyết định này, ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ 2 sau ngày giao dịch (T+2) và ngày thanh toán giao dịch trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày giao dịch (T+1).
Trên thực tế, theo quy định mới này, tiền về cũng là lúc phiên giao dịch đã kết thúc; nhà đầu tư không thể tiếp tục giao dịch mà phải đợi đến sáng ngày T+3. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư thường xuyên sử dụng đòn bẩy vay Margin, việc rút ngắn thời gian thanh toán một ngày sẽ tiết kiệm được tiền lãi vay cho 1 ngày.
Nói về T+2, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường - Ủy ban chứng khoán Nhà nước từng cho biết trên truyền thông rằng việc nhận tiền vào 16h30 ngày T+2 sẽ tiết kiệm được 1 ngày so với vào lúc 9h sáng này T+3, đặc biệt là với khoản đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Đồng thời, nếu nhà đầu tư nhận chứng khoán vào 16h30 ngày T+2 thì dù không thể bán được cổ phiếu trên sàn giao dịch, nhưng nhà đầu tư vẫn có toàn quyền quyết định với cổ phiếu về tài khoản, chẳng hạn như cầm cố cổ phiếu để lấy tiền hoặc thực hiện các giao dịch khác.
Ngoài ra, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán thành T+2 đã giải quyết được vấn đề của nhà đầu nước ngoài. Với chu kỳ thanh toán như hiện tại, nhà đầu tư ngoại phàn nàn vi phạm nguyên tắc là tiền và chứng khoán chuyển giao đồng thời: Tiền đi trong ngày T+2 trong khi chứng khoán về ngày T+3.
Công ty chứng khoán "chạy trước", cấp dịch vụ T+1?
Điều đáng nói là ngay trước thềm quy định mới có hiệu lực thì các công ty chứng khoán đã chạy đua cung cấp dịch vụ vượt qua cả quy định chung trên thị trường. Cụ thể cho đến thời điểm này có ít nhất 2 công ty chứng khoán đã sẵn sàng bỏ đi một phần lợi nhuận cho vay margin để hút nhà đầu tư.
Cụ thể, FPTS sẽ miễn phí ứng trước vào ngày T+2 đối với các giao dịch bán chứng khoán từ ngày 01/01/2016. Trong thông báo của mình, FPTS không nhắc đến việc thời gian khuyến mại đến bao giờ. Chỉ biết rằng, nhà đầu tư mở tài khoản tại FPTS sẽ được hưởng lợi một ngày phí ứng trước tiền bán và tất nhiên, nếu nhà đầu tư sử dụng dịch vụ margin thì cái lợi còn nhiều hơn nữa.
Công ty chứng khoán VNDirect cung cấp chương trình: "khách hàng sẽ được thanh toán tiền bán chứng khoán lúc 08h00 ngày T+2. Vì vậy, khách hàng có thể sử dụng tiền bán chứng khoán ngay từ đầu ngày T+2 mà không phải trả phí ứng trước tiền bán". Tuy nhiên, cũng giống như FPTS, VNDirects không công bố thời gian hiệu lực của các khuyến mại này.
Tại chứng khoán MB (MBS), công ty chứng khoán này không nói về "T". Trong thông báo của mình, MBS ghi rõ đối với các món ứng trước tiền bán chứng khoán có ngày ứng tiền trùng với ngày thanh toán thì MBS không thu phí ứng. Tuy nhiên, khác với FPTS và VNDirect, chứng khoán MBS cho hay quy định này có thể thay đổi theo thông báo của MBS từng thời kỳ.
Chiêu hút khách khá sốc của TVSI được thực hiện từ đầu năm 2016 đồng thời để chúc mừng sinh nhật của TVSI. Công ty này đưa ra chính sách tặng tiền 1 triệu đồng cho tất cả các khách hàng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán tại TVSI trong Tháng sinh nhật TVSI (từ ngày 28/12/2015 đến hết ngày 29/01/2016). Công ty chứng khoán này cũng giảm thêm 50% phí giao dịch về mức 0,15% trong vòng 03 tháng kể từ ngày KH mở tài khoản giao dịch.
TVSI còn miễn phí ứng trước tiền bán chứng khoán vào ngày T+2 từ 1/1/2016. Theo quy định thanh toán của Trung tâm lưu ký tiền bán chứng khoán của NĐT sẽ về tài khoản vào 16h00 ngày T+2 khi giao dịch ngân hàng đã đóng cửa và NĐT không thể giao dịch khoản tiền này. TVSI ứng trước khoản tiền vào 8h00 sáng ngày T+2, NĐT có toàn quyền sử dụng số tiền sớm hơn 1 ngày so với quy định).
Chưa biết chiến lược khuyến mãi kể trên của TVSI đem lại hiệu quả như thế nào, chỉ biết rằng, con số lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ủa công ty sụt giảm 56% so với 9 tháng đầu năm 2014. Có lẽ, lợi nhuận giảm sâu là yếu tố khiến TVSI “chơi trội” trong đợt khuyến mại này.
Nhiều công ty chứng khoán thờ ơ
Trong khi các công ty chứng khoán top vừa và bé liên tục chạy đua để hút khách thì có vẻ như một số công ty khác lại thờ ơ.
Thông báo phát đi về T+2 của Chứng khoán SSI và Chứng khoán HSC chỉ đơn thuần là thông báo về những thay đổi khi áp dụng T+2. 2 công ty chứng khoán này không công bố-ít nhất là đối với đám đông nhà đầu tư mở tài khoản tại họ-về các chính sách khuyến mại.
Một số công ty chứng khoán tầm trung khác như Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)....không có động tĩnh mới trong cuộc đua khuyến mại lần này.
Trao đổi với chúng tôi, một công ty chứng khoán tầm trung cho hay, việc rẻ đi được một ngày phí ứng trước tiền bán thực sự có ý nghĩa với nhà đầu tư nói chung và đặc biệt là nhà đầu tư lớn. Đối với các nhà đầu tư có sử dụng margin thì chính sách khuyến mại phí ứng tiền ngày T+2 càng trở nên có ý nghĩa.
Kính chúc quý nhà đầu tư, độc giả năm mới phát tài!