MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AVS: Không loại trừ khả năng đóng cửa

AVS sẽ “tránh bão” đến hết tháng 6/2013 để chờ đợi những thông tư của Bộ Tài chính, văn bản hướng dẫn của UBCKNN về TTCK và Công ty CK, và sự chuyển biến của nền kinh tế, vĩ mô.

Chiều ngày 02/11/2012, CTCP Chứng khoán Âu Việt – AVS đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông bất thường năm 2012. Theo đó,

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên VSD, HSX, HNX.

Theo HĐQT của AVS, ban lãnh đạo nhận thấy việc duy trì hoạt động nghiệp vụ môi giới của AVS là không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc chấm dứt tư cách thành viên HSX, HNX sẽ giúp AVS có thể thu gọn mặt bằng hoạt động (tiêu chuẩn về diện tích sàn giao dịch.....) cũng như các hạ tầng kỹ thuật khác nhằm đảm bảo cắt giảm chi phí.  

Đồng thời, tại Đại hội, HĐQT đã báo cáo cổ đông kết quả cổ đông lớn Vũ Thị Thanh Thủy được phép thực hiện giao dịch mua cổ phiếu AVS từ 7 cổ đông khác của AVS mà không cần thông qua thủ tục chào mua công khai. Đến tháng 10/2012, bà Thủy đã hoàn tất mua CP với tỷ lệ sở hữu 26,25%.

Tại đại hội, đại diện của AVS cho biết, quý III AVS bị lỗ chủ yếu do phải cắt lỗ danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết.

Trong khi đó, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô tới đây, cũng như thị trường chứng khoán là rất mù mờ, và không có cơ sở vững chắc. Vì vậy, đây là thời điểm AVS phải quyết định lại sự tồn tại của công ty.

Trước hết, AVS sẽ thu gọn lại hoạt động, kiểm soát rủi ro, kiểm soát an toàn tài chính gây rủi ro cho công ty, bảo toàn tiền mặt  - không làm mất tiền của cổ đông.

Nếu tất cả các biện pháp trên có thể giúp AVS “trụ được đến khi bão qua”, AVS sẽ tiếp tục “ra khơi”. Nếu đến tháng 6/2013 tình hình không khả quan hơn, HĐQT sẽ tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục hoạt động theo ngành nghề này, hay “bán tàu” chuyển sang hoạt động ngành nghề khác.

Tại đại hội, đại diện AVS cho biết, hiện công ty là một trong 30 CTCK vẫn còn tiền (không bao gồm tiền của nhà đầu tư), nhưng AVS có thể phát triển được hay không còn tùy thuộc vào tương lai của TTCK. Chúng tôi mặc dù đã rất lạc quan những vẫn mơ hồ về tương lai của TTCK trong 1-2 năm tới.

Dưới đây là nội dung trao đổi bên lề Đại hội giữa chúng tôi và Ông Đào Đức Vịnh Chủ tịch HĐQT của AVS để làm rõ hơn một số vấn đề hiện tại của AVS và nhận định của ông về thị trường chứng khoán:

Thưa ông, dự kiến AVS sẽ hoàn tất các thủ tục rút tư cách thành viên 2 sơ trong bao lâu? AVS có hướng giải quyết nào cho khách hàng giao dịch hiện tại của công ty không?

Ngay sau khi  Đại hội thành công, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ với cơ quan chức năng để xin chấm dứt tư cách thành viên VSD, HSX, HNX, ra công báo cho khách hàng biết.

Dự kiến AVS sẽ ký hợp đồng với một công ty chứng khoán khác có uy tín trên thị trường (SSI, CK Đông Á) để công ty này đón nhận và chăm sóc các khách hàng của AVS, đồng thời công ty chứng khoán này cũng tiếp nhận một số nhân viên của AVS.

Công tác này sẽ thực hiện trong vòng 1 tháng, để công việc môi giới giao dịch kết thúc nhằm giúp AVS không phải chịu những khoản chi phí, phí phải đóng cho năm 2013 (thường phải đóng đầu năm).

Tiếp theo đó, AVS sẽ xin UBCKNN cho phép công ty chuyển văn phòng về một mặt bằng nhỏ hơn, với khoảng 10 nhân viên. 

Nếu cắt giảm dịch vụ môi giới, nguồn thu của AVS sẽ đến từ đâu? Liệu nguồn thu này có đảm bảo bù đắp các chi phí hoạt động của AVS không?

AVS chấm dứt tư cách thành viên tại hai Sở và VSD, không rút nghiệp vụ môi giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi dịch vụ môi giới giảm đi, nguồn thu của AVS sẽ đến chủ yếu  thu nhập cổ tức từ những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp trước đây của AVS. Dự kiến khoản thu này là khoảng 1 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp sau khi chuyển đổi trụ sở dự kiến sẽ còn khoảng 200 triệu đồng/tháng thay vì 500 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Như vậy khả năng thu đủ bù chi là có thể đạt được.

Nếu tiếp tục khó khăn, và không đảm bảo được việc giữ tiền cho công ty cho đến khi “bão qua”, các ông có bán AVS không?

Từ giờ cho đến hết tháng 6/2013 chúng tôi “tránh bão”. Chúng tôi chờ đợi những thông tư của Bộ Tài chính, văn bản hướng dẫn của UBCKNN về TTCK và Công ty CK, và sự chuyển biến của nền kinh tế, vĩ mô.

Sau đó, không loại trừ khả năng đóng cửa công ty, bởi không có khả năng sáp nhập vào một công ty chứng khoán khác hay chào bán cổ phần cho đối tác.

Theo ông tới đây có khoảng bao nhiêu công ty chứng khoán sẽ đóng cửa?

Nếu xếp theo lượng tiền, AVS là công ty chứng khoán đứng thứ 30 còn tiền bao gồm cả tiền nhà đầu tư và CTCK, nếu loại tiền của nhà đầu tư ra, AVS đứng vị trí 25.

Như vậy, theo tôi, với thị trường như hiện tại, năng lực và lượng tiền của các CTCK như hiện tại, chỉ còn khoảng 20 công ty chứng khoán có thể tồn tại được. Tất cả các vấn đề của các CTCK sẽ “nở rộ” vào năm sau.

Các công ty chứng khoán nhỏ cũng không có khả năng sáp nhập vào nhau vì họ không có tài sản, không còn uy tín, chỉ có chờ cơ hội, nhưng cơ hội chỉ thoáng qua.

Ông có bình luận gì về việc hiện các CTCK đang cạnh tranh không công bằng qua việc lách luật/cho bán khống, tăng margin?

Quan điểm của tôi cũng như các cơ quan chức năng – phải cấm margin. Bởi, margin chỉ cho phép ở một thị trường phát triển và hết sức minh bạch. Trong khi thị trường CK Việt Nam đang không khỏe mạnh, không minh bạch, sử dụng margin giống như cho kinh doanh buôn bán cái mà mình không có. 

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên