MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán khống tạm thời lùi bước

Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, bán khống càng có đất phát triển. Kho hàng bán khống giờ đây được mở rộng nhờ các liên minh với một số công ty quản lý quỹ.

Hoạt động bán khống đã gần như vắng bóng trên thị trường chứng khoán tuần qua sau khi thanh tra UBCK phối hợp với cơ quan an ninh kinh tế bắt đầu một đợt tổng lực kiểm tra các địa chỉ nghi ngờ.

Kho hàng

Chủ tịch HĐQT một CTCK tá hỏa khi tiếp đại diện của một doanh nghiệp tin học, được biết đến nhờ cung cấp các giải pháp cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Năm CTCK đã mua phần mềm quản lý của họ. Công ty ông cũng đang lựa chọn một phần mềm quản trị kiểu như core banking (ngân hàng lõi), nhưng dành riêng cho chứng khoán.

Thay vì giới thiệu sản phẩm cần thiết, công ty tin học trên vào đề ngay: "Chúng tôi có phần mềm tạo lập kho hàng, các anh có muốn thử không?”

Với dân trong nghề chứng khoán, tạo lập kho hàng đồng nghĩa với việc thực hiện bán khống, vốn là hành vi bị cấm bởi khoản 9, điều 71 Luật chứng khoán hiện hành. Nếu không có các kho hàng tổng hợp từ các nguồn khác nhau, không thể nào bán khống được.

Có nhiều các thức tạo kho hàng. Một thời liên minh giữa vài nhóm NĐT, giữa một số CTCK để cùng nhau găm một loại, hoặc một số loại cổ phiếu nào đó khá phổ biến. Tuy nhiên những liên minh lỏng lẻo đó nhanh chóng bị phá vỡ bởi các cam kết miệng bị chính người tham gia vi phạm.

Chưa kể khi thị trường bất ngờ đảo chiều, việc mua lại cổ phiếu đã bán không diễn ra kịp, nhiều người thua lỗ dẫn đến rã đám.

Rút kinh nghiệm, những tay bán khống lập liên minh với các chủ daonh nghiệp và công ty quản lý qũy. Không ai nắm nhiều cổ phiếu của một công ty niêm yết hơn các thành viên HĐQT, ban Tổng giám đốc.

Người ta chỉ cần đọc kỹ các bản cáo bạch, báo cáo tài chính, rà soát lại giao dịch của các cổ đông lớn trong vòng 6-12 tháng là nắm được cá nhân, tổ chức nào đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu của công ty mà họ có ý định bán khống. Tài khoản của các cổ đông lớn đa phần ở CTCK tư vấn niêm yết cho doanh nghiệp.

Thế là xong bước một.

Kế đó người bán khống tìm cách tiếp cận, thỏa thuận với những cổ đông lớn. Nếu thỏa thuận không thành công, họ có thể móc ngoặc với nhân viên môi giới, thậm chí với CTCK nhằm lấy cổ phiếu ra bán mà chủ tài khoản không hề hay biết. Đã không ít lần Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp niêm yết bỗng nhiên nhận được văn bản cảnh cáo, phạt tiền vì vi phạm công bố thông tin, giao dịch cổ phiếu chui của UBCK.

Hóa ra cổ phiếu của họ trên tài khoản bị chuyển nhượng từ vài chục ngàn tới hàng triệu, được đặt lệnh mua bán, thậm chí bị giả mạo chữ ký mà họ ko biết gì.

Hai năm 2010-2011 và nhất là sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, thời điểm Vn-Index liên tục đi ngang hoặc giảm, bán khống càng có đất phát triển. Kho hàng bán khống giờ đây được mở rộng nhờ các liên minh với một số công ty quản lý quỹ. Hoạt động ủy thác đầu tư giữa các quỹ và nhân viên môi giới – trung gian kết nối bán khống – ngày một quy mô.

Gần nhất, ngày 30/8/2012, UBCK ban hành quyết định 485/QĐ-UBCK xử phạt vi phạm hành chính Công ty quản lý quỹ Lộc Việt 165 triệu đồng, do công ty sử dụng tài khoản nhà đầu tư ủy thác để thực hiện hợp đồng mua bán lại, mua bán có kỳ hạn, hợp đồng tương lai đối với một số tổ chức, cá nhân và người có liên quan.

Nói một cách khác, công ty đã tiến hành các sản phẩm phái sinh, không loại trừ khả năng bán khống trái quy định pháp luật.

Tác hại khôn lường

Giới kinh doanh chứng khoán hiểu hơn ai hết trong một thị trường con gấu, bán khống sẽ đẩy VN-Index lao dốc nhanh, kéo dài và gây ra những bất ổn do giá trị tài sản hao hụt, “bốc hơi”. Ở các quốc gia, nơi bán khống được phép thực hiện, nghiệp vụ này cũng bị cấm vào những thời điểm nhạy cảm nhằm tránh sụp đổ thị trường.

Có thời điểm các nước thậm chí cấm bán khống từng nhóm cổ phiếu như cấm bán khống cổ phiếu ngân hàng, tài chính như trường hợp xảy ra ở Mỹ năm 2008.

Ngày 21/8/2012, “mượn gió bẻ măng” vụ bắt ông Kiên và hàng loạt tin đồn bắt bớ sau đó, cổ phiếu ngân hàng đã bị bán khống với số lượng lớn một cách không thương tiếc. Một quan chức UBCK trao đổi với TBKTSG rằng trong 3 ngày, từ 21-23/8, nhìn vào bảng điện tử NĐT nghiệp dư cũng nhận biết được các cổ phiếu nào đang bị bán khống lợi dụng.

Bán khống rất khó tiến hành nếu không có sự tiếp tay ở vai trò trung gian của một số CTCK. Với một thị trường mà doanh số giao dịch cả hai sàn èo uột bình quân 500-700 tỷ/ngày và hơn 100 CTCK, các Đơn vị môi giới cạnh tranh nhau để tồn tại.

Nhờ bán khống, thị phần môi giới của một số CTCK thay đổi. Họ lọt vào Top10 đơn vị có doanh số môi giới cao nhất ở HoSe và HNX tùy từng quý. Mỗi khi xuất hiện tên một CTCK “lạ” trong top 10, giới đầu tư biết ngay họ đang cung cấp dịch vụ gì.

Lợi nhuận từ bán khống không nhỏ. Có những CTCK không tìm được khách hàng, hầu hết thời gian “ngồi chơi xơi nước”, nhưng chỉ một vài tuần bán khống trên diện rộng với khoảng 10-15 mã cổ phiếu thanh khoản cao, họ đủ trang trải chi phí cho cả năm và có lời.

Trước đây một cổ phiếu giảm 5-10% giá trị trong vòng 1-3 phiên là bán khống coi như “thắng”, nay chừng đó dường như không đủ. Lòng tham và khả năng tạo dựng những kho hàng quy mô đẩy bán khống đi xa, làm cổ phiếu mất 20-25% giá trị họ mới mua lại.

Dần dần điều nguy hiểm xảy ra. Những tổ chức môi giới hoặc tham gia vào tạo lập kho hàng bán khống liên kết với các chủ DN “xào” báo cáo tài chính, nhất là những báo cáo không cần kiểm toán soát xét, làm cho nó đột nhiên xấu đi bằng nhưng khoản lỗ đáng ngờ hoặc những công bố thông tin không có lợi, khiến NĐT bị ảnh hưởng, bán ra cổ phiếu.

Bán khống lập tức vào cuộc. Lúc đầu chiêu thức này qua mặt được không ít NĐT, kể cả tổ chức. Rồi người ta bắt đầu nhận ra có một số DN niêm yết báo cáo tài chính quý này lỗ nặng, quý sau bất ngờ có lãi, hoặc doanh thu giảm mạnh trong quý trước, nay bỗng tăng mạnh…

Sự minh bạch thông tin đang bị vẩn đục!

Móng tay đã nhọn

Ngày 7/9/2012, trước các dấu hiệu bán khống ngày một rõ ràng, UBCK có công văn yêu cầu các chủ thể trên thị trường nghiêm túc chấp hành quy định cấm bán khống và kêu gọi NĐT không cho vay mượn chứng khoán. Ngày hôm sau những đầu mối bán khống vẫn hoạt động. Nhưng tình hình đổi khác khi ngày 11/9/2012 cơ quan quản lý ra văn bản 717/QĐ-UBCK xử phạt hành chính CTCK Đại Nam 250 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán và thực hiện tự doanh khi chưa được cấp phép.

Đại diện UBCK cho biết đây chưa phải là mức phạt cuối cùng. Ủy ban đã đề đạt Bộ tài chính chấp thuận nâng mức phạt lên cao, có thể tới vài tỉ đồng cho hành vi bán khống đi kèm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép và nếu cần xử lý hình sự.

Trong một nỗ lực đáng ghi nhận làm trong sạch thị trường, Ủy ban và cơ quan an ninh kinh tế đã có những cuộc họp ở cấp cao trao đổi nghiệp vụ. những chuyên viên tin học của cơ quan an ninh vào cuộc và không khó để họ phát hiện những phòng chat nội bộ giữa các nhân viên môi giới trong một CTCK để chuyển hàng hay chào mời hàng hán khống. Tìm ra bằng chứng chứng minh bán khống không dễ dàng, song không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Trở lại với công ty tin học ở đầu bài, phần mềm lập kho hàng của họ có thể giúp che đậy những động thái hạch toán tiền – hàng dưới những khoản mục khác nhau và có thể có CTCK đã mua, đã sử dụng. Xử lý bán khống vì thế, sẽ phải thêm một công đoạn đi từ gốc.

Không thể lơ là với sự lùi bước tạm thời của bán khống bởi cơ hội lặp lại với nó vẫn còn khi nhu cầu được áp dụng các sản phẩm phải sinh luôn hiện hữu. Vấn đề là bán khống nên được thực hiện trong những thời điểm, hoàn cảnh, điều kiện nào để không làm gãy đứt sự phát triển của thị trường. trước mắt khi bán khống đang bị cấm, quy định này phải được thực hiện nghiêm để tạo sự công bằng, minh bạch trong thị trường tài chính.

Theo Hải Lý
Thời báo kinh tế sài gòn

phuongmai

Trở lên trên