Bạn thua lỗ vì chứng khoán phái sinh, đừng buồn bởi Buffett cũng thế
Chứng khoán phái sinh - kênh đầu tư còn lạ lẫm với nhiều người dự kiến sẽ được chính thức đưa vào hoạt động trong năm 2016, các nhà đầu tư, cả tổ chức và đơn lẻ ở Việt Nam, được cho sẽ cần trang bị kiến thức kỹ càng về loại hình đầu tư này.
Bởi lợi nhuận kiếm được khi sử dụng thành thạo các công cụ phái sinh rất hấp dẫn, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro tương đương.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thị trường phái sinh tại Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4/2016. Chứng khoán phái sinh có nhiều loại, nhưng với thị trường còn non trẻ và mọi việc còn đang được hoàn thiện như cơ sở hạ tầng cũng như khung pháp lý.
Trước mắt Chính Phủ sẽ chỉ đưa vào hai sàn phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số dựa trên các chỉ số thị trường chứng khoán do các Sở GDCK xây dựng và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính Phủ.
Việc chọn hai trong nhiều loại của thị trường chứng khoán phái sinh, và một trong số đó được bắt đầu từ trái phiếu chính phủ, sản phẩm có độ rủi ro thấp do chỉ chịu những biến động nhỏ về giá, cho thấy sự thận trọng nhất định khi tiếp cận một mảnh đất màu mỡ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nếu nhà đầu tư có lỡ mất tiền khi đầu tư chứng khoán phái sinh thì cũng dễ thông cảm vì cả thiên tài đầu tư , một người khôn ngoan và kiếm được hàng tỷ đô la trên thị trường chứng khoán, cũng gặp khó khăn khi sử dụng các công cụ sản phẩm phái sinh.
Ông đầu tư vào kênh này để tránh rủi ro và thậm chí còn bị lỗ. Đây là lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư xem việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán phái sinh là dễ dàng.
Trong quá khứ, nhà đầu tư Buffett đã từng sử dụng công cụ trong thị trường phái sinh để kiếm lời và chống rủi ro. Nhưng khác hẳn với kỳ vọng ban đầu, con dao hai lưỡi mang tên thị trường phái sinh đã khiến Buffett chảy “máu” đồng vốn. Qua đó, kinh nghiệm trên chiến trường phái sinh của Buffett, sẽ để lại những manh mối và bài học cho nhà đầu tư.
Warren Buffett “bỏng tay” bởi chứng khoán phái sinh
Trở lại quá khứ, tại hội nghị thường niên Berkshire Hathaway năm 1987, trên bục phát biểu với chiếc áo sơ mi không cài hết nút cổ và bộ comle đã sờn bạc, Buffett nói với hàng ngàn cổ đông rằng ông chưa bao giờ gặp được ai có thể đoán trước được thị trường.
“Việc dự đoán thị trường lên hay xuống trong khoảng thời gian ngắn, 3-4 tháng, hoặc trong dài hạn là điều điên rồ xét về mặt đầu tư. Thị trường luôn dao động và chẳng thể đoán chính xác một thời điểm cụ thể trong tương lai”, Buffett nói.
Vì thế, đối với những công cụ phái sinh mà công việc tiên đoán thị trường là điều cần thiết thì Buffett sẽ tránh nó. Đối với ông, việc tiên đoán thị trường không phải là năng khiếu cũng như không là sở thích của mình.
Do đó, những sản phẩm đặc trưng, phổ biến và là đòn bẩy lợi nhuận của thị trường phái sinh như hợp đồng tương lai, quyền lựa chọn, hợp đồng kỳ hạn… được Buffett từ chối thử. Mặc dù, những công cụ này rất hấp dẫn bởi lợi nhuận kiếm được trong ngắn hạn là rất lớn. Bảo toàn vốn và tránh rủi ro là ưu tiên số một cũng như là nguyên tắc bất di bất dịch của Buffett.
Nhưng khi thị trường giá lên, chẳng hạn như giai đoạn đầu năm 1990, Buffett buộc phải bơi ra khỏi “vùng an toàn” là thị trường chứng khoán để tìm kiếm một công cụ đầu tư nhằm hạn chế rủi ro. Đó là khi ông bắt đầu bước vào thị trường phái sinh, với sản phẩm “chứng quyền” thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn và ít rủi ro.
Chứng quyền là loại chứng khoán phát hành có thể chuyển đổi thành cổ phiếu thường vào bất kỳ thời điểm nào ở tương lai trong thời hạn xác định. Chứng khoán này bản chất gần giống như trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi, nhưng cộng thêm cơ hội được tham gia vào bất kỳ sự tăng mạnh về giá trị cổ phiếu thường ở tương lai.
Quyền này được phát hành khi công ty đang gặp rắt rối về mặt tài chính muốn huy động nguồn vốn với lãi suất thấp từ các nhà đầu tư. Đây được xem là công cụ có rủi ro thấp trong thị trường chứng khoán phái sinh.
Thị trường chứng khoán đang trên đỉnh, cộng với “bệnh sợ giữ tiền mặt”, Buffett cần nơi nào đó tương đối an toàn để đầu tư tiền của mình. Cuối năm 1989, lần đầu tiên trong đời, ông mua trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi của hai công ty USAir và Champion International.
USAir là công ty kinh doanh trong ngành hàng không, còn Champion là một doanh nghiệp sản xuất giấy. Cả hai đều hoạt động trong ngành cần rất nhiều vốn, nhiều cạnh tranh, chi phí cố định cao, luôn hút hết tiền mặt và hoàn toàn không mang đặc điểm với những công ty đã làm ông thành công trước kia.
Với tổng số vốn 1,3 tỷ đô la đầu tư vào công cụ phái sinh, lãi suất trung bình cố định là 9%, Buffett nắm trong tay lợi thế khá lớn với khoản lợi nhuận cố định, cộng với một đặc quyền chuyển đổi thành cổ phiếu thường.
Thoạt nhìn đây là kênh đầu tư khôn ngoan của Buffett bởi “lợi thế kép”, nhưng cái gì tốt quá thì luôn ẩn chứa những cạm bẫy khó lường. Vì nếu, tình hình kinh doanh công ty, mặc dù được bơm vốn, vẫn ảm đạm và lợi nhuận sụt giảm sẽ mang lại khả năng vỡ nợ cũng như không thể trả lãi trái phiếu.
Sau một năm đầu tư, lợi nhuận Champion sụt giảm đến 85%, tuy nhiên vì lãi suất nhận được là cố định, nên số vốn của Buffett chưa phải chịu thiệt hại. Trong khi đó, mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng ban quản lý của công ty lại mang về nhà khoản tiền lương cao hơn năm trước. Nhận thấy tình hình quan liêu và tham nhũng trong bộ máy hoạt động, tương lai Champion khó có thể cứu vãn nên Buffett đã bán ra, cắt lỗ kịp thời.
Tình hình hoạt động của USAir cũng chẳng khá khẩm hơn. Công ty thua lỗ chóng mặt, 454 triệu đô la sau một năm Buffett đầu tư và con số này vẫn chưa dừng lại mặc dù công ty có ban quản lý suất xắc đang vẫy vùng trong ngành cạnh tranh khốc liệt nhất Hoa Kỳ.
Đến năm 1994, USAir thông báo không trả lãi suất cố định cho Buffett do thua lỗ, vì thế ông đành bán tống lượng chứng khoán này với giá hạ và giải phóng khoản tiền vốn “không có lãi” trong nhiều năm.
Tính ra thị trường chứng khoán phái sinh chỉ mang lại cơn đâu đàu nhẹ cho Buffett bởi loại công cụ phái sinh mà ông chọn được đảm bảo tốt hơn cổ phiếu thường và mang lại rủi ro tựa như trái phiếu nên số tiền ông thua lỗ ở đây nhanh chóng được bù đắp lại từ những khoản đầu tư khôn ngoan hơn.
Nhưng kinh nghiệm từ cuộc phiêu liêu vào thị trường chứng khoán phái sinh càng củng cố niềm tin ban đầu của ông rằng việc dự đoán thị trường là điều bất khả thi. Tuy nhiên, đây lại là việc quan trọng và thiết yếu khi nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận cao từ chứng khoán phái sinh.
Bài học của Buffett khi sử dụng sản phẩm chứng khoán phái sinh là nên cảnh giác với bất kỳ những kênh đầu tư thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn và dễ ăn nhưng được ngụy trang từ những cái bẫy nhẹ nhàng, êm ái mà lại vô cùng nguy hiểm.
Trí Thức Trẻ/Cafebiz