MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo thường niên - DN Việt Nam 2009 : Vững vàng trước “bão”

Năm ngành kinh tế tiêu biểu được báo cáo năm nay lựa chọn là: Sản xuất thực phẩm; Dệt may; Sản xuất ôtô, xe máy; Điện tử; Dịch vụ ngân hàng, hoạt động của các quỹ và chứng khoán.

Báo cáo thường niên - DN Việt Nam 2009 do VCCI thực hiện với chủ đề “Nâng cao năng lực đổi mới trong DN” đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng của DN Việt Nam năm 2009. Báo cáo một lần nữa cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng các DN Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển kinh doanh và đầu tư đổi mới công nghệ…

Đây là lần thứ 4, VCCI xây dựng báo cáo thường niên - DN Việt Nam. Thông qua báo cáo, các chuyên gia VCCI một lần nữa cho rằng, để có thể vượt qua những trở ngại và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh trong giai đoạn này, DN Việt Nam cần thực hiện sự đổi mới toàn diện trong tổ chức, trong quy trình sản xuất cũng như trong sản phẩm để đáp ứng những đỏi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.

Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: Cuộc khủng hoảng này không chỉ mang lại những tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mà còn mở ra một số cơ hội thuận lợi để giúp DN có bước phát triển vượt bậc. Để có thể vượt qua những trở ngại và nắm bắt được các cơ hội kinh doanh trong giai đoạn này, DN cần thực hiện sự đổi mới toàn diện trong tổ chức, trong quy trình sản xuất cũng như trong sản phẩm để đáp ứng những đỏi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Hiểu rõ được sự cần thiết của vấn đề, Báo cáo năm 2009 đã lựa chọn chủ đề “Nâng cao năng lực đổi mới trong DN”. Báo cáo đưa ra một bức tranh toàn cảnh từ thực trạng công nghệ, quá trình đổi mới công nghệ và các nguồn lực để thực hiện sự đối mới đó trong DN. Trên cơ sở những phân tích của mình, Báo cáo đã đưa ra những kết luận và kiến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách và đối với DN nhằm nâng cao năng lực đổi mới của DN, từ đó khắc phục những khó khăn và phát triển.

Tăng cường năng lực cạnh tranh

TS Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV,Viện trưởng Viện phát triển DN (VCCI), người tham gia xây dựng báo cáo từ những ngày đầu cho biết, đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các DN đã có những hoạt động rất tích cực nhằm đưa DN từng bước thoát ra khỏi tình hình khó khăn hiện tại. Hai biện pháp được các DN quan tâm nhất đó là củng cố quan hệ, trao đổi thông tin với nhà cung ứng và cung ứng sự hỗ trợ tin cậy tới khách hàng. 26,8% số DN cho rằng nhờ có các giải pháp kinh doanh mà DN đã tăng lợi nhuận rất tốt, trong khi 56,8% số DN cho rằng họ tăng lợi nhuận ở mức trung bình. Chỉ có 3,2% số DN khẳng định họ đã lựa chọn giải pháp kinh doanh đúng với lợi nhuận tăng ở mức rất cao.

Với những kế hoạch được đưa ra trong năm 2008, các DN đã áp dụng mọi biện pháp để đối phó với khủng hoảng và kết quả cho thấy tuy tỷ lệ DN phải thu hẹp sản xuất có cao hơn so với kế hoạch là 2,1% nhưng tỷ lệ DN giữ nguyên được quy mô sản xuất cũng cao hơn so với kế hoạch là 10,5%. Tỷ lệ DN mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh giảm đi so với kế hoạch là 9,0% nhưng vẫn ở mức cao, chiếm 34,2% số DN thuộc diện điều tra. Năm 2010, các DN tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và có tới 11,6% DN chuyển hướng chiến lược kinh doanh vào việc củng cố ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi của DN, 54,2% DN có chiến lược thay đổi cơ cấu sản xuất.

Cùng với dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế năm 2009, lao động tại các DN được điều tra vẫn tiếp tục đà tăng từ năm 2007 tuy nhiên mức tăng có thấp hơn so với năm 2008. Năm 2008 có 73,8% số DN tăng hoặc giữ nguyên số lao động, đến năm 2009, số DN này là 78,1%. Năm 2009, các DN vẫn tiếp tục đổi mới và sáng tạo kinh doanh theo các hướng: Đổi mới sản phẩm (hàng hoá hay dịch vụ); đổi mới quy trình và đổi mới tổ chức. Các DN đã có những cố gắng nhất định nhưng có vẻ như khả năng của họ chỉ dừng lại được ở mức độ đưa ra những sản phẩm mới đối với chính DN là chủ yếu. Những yếu tố cản trở lớn nhất đối với hoạt động đổi mới của DN đó là: các yếu tố về chi phí, các yếu tố về tri thức và các yếu tố về thị trường.

DN không ngừng đổi mới

Năm ngành kinh tế tiêu biểu trong đó năng lực đổi mới đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng được báo cáo năm nay lựa chọn là: Sản xuất thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; Dệt may; Sản xuất ôtô, xe máy; Điện tử; Dịch vụ ngân hàng, hoạt động của các quỹ và chứng khoán.

Báo cáo chỉ rõ, xét về năng lực công nghệ, năng suất lao động được cải thiện nhưng nhìn chung trình độ công nghệ của các DN Việt Nam trên 5 ngành phân tích còn thấp (tỷ lệ tài sản cố định trên một lao động còn thấp). Năng suất vốn (tư bản) chưa cao, điều này thể hiện tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn thấp cũng như công nghệ sử dụng chưa tiên tiến. Cơ cấu đầu tư vào tài sản cố định nói chung và vào công nghệ nói riêng còn thấp. Tỷ lệ cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật - vốn con người cho đổi mới công nghệ - còn thấp và dưới 10% ở nhiều ngành được phân tích. So sánh với khu vực FDI cho thấy khu vực này với nguồn vốn và công nghệ từ bên ngoài nên có trình độ công nghệ cao hơn và vì vậy năng suất lao động và năng suất vốn cũng cao hơn mức trung bình của 5 ngành được phân tích.

Về đổi mới công nghệ, hoạt động này vẫn còn rất khiêm tốn với một số rất ít các DN có thực hiện. Trên một số ngành, số DN thực hiện R&D, đổi mới công nghệ gần như đếm trên đầu ngón tay. Khu vực FDI mặc dù có trình độ công nghệ cao hơn hẳn nhưng các hoạt động R&D và đổi mới công nghệ cũng không hơn gì so với mặt bằng chung của toàn nền kinh tế.

Ứng dụng CNTT trong DN là một trong những điểm sáng của điều tra DN năm 2009. 100% DN đã sử dụng máy tính và kết nối Internet. So với năm 2008, các DN đã tích cực chủ động tìm kiếm các đơn đặt hàng qua trang web của mình nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Đổi mới và ứng dụng công nghệ

TS Phạm Thị Thu Hằng cho biết, năm nay VCCI đã chọn ba ngành: Công nghiệp hỗ trợ, Điện tử và Ngân hàng để phân tích. Đây là một trong số những ngành tiêu biểu của nền kinh tế tiếp tục đổi mới và vươn lên trong "bão" khủng hoảng.

Theo TS Hằng, hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các DN sản xuất lắp ráp ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy bên cạnh những điểm mạnh của DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ như: Xây dựng được nền tảng ổn định, có khả năng tiếp thu công nghệ mới, quan tâm đến chất lượng sản phẩm, có lực lượng lao động cần cù, chịu khó, khéo tay... các DN này vẫn còn rất nhiều điểm yếu như: chủng loại sản phẩm ít, chủ yếu sản xuất các linh kiện, chi tiết giản đơn, giá trị gia tăng thấp; thiếu chiến lược kinh doanh và định hướng phát triển dẫn đến sự thiếu đầu tư máy móc thiết bị một cách đồng bộ,... Do đó, các DN này phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn nhân lực và vấn đề công nghệ/phát triển sản phẩm mới.

Trong khi đó, ngành điện tử trong năm 2009 đã có nhiều khởi sắc trong việc phát triển các kênh phân phối mới thông qua các siêu thị điện tử do các DN trong nước đầu tư.

Thực tế cho thấy ngoài các DN điện tử có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và thường xuyên phải đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm XK. Trong khi, các DN điện tử Việt Nam chỉ sử dụng công nghệ ở mức trung bình và thấp. Ngoài lý do về nguồn lực tài chính, một số chính sách về khoa học công nghệ chưa hợp lý và sự đầu tư chưa thích đáng của Nhà nước cũng cản trở DN điện tử Việt Nam đổi mới và ứng dụng công nghệ cao.

Giống như nhiều ngành khác, ngành ngân hàng cũng chịu nhiều tác động từ nền kinh tế, điển hình là những thay đổi từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang chính sách tiền tệ nới lỏng, sự biến động mạnh mẽ từ thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn không ngừng phát triển và mở rộng quy mô. Về năng lực tài chính và quy mô mạng lưới... Tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đến 30/6/2009 lên tới 2.536.617 nghìn tỷ.

Theo các chuyên gia VCCI, đa dạng hóa sản phẩm và đổi mới dịch vụ ngân hàng đang là một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN ngân hàng hiện nay. Mặc dù có tới gần 300 các loại dịch vụ khác nhau được các ngân hàng cung ứng nhưng có thể nói phần lớn các DN mới chỉ biến đến các dịch vụ tín dụng. Sự nghèo nàn trong sản phẩm dịch vụ của ngân hàng được thể hiện qua sự thiếu hiểu biết của các DN đối với một số dịch vụ/sản phẩm khác. Quản lý tính thanh khoản là một loại dịch vụ mới được 40% số DN được hỏi biết tới, chưa nói đến việc số DN hiện đang sử dụng vụ này mới đếm trên đầu ngón tay.

Theo các chuyên gia, để đạt được sự tăng trưởng, các DN ngân hàng phải không ngừng nâng cao năng lực đổi mới: sản phẩm, dịch vụ, đổi mới về tổ chức, đổi mới công nghệ và quy trình...

Điểm yếu sở hữu trí tuệ

Nhóm chuyên gia nghiên cứu VCCI cho rằng, một trong những yếu điểm của các DN Việt Nam là chưa tự nhận thức được giá trị của những thành quả đầu tư do chính họ sáng tạo ra, hoặc khi có nhận thức thì không biết được làm như thế nào để bảo vệ những thành quả đó mà không bị người khác xâm phạm. Trong các loại hình bảo hộ sở hữu công nghiệp DN Việt Nam mới chỉ chú trọng đăng ký nhãn hiệu - chiếm 84% số đơn đăng ký. Số đơn đăng ký sángchế chiếm 9%, đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp 6% và đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích chỉ chiếm có 1%. Các con số này cho thấy các DN Việt Nam chưa đưa ra được nhiều sản phẩm/dịch vụ mới nhất là, mới đối với thị trường.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, VCCI cho rằng, DN Việt Nam cần tích cực chủ động trong việc quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và phải hiểu rõ việc chấp nhận các chuẩn mực cao của Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO là một quy luật tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, cần phát huy các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Nhà nước, tăng cường phổ biến thông tin từ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN...

Theo Quốc Anh
DDDN

thanhhuong

Trở lên trên