MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bền bỉ dòng vốn nội

Trái ngược với động thái bán ròng của NĐTNN, khối NĐT trong nước vẫn bền bỉ mua vào. Đây cũng chính là yếu tố đẩy VN Index lên mức cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

VN Index bắt đầu ghi nhận sự khởi sắc thời điểm đầu tháng 8. Chỉ số này đã tích lũy 600-605 điểm từ đầu năm 2014 và bứt phá mạnh mẽ để vượt qua các ngưỡng kháng cự, đồng thời vượt qua đỉnh năm 2009. Điều dễ dàng nhận thấy là đợt tăng điểm này khá bất ngờ khi thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ cho đến tuần cuối cùng của tháng 8.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là trong khi khối ngoại bán ra với cường độ mạnh, dòng tiền nội vẫn khá bền bỉ. Dòng vốn nội luân chuyển liên tục qua các mã blue chip và ngành dầu khí, sau đó lan tỏa ra các nhóm CP khác. Mặc dù không có sự đồng thuận của các dòng tiền lớn, nhưng quá trình tăng điểm trong tháng 8 và những đợt điều chỉnh trong tháng 9 cho thấy tiềm năng lớn của dòng vốn nội.

Có thể thấy được sự bền vững của dòng vốn nội qua phiên giao dịch cuối tuần qua. Dù VN Index suy giảm mạnh trước áp lực chốt lời nhưng thanh khoản không vì thế giảm nhiệt, thậm chí còn tăng mạnh. Đặc biệt, dù nguồn cung rất lớn nhưng thị trường không hề có hiện tượng dư bán sàn như những phiên điều chỉnh trước kia.

Tuần vừa qua, NĐTNN đã bán ròng 840 tỷ đồng trên cả 2 sàn, trong đó bán ròng 550 tỷ đồng trên sàn HOSE. Một yếu tố quan trọng trong việc khối lượng giao dịch đột biến và động thái bán ròng của khối ngoại đó là các quỹ ETF thực hiện cơ cấu mạnh.

Theo nhận định chung của giới phân tích, việc thị trường giảm điểm sâu với thanh khoản ở mức cao trong tuần qua chủ yếu xuất phát từ 2 yếu tố chính: nhu cầu chốt lời của NĐT sau giai đoạn thị trường tăng điểm nóng và dòng dầu khí đang dần đánh mất vai trò dẫn dắt và hỗ trợ thị trường.

Bên cạnh đó, diễn biến giảm điểm mạnh của nhóm CP vốn hóa lớn, tiêu biểu có thể kể đến GAS, VCB và BVH, cũng đã có tác động nhất định đến diễn biến chung của cả chỉ số. Trong khi đó, yếu tố để NĐT nội mạnh tay mua vào là kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất xuống thấp đã phần nào định hướng dòng tiền vào các kênh có tính chất rủi ro hơn như chứng khoán, bất  động sản.

Chính nhờ dòng vốn nội mà VN Index đang hướng tới vùng giá tâm lý 650 điểm, một vùng giá khó ai có thể nghĩ đến khi bước vào năm 2014. Cho dù quá trình tăng giá nhanh và mạnh đã khiến chu kỳ điều chỉnh đến sớm, nhưng với sự vận động của các CP chủ chốt, mức điều chỉnh sẽ không lớn và vùng giá 610-630 điểm sẽ là vùng hỗ trợ cho VN Index.

Ngoài yếu tố này, theo phân tích của CTCK BIDV (BSC), thị trường vẫn đang chịu sự tác động lớn từ mã GAS (TCTCP Khí Việt Nam). Thực tế, mức điểm lớn nhất của VN Index kể từ tháng 3-2008 chưa thực sự đáng lo ngại nếu tạm gạt GAS ra khỏi rổ tính VN Index.

Theo số liệu của BSC, GAS đang chiếm trọng số 23% trong rổ VN Index. Mã CP này đã có mức tăng giá 90% so với đầu năm và đóng góp cho VN Index 50 điểm. Do vậy, nếu loại bỏ GAS ra khỏi rổ tính VN Index, đỉnh 5 năm của chỉ số này chỉ vào khoảng 580 điểm, không phải với 636 điểm. Chính vì vậy, cho dù VN Index liên tiếp lập đỉnh và phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ, tiềm năng tăng giá của thị trường vẫn còn.

Trên thực tế, tại thời điểm đầu tháng 9, P/E của VN Index 16,39x và HNX Index 15,03x. So với EPS, giá CP niêm yết tại TTCK Việt Nam đang được giao dịch với mức trung bình trong khu vực châu Á khi P/E của Malaysia hiện 16,92x, Philippines 20,68x, Đài Loan 17,18x, Indonesia 20,65x, Hanseng Index (Hồng Công) 10,79x và Kospi 200 (Hàn Quốc) 13,61x.

Theo Hải Hồ

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên