MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ 3 HSC, VFM và Dragon Capital

Sự gắn kết giữa HSC, VFM và DC là có thể thấy được trên những thông tin đã công bố, như vậy các bên rõ ràng phải rất hiểu nhau, đây là chuyện hết sức bình thường của “người một nhà”.

Việc CTCK TPHCM (HSC) đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) như VF1, VF4 hay BF1 đã đem lại những khoản lợi nhuận đáng kể cho công ty. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, trong các thương vụ này cần đặt ra một số vấn đề.

VF1, VF4 được quản lý bởi CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Theo những thông tin đã công bố, Dragon Capital (DC) là cổ đông lớn của VFM. Còn điểm sơ qua thông tin của VFM, có thể thấy rất rõ sự hiện diện của DC tại VFM, tiêu biểu nhất là ông Dominic Scriven, CEO của DC, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại VFM.

Theo báo cáo thường niên 2012 của VF1, có 2 người của DC nằm trong ban đại diện quỹ là ông Hoàng Kiên (Giám đốc danh mục đầu tư của DC) và ông Phan Minh Tuấn (Giám đốc DC tại Hà Nội). Qua đây có thể thấy được phần nào sự “gắn kết” giữa DC và VFM rồi xuống cả VF1.

Nhìn sang đội ngũ nòng cốt của HSC, cũng có thể thấy sự hiện diện của DC: Phó Chủ tịch HĐQT HSC Lê Anh Minh là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính (CFO) của DC group. Quan trọng hơn DC cũng là cổ đông lớn, sở hữu hơn 30% cổ phần tại HSC. DC đều có ảnh hưởng lớn tại VFM và HSC, nên khi HSC mua vào VF1, VF4 (do VFM quản lý), người ta có quyền đặt câu hỏi về lợi thế của CTCK này khi đầu tư.

Sự gắn kết giữa HSC, VFM và DC là có thể thấy được trên những thông tin đã công bố, như vậy các bên rõ ràng phải rất hiểu nhau, đây là chuyện hết sức bình thường của “người một nhà”. Đầu tư vào một mục tiêu mình hiểu rất rõ tất nhiên sẽ khiến người mua có cảm giác an toàn hơn, tự tin hơn. Nhưng câu hỏi là độ gắn bó này nằm ở mức nào và có khả năng tạo ra xung đột lợi ích hay không?

Trước tiên, cần phải khẳng định một điều, VF1 hay VF4 đều là những quỹ đầu tư sở hữu danh mục tốt, với nhiều CP blue chip trên thị trường hiện nay. Những CP trong danh mục của 2 quỹ này nếu mua riêng lẻ với số lượng lớn chưa chắc đã mua được, hoặc nếu có mua được phải mua giá cao, vậy nên khi mua CCQ của VF1 và VF4 xem ra có thể mua “cả cụm”.

Nhìn vào thời gian HSC giải ngân, có thể thấy CTCK này đã mua các CCQ với giá rất hợp lý và thu được lãi lớn, giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ này tăng thêm khi TTCK hồi phục. Chừng đó lý do cũng khắc họa được phần nào tiềm năng và thực lực của VF1 và VF4.

Thử đưa ra một yếu tố mỗi khi nói về quỹ đầu tư ai cũng muốn biết, đó là danh mục đầu tư. VF1 hay các quỹ khác của VFM đều công bố ra bên ngoài NAV của từng danh mục, tỷ trọng các ngành nghề, thậm chí những công ty chiếm tỷ trọng lớn.

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đối với nhu cầu của nhiều người, vì họ còn muốn biết VF1 mua REE, FPT, VNM với giá bao nhiêu, số lượng cụ thể là bao nhiêu, mà trong thực tế những điều này không thể công bố ra bên ngoài. Vậy câu hỏi đặt ra là bên ngoài không biết, còn HSC có biết hay không?

Rõ ràng khi HSC đầu tư vào VF1 hay VF4 sẽ tạo ra một vòng tròn lợi nhuận khép kín, đi kèm với một loạt lợi ích khác. VF1 hay VF4 lên giá, HSC sẽ có lãi, như vậy cổ đông lớn DC cũng được hưởng lợi, chưa kể chính VFM cũng “dễ thở” hơn vì quỹ này có những giai đoạn sụt giảm NAV khiến ban điều hành bị chất vấn rất “dữ”.

Một bên lên giá, hai bên còn lại hưởng lợi và tạo thành những lợi thế mang tính tổng hợp, một “group” mạnh. Hơn nữa, cần lưu ý một điều VF1 hay VF4 cũng sắp chuyển thành quỹ mở và sự tham gia của HSC cũng có nhiều lợi thế. Thứ nhất, HSC sẽ là một đơn vị phân phối CCQ quỹ mở của VF1 và VF4, điều này có lợi cho VFM và HSC nếu hiểu rõ VF1 và VF4 cũng sẽ chào bán các CCQ này tốt hơn.

Một giả thiết khác nên nói đến là việc rút tiền quỹ mở. Khi chuyển thành quỹ mở, một trong những rủi ro có thể xảy ra là việc NĐT đến chào bán CCQ và rút tiền về. Tiền rút càng lớn, có thể càng ảnh hưởng đến hoạt động quỹ mở. Vậy nên trong trường hợp HSC nắm số lượng lớn CCQ của VF1, nếu có ý định rút tiền, VFM sẽ dễ thương lượng hơn, sao cho không bị ảnh hưởng đến lợi ích chung, vì đều có liên quan với nhau.

Có quá nhiều lợi thế từ mối quan hệ tay ba này, mong rằng nó được khai thác một cách minh bạch, rõ ràng để đem lại lợi ích cho các bên, cho các cổ đông và cho cả TTCK.

Theo Nguyễn Minh Hà (TP.HCM)

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Trở lên trên