Bò sữa Vinamilk đã trở thành bò kéo VN-Index như thế nào
Được đánh giá là tích cực hơn so với thị trường chứng khoán các nước láng giềng nhưng thực tế, nếu không có VNM, TTCK Việt Nam sẽ không được như vậy.
- 11-03-2016Vinamilk lương thưởng cao nhất, Unilever cơ hội phát triển hấp dẫn nhất Việt Nam
- 11-03-2016Công bố rút khỏi 7 ngành nghề, Vinamilk dọn đường nới room
- 26-02-2016Đừng nhầm lẫn, không hề có chuyện Vinamilk rút khỏi Campuchia
Kết thúc năm 2015, VN-Index đóng cửa tại 579 điểm – cao hơn 6% so với điểm số đầu năm. Trong khi đó, nhìn sang bên cạnh, chỉ số Jakarta composite của Indonesia đã giảm 13,7%, PSEi-Index của Philippines giảm 3% và chỉ số SET của Thái Lan giảm 14,3%...
Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là tích cực hơn so với thị trường chứng khoán các nước láng giềng trong bối cảnh tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lao dốc của giá dầu, động thái phá giá đồng NDT và việc FED nâng lãi suất.
Tuy nhiên, thực tế thì diễn biến TTCK Việt Nam sẽ tiêu cực hơn nếu không có VNM – cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk.
VNM - Bò kéo thị trường từ nửa cuối năm 2015
Sau một thời gian tích lũy, từ giữa tháng 6/2015, cổ phiếu VNM bắt đầu chạy từ mức giá 105.000 đồng/cp. Sau khi giá điều chỉnh do trả cổ tức tỷ lệ 40% bằng tiền mặt vào ngày 5/8/2015, VNM vẫn tăng và đạt đỉnh vào ngày 16/11/2015 tại 140.000 đồng. Kết thúc năm, VNM có giá 128.000 đồng. Như vậy, tính theo giá điều chỉnh, trong vòng nửa năm, cổ phiếu này đã tăng hơn 40%.
Trong khoảng thời gian này, nhiều yếu tố liên tục xuất hiện tạo nên động lực cho VNM. Không chỉ là sự tăng trưởng mạnh của kết quả kinh doanh quý 2 và quý 3, không chỉ là cổ tức cao mà nổi bật hơn cả là những thông tin về việc SCIC thoái vốn và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư Đặng Huy Đông cho biết, SCIC sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước tại Vinamilk. Tại thời điểm đó, tính theo giá trị thị trường, 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.
Nếu SCIC thoái vốn, đối tượng đủ sức mua hẳn phải là nhà đầu tư nước ngoài. Và kỳ vọng vào việc nới room cho VNM từ đó lại càng bùng lên.
Tháng 11, tin đồn về việc Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave (F&N) chào giá 4 tỷ USD cho số cổ phần Nhà nước sẽ thoái tại VNM đã khiến nhà đầu tư tiếp tục săn đón cổ phiếu bò sữa.
Do giá trị vốn hóa lớn, với sự tăng trưởng nói trên, VNM đã giúp VN-Index tăng gần 30 điểm.
Cho đến những tháng đầu năm 2016, VNM vẫn đang là động lực cho thị trường chung. Phiên giao dịch ngày 11/3/2016, VNM đã một mình dẫn dắt VN-Index vượt qua mốc 580 điểm khi công bố danh sách cụ thể 7 ngành nghề kinh doanh sẽ rút khỏi. Doanh nghiệp nói rõ, động thái này nhằm “dọn đường” cho việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm một số tin đồn tích cực khác tác động đến giá cổ phiếu, nhưng dù sao đó cũng chỉ là gia vị cho món ăn vốn dĩ đã rất ngon này.
Doanh nghiệp tỷ đô không ngừng tăng trưởng
Có thể thấy, VNM là một trong số ít ỏi những cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà nhà đầu tư nào cũng “thắng” nếu nắm giữ dài hạn, bất kể họ mua tại thời điểm nào.
Dẫn đầu thị trường sữa Việt Nam với 50% thị phần, năm 2015, VNM đạt hơn 40.000 tỷ đồng doanh thu – tăng 14% so với năm 2014. Mặc dù chi phí bán hàng tăng vọt do áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngành này nhưng kết quả cuối cùng, doanh nghiệp đạt 7.770 tỷ đồng lợi nhuận – tăng 28% và EPS ở mức 5.837 đồng.
Trong nhiều năm qua, Vinamilk luôn là doanh nghiệp tỷ đô có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VNM hầu như luôn lớn hơn 10%.
Theo công ty chứng khoán Bản Việt, lợi thế của VNM trong năm 2016 là chi phí giá bột sữa nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm, giúp biên lợi nhuận gộp tăng lên. Tỷ lệ chi phí bán hàng so với doanh thu được giữ ổn định ở mức hiện tại do công ty đã giữ được thị phần.
Tuy nhiên, sự biến động của giá sữa thu mua vẫn là rủi ro với VNM. Doanh nghiệp này đã mở rộng trang trại bò sữa để tăng khả năng tự cung ứng sữa nguyên liệu nhằm hạn chế rủi ro này. VCSC cho rằng sự cạnh tranh trong ngành được đánh giá là rất gay gắt nhưng thực tế, những doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể đấu lại các doanh nghiệp lớn trong dài hạn.
VNM vẫn luôn là bò kéo
Báo cáo phân tích của VCSC nhận định: “bất cứ diễn biến bất ngờ nào về giá của VNM cũng sẽ được dẫn dắt bởi các thông tin mới liên quan đến nới room hoặc việc thoái vốn của SCIC.”
Theo VCSC, những sự kiện này là yếu tố tăng giá tiềm năng cho VNM vì các thương vụ M&A liên quan đến các công ty F&B niêm yết lớn như KDC, MSN đều được thực hiện ở mức định giá cao hơn nhiều so với giá trị thị trường.
Với vốn hóa hơn 163.000 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa ngày 15/3), VNM vẫn sẽ luôn là bò kéo VN-Index cho đến khi nào sàn HOSE xuất hiện những doanh nghiệp khổng lồ hơn nữa.
Trí Thức Trẻ