Bộ trưởng Thăng: Sau cổ phần hoá, lương tại bệnh viện GTVT là 20 triệu đồng/tháng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng vừa tiết lộ, các nhà đầu tư tranh nhau mua cổ phần bệnh viện Giao thông vận tải, sau cổ phần hoá, lương dự kiến tăng gấp đôi, lên 20 triệu đồng.
- 26-03-2015Cổ phần hoá bệnh viện GTVT: Nhà đầu tư Singapore 'ngỏ lời' đầu tư
- 21-10-2014Bộ Y tế đề nghị CPH ngay 3 công ty vaccine
- 08-10-2014Bộ GTVT: Tháng 10 sẽ xác định xong giá trị DN của Vinalines để CPH
Tại hội nghị giao ban sơ kết 3 tháng về cổ phần hoá DNNN, do Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tổ chức chiều 26/3, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng, đã chia sẻ nhiều tín hiệu tích cực từ quá trình cổ phần hoá trong ngành.
Ông cho biết, có doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá thì thua lỗ, bị kiện cáo suốt, nhưng giờ thì rất tốt, cứ mùng 10 hàng tháng là trả lương đều.
Đặc biệt với lĩnh vực y tế, ông cho hay: "Việc cổ phần hoá bệnh viện Giao thông vận tải lúc đầu cũng có nhiều tâm tư. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư tranh mua. Dự kiến sau cổ phần hoá, lương ở đây sẽ tăng gấp đôi, lên 20 triệu đồng/tháng".
"Lúc đầu, giám đốc cũng sợ mất chức. Nhưng tôi khẳng định nếu có tài, có năng lực thì anh không lo. Nếu không thì anh buộc phải ra đi để người khác làm", ông Thăng cho biết.
Tính thời thời điểm này, bệnh viện Giao thông vận tải là trường hợp bệnh viện công đầu sẽ tiên thực hiện cổ phần hoá trong năm nay. Bệnh viện có vốn điều lên là 168 tỷ đồng. Dự kiến, trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu, Nhà nước sẽ chỉ còn giữ 30% vốn, bán 30% cho nhà đầu tư chiến lượng, bán công khai 31,3% và còn lại bán cho cán bộ, người lao động.
Theo đề án cổ phần hoá, tổng giá trị của bệnh viên được xác định lại là hơn 158,5 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với giá trị trên sổ sách với phần vốn Nhà nước xác định là 136,5 tỷ đồng.
Trong đó, điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lượng nếu là doanh nghiệp trong ngành y tế, phải có vốn 100 tỷ đồng, nếu là doanh nghiệp tài chính thì vốn phải là 1.000 tỷ đồng. Cổ đông chiến lược phải cam kết trong 5 năm đầu tiên không được chuyển nhượng vốn.
Theo thông tin từ các kênh truyền thông, hai nhà đầu tư lớn đang quan tâm kế hoạch này là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển và một nhà đầu tư từ Singapore.
Trước đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 12/2014 đã thống nhất mở rộng phạm vi cổ phần hoá đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế, đào tạo. Trong quý I năm nay, Bộ Tài chính phải hoàn thành dự thảo về chính sách chuyển đổi này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ chủ động xây dựng phương án cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp của ngành mình. Ngoài y tế, dự kiến, Bộ Giao thông vận tải cũng quyết tâm cổ phần hoá các trung tâm đăng kiểm trong năm nay, kế đến là các trường đào tạo trong lĩnh vực giao thông.
"Khó nhưng phải quyết tâm. Chỉ có cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp thì mới giảm được biên chế, người dân được lợi, giảm tiêu cực", ông Thăng bày tỏ.
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet