MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các “quán quân” lỗ trong 6 tháng đầu năm 2009

Tính đến 31/7, có trên 20 doanh nghiệp đã công bố lỗ trong 6 tháng đầu năm. Trong đó có những doanh nghiệp lớn ANV, PVT, VST…

Ba cổ phiếu dẫn đầu danh sách cũng là 3 mã có mức lỗ áp đảo so với các doanh nghiệp còn lại: VSP (-205,2 tỷ đồng), ANV (-27,2 tỷ) và VST (-63,6 tỷ).

Các doanh nghiệp còn lại trong top 10 có mức lỗ từ 10-40 tỷ đồng. Còn lại hơn 10 doanh nghiệp có mức lỗ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bị lỗ trong quý 2 nhưng tính chung 6 tháng vẫn có lợi nhuận dương như HBC, VKPBLF.

Cổ phiếu vận tải biển gặp khó

15 cổ phiếu có mức lỗ sau thuế lớn nhất trong 6 tháng đầu năm
(tính đến ngày 31/7)

Sau khi lỗ hơn 111 tỷ đồng trong quý 1, CTCP Đầu tư và vận tải dầu khi Vinashin (VSP) tiếp tục lỗ thêm 93,5 tỷ đồng trong quý 2. Hoạt động kinh doanh vận tải biển của VSP vẫn chưa có nhiều chuyển biến trong bối cảnh khó khăn chung của ngành. Bên cạnh đó, công ty hiện đang có khoản vay nợ dài hạn lên đến 1.760 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm 2008, VSP từng là cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ấn tượng nhất khi lợi nhuận sua thuế 6 tháng lên tới 203,8 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 14.765 đồng.

Mặc dù lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm đã lên đến hơn 205 tỷ đồng nhưng VSP vẫn đặt mục tiêu đạt 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2009.

Để hoàn thành được kế hoạch, VSP phải đạt được hơn 350 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa còn lại của năm. Điều này có thể đạt được nếu công ty thu được các khoản thu nhập bất thường từ việc bán tàu, chuyển nhượng Dự án sân Golf Mê Linh, chuyển nhượng công ty con NamViet Oil, xuất khẩu gạo, cát…

Hai doanh nghiệp vận tải biển lớn khác là CTCP Vận tải và Thuê tài biển Việt Nam (VST) và CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng có lỗ sau thuế 6 tháng lần lượt là 63,6 tỷ đồng và 15,8 tỷ đồng.

Đối với VST, khoản lỗ 6 tháng chủ yếu là do bị lỗ trong quý 1. Trong quý 2, công ty đã gần như cân bằng được thu chi khi chỉ lỗ 86 triệu đồng. Công ty dự kiến sẽ bù đắp được khoản lỗ lũy kế này trong quý 3. Trong khi đó, VNA có lãi hơn 1,5 tỷ trong quý 1 nhưng lại bị lỗ 17,5 tỷ trong quý 2.

Đáng chú ý là trong danh sách thua lỗ có sự xuất hiện của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT). Khoản lãi 19,7 tỷ đồng của quý 1 đã không thể bù đắp được khoản lỗ 46,7 tỷ đồng trong quý 2. Theo giải trình của PVT, việc lợi nhuận giảm mạnh so với quý trước là do cước phí vận chuyển dầu thô và cước phí vận chuyển dầu mỏ đã qua sơ chế đầu quí 2/2009 trên thế giới giảm mạnh so với quý 1/2009 và năm 2008. Đồng thời, tỷ trọng giá vốn (giá nhiên liệu đầu vào ) trong kỳ báo cáo giảm thấp hơn tỷ trọng giảm doanh thu.
 
Một doanh nghiệp vận tải biển có quy mô nhỏ  là CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC) cũng bị lỗ hơn 1 tỷ đồng.
 
ANV: Mất ngôi đầu xuất khẩu thủy sản
 
Mức lỗ 80,3 tỷ đưa CTCP Nam Việt (ANV) lên vị trí thứ 2 trong số các doanh nghiệp có kết quả âm. Do gặp khó khăn trong việc xuất khẩu cá tra, basa nên ANV đã lỗ quý 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức lỗ quý 2 chỉ còn 18,4 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức lỗ 131,2 tỷ của quý 4/2008 và 61,8 tỷ đồng của quý 1/2009. Tính đến tháng 6/2009, ANV đã rơi xuống vị trí thứ 3 về giá trị xuất khẩu cá tra, basa sau CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và CTCP Hùng Vương.
 
Hai doanh nghiệp thủy sản khác cũng ghi nhận kết quả âm trong quý 2 là BLF lỗ 0,62 tỷ (lũy kế vẫn có lãi 0,79 tỷ) và BAS lỗ 3 tỷ (lũy kế lỗ 4,85 tỷ).
 
HPC: Tiếp tục lỗ 15,8 tỷ đồng trong quý 2
 
Trong khi nhiều công ty chứng khoán có lợi nhuận lớn trong quý 2 do hoàn nhập dự phòng thì Công ty chứng khoán Hải Phòng (HPC) lại tiếp tục bị lỗ 15,8 tỷ đồng do trích lập dự phòng. Tính chung 6 tháng, mức lỗ của HPC là 31,4 tỷ đồng.
 
Đầu tháng 6, công ty vẫn công bố lợi nhuận nhuận trước thuế tính đến hết tháng 5 là 7,4 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch năm.

TRI: vốn chủ sở hữu âm

Sau khi lỗ 143,7 tỷ đồng trong năm 2008, CTCP Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco (TRI) tiếp tục lỗ 21,3 tỷ đồng trong quý 1 và 15,4 tỷ đồng trong quý 2. Tính đến 30/6, vốn chủ sở hữu của Tribeco là -42 tỷ đồng (vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng).

Cuối tháng 6, Hội đồng quản trị của công ty đã quyết định chào bán 20 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 7.520 đồng/cổ phiếu (thấp hơn mệnh giá). Số tiền thu được sẽ dùng để cơ cấu nợ vay và bổ sung vốn lưu động đảm bảo nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty được duy trì liên tục trong hoàn cảnh hoạt động kinh doanh của công ty đang gặp khó khăn.

TLC: lỗ 6 quý liên tiếp

Tính đến quý 2/2009, ngoài những doanh nghiệp kể trên, một số doanh nghiệp khác cũng có từ 3 quý lỗ liên tiếp trở lên là FPC, DQC, TLC, VTA.

Trong quý 2, CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) tiếp tục lỗ 3,7 tỷ đồng, nâng mức lỗ trong 6 tháng đầu năm lên gần 8,5 tỷ đồng. Năm 2008, công ty cũng bị lỗ cả 4 quý với mức lỗ tổng cộng 52,5 tỷ đồng.

Khó khăn của TLC cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất dây, cáp điện và cáp viễn thông khác.

Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng của CTCP Dây và cáp điện Taya (TYA) là -9,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 37 tỷ đồng của cùng kỳ 2008. Trong 6 tháng đầu năm, SAM cũng phải bán hàng dưới giá vốn là 6,1 tỷ đồng.

TLT: đã có lãi trong quý 2

Quý 2/2009, CTCP Viglacera Thăng Long (TLT) đã có lãi 50 triệu đồng. Đây là quý đầu tiên TLT có lãi sau khi lỗ 10 tỷ đồng trong quý 1 và lỗ 96 tỷ đồng trong 4 quý năm 2008. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 cũng chỉ còn xấp xỉ 1,7 tỷ đồng (vốn điều lệ 69,9 tỷ đồng).

CTCP Bông Bạch Tuyết, một trong những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhất, hiện vẫn chưa có thông tin về kết quả kinh doanh. Từ ngày 3/8, cổ phiếu BBT sẽ chính thức ngừng giao dịch tại HoSE. 
 
K.A.L

duchai

Trở lên trên