MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần sớm xử lý những sai phạm tại CTCP xây dựng bê tông Hà Nội

Theo tố cáo của các cổ đông, trong đợt tăng vốn năm 2010 của Cty, giá trị vốn chủ sở hữu của Cty lên đến hơn 100 tỷ, gấp đôi số vốn của Cty trước khi tăng vốn.

Những việc làm sai trái của lãnh đạo Cty cổ phần xây dựng bê tông Hà Nội (Vibex) trong thời gian qua vẫn chỉ là một “phần nổi trong tảng băng chìm”, từ việc bán “nhà trên giấy”, cho đến việc lãnh đạo Cty sử dụng nguồn vốn không hiệu quả, dẫn đến nguy cơ mất hơn 130 tỉ đồng vốn nhà nước và các cổ đông… rồi đến cả những vấn đề thu chi hạch toán về tài chính rất mập mờ, không có trong sổ sách…Và mới đây, các cổ đông lại tiếp tục tố cáo về nhiều vấn đề khuất tất, không minh bạch, dân chủ trong các kỳ Đại hội cổ đông...

Nhiều điểm bất thường tại Đại hội đồng cổ đông

Việc coi thường pháp luật và có hàng loạt sai phạm trong kinh doanh của “nhóm” lãnh đạo Cty Vibex còn được thể hiện qua việc “điều khiển” các kỳ Đại hội đồng cổ đông. Làm việc với các cổ đông của Cty, PV được biết, tại Kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2011, trong việc bầu ra HĐQT gồm 5 thành viên và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2011- 2015 đã có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các cổ đông.

Được biết, việc bầu thành viên HĐQT được thực hiện trên nguyên tắc bầu dồn phiếu đã được pháp luật quy định, nên nhóm các cổ đông nắm giữ 10,92% vốn điều lệ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để đề cử bà Nguyễn Thanh Bình vào danh sách bầu thành viên HĐQT. Nhưng bà Bình đã bị Đoàn chủ tịch điều hành đại hội bác bỏ, với lý do bản lý lịch cá nhân của bà Bình chưa được xác nhận bởi cơ quan chức năng? Theo đại diện nhóm cổ đông trên, thì lý do trên hết sức phi lý, khi thông báo yêu cầu họp ĐHĐCĐ gửi trước đó không thấy nêu quy định lý lịch phải được UBND phường, xã xác nhận.

Thế nhưng với 5 thành viên được nhóm cổ đông nắm giữ 66,75% vốn điều lệ để cử, lại được Ban tổ chức “ưu ái” khi thẩm tra tư cách, bởi trong đó có đến 3 người hiện đang nắm chức vụ điều hành Cty là ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Gia Dũng – TGĐ và Lương Văn Về - thành viên HĐQT nhiệm kỳ trước. Cho nên, mặc cho các cổ đông có ý kiến, phản đối quyết liệt và đề nghị BTC công khai sơ yếu lý lịch của các ứng viên, nhưng Đoàn chủ tịch vẫn “lờ” đi và cho phát phiếu bầu HĐQT gồm 5 thành viên đã được in sẵn trước đó.

Ngay sau đó, nhóm cổ đông chiếm 10,92% vốn điều lệ đã có văn bản phản đối, nhưng cho đến nay sự việc vẫn cứ “dùng dằng” chưa đâu vào đâu. Và đến kỳ đại hội vào tháng 6/2012, các cổ đông lại tiếp tục tố cáo có sự gian dối trong việc kiểm phiếu…

Vẫn còn nhiều sai phạm…

Theo tố cáo của các cổ đông, trong đợt tăng vốn năm 2010 của Cty, giá trị vốn chủ sở hữu của Cty lên đến hơn 100 tỷ, gấp đôi số vốn của Cty trước khi tăng vốn. Mục đích chính của việc tăng vốn là cho đầu tư dự án Khu đô thị Vibex, nhưng cho đến nay dự án trên vẫn đang “đắp chiếu”, còn toàn bộ số tiền hơn 50 tỷ vốn tăng thêm lại được các lãnh đạo Cty sử dụng sai mục đích, khiến nhiều cổ đông góp vốn đợt 2010 hiện tại đang muốn thoái vốn góp vì lo thất thoát vốn.

Được biết, dự án Khu đô thị Vibex đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/500 của Dự án, nhưng từ hơn 2 năm nay, Cty không triển khai được một việc gì cho dự án, không đầu tư thêm một đồng nào vào dự án. Và để các cổ đông “yên tâm” về vốn, tháng 7/2011, HĐQT đã quyết định thành lập một Ban quản lý dự án (BQLDA) để điều hành các dự án đầu tư lớn của Cty. Nhưng BQLDA này không hoạt động được bởi 2 lý do: Cty không có vốn đầu tư cho dự án, lãnh đạo Cty hơn một năm qua không thông qua quy chế hoạt động của BQLDA. Ngày 12/7/2012, TGĐ mới nói rõ là muốn thu lại dự án Khu đô thị Vibex để tự thực hiện và đề nghị…giải tán BQLDA.

Tiếp đó ngày 19/9/2012, TGĐ đã điều biệt phái 100% cán bộ của BQL về phòng ban của Cty, đã vi phạm nguyên tắc trong điều đông biệt phái cán bộ. Nhưng ngay sau đó, vào ngày 29/9/2012, Chủ tịch HĐQT và TGĐ đã ra quyết định sáp nhập BQLDA vào Phòng Kinh tế dự án và giao cho Phòng Kinh tế dự án Cty thực hiện và điều hành các dự án của Công ty. Việc điều hành dự án như trên đã vi phạm Điều 33 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP trong quản lý và điều hành dự án - Phòng ban Cty chỉ có thể điều hành các dự án có mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng... ).

Theo điều tra của PV, hiện Cty còn nợ nhiều khoản thuế, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… với Nhà nước và chưa trả đủ tiền cổ tức năm 2011 với các cổ đông. Ngoài ra, lợi dụng mặt bằng sân Cty làm dịch vụ trông ô tô qua đêm, khoản thu này TGĐ để ngoài sổ sách và không nộp thuế cho Nhà nước, không hạch toán.

Đáng lưu ý là dịch vụ này Cty không có trong đăng ký kinh doanh, khi có những rủi ro xảy ra trong việc trông giữ xe, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cũng theo đơn tố cáo, nghiêm trọng hơn là việc gian dối trong kết quả kiểm phiếu đại hội cổ đông họp tháng 6/2012.

Lãnh đạo Cty đã chỉ đạo tổ kiểm phiếu bỏ 58.800 cổ phần ra khỏi kết quả kiểm phiếu để có kết quả đại hội như ý muốn. Ngoài ra, việc kế toán đã cùng với lãnh đạo công ty treo gác chi phí sản xuất 30 tỷ đồng không phân bổ vào giá thành năm 2011 để báo cáo tài chính có lãi như ý muốn. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng trong việc phản ánh chính xác kết quả kinh doanh và hạch toán kế toán...

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ và xử lý các sai phạm của doanh nghiệp này, cũng như việc “lộng quyền” của các lãnh đạo Cty trong thời gian qua.

Theo Minh Nhật

Công luận

thanhhuong

Trở lên trên