MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch TechcomSC: Nhóm NĐT có tài sản trên 1 tỷ đồng sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới

Hiện nay nếu nhìn trên thị trường đầu tư các khách hàng không có nhiều lựa chọn. NĐT chỉ có thể gửi tiền ngân hàng, đầu tư BĐS nhưng thanh khoản thấp, đầu tư chứng khoán lại rủi ro và không phải ai cũng hiểu và có thời gian tham gia TTCK.

Chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Xuân Minh, CFA, Chủ tịch TechcomSC về cuộc cạnh tranh của các CTCK trước thời điểm mở cửa hoàn toàn cho dòng vốn ngoại vào các CTCK sau ngày 1/9 tới.

Trước đây TechcomSC được biết nhiều hơn trong lĩnh vực tư vấn phát hành, thời điểm này lý do vì sao TechcomSC lại đầu tư mạnh hơn vào mảng bán lẻ thời điểm này?

Những năm trước thị trường bán lẻ Việt Nam chưa đến độ chín muồi, chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TTCK trong khi mảng thu phí không phải là mảng chúng tôi hướng tới. Chứng khoán có nhiều mảng kinh doanh và thời điểm đó chúng tôi tập trung nhân lực vào mảng ngân hàng đầu tư, tư vấn tài chính.

Thời điểm này chúng tôi nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục. Việt Nam có dân số trẻ và phần đông đang hướng tới lứa tuổi 35,40, độ tuổi họ đã bắt đầu có tích lũy lớn. Chúng tôi ước lượng đến năm 2020 thị phần khách hàng bán lẻ đầu tư sẽ lên đến 10-20 tỷ USD. Cuộc sống của khách hàng cá nhân đặc biệt khách hàng phân khúc cao cấp có tài sản trên 1 tỷ đồng sẽ tăng rất mạnh nên chúng tôi hướng tới cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu tư cho đối tượng khách hàng này.

Hiện nay nếu nhìn trên thị trường đầu tư các khách hàng không có nhiều lựa chọn. NĐT chỉ có thể gửi tiền ngân hàng, đầu tư BĐS nhưng thanh khoản thấp, đầu tư chứng khoán lại rủi ro và không phải ai cũng hiểu và có thời gian tham gia TTCK. Chúng tôi tập trung vào phân khúc nhỏ hơn vào khách hàng có nguồn tiền gửi và tài sản tài chính lớn, nhu cầu của họ đầu tư sẽ phức tạp hơn.

Ông có thể cụ thể hơn về hệ thống của TechcomSC có gì khác biệt so với các CTCK khác?

Các CTCK khác họ đang có  hệ thống giúp NĐT đầu tư vào TTCK nhưng với chúng tôi TTCK chỉ là một kênh đầu tư.

Hệ thống của chúng tôi tích hợp với core banking của Techcombank nên NĐT có thể lựa chọn đầu tư chứng khoán hay trái phiếu, họ không có thời gian để phân tích công ty thì họ có thể tham gia vào quỹ đầu tư.

Về tương lai nếu NĐT muốn đầu tư vào BĐS nhưng vì lí do ngại thanh khoản thấp thì có thể tham gia sản phẩm như chứng chỉ quỹ BĐS. Như vậy khách hàng có thể đầu tư lượng tiền nhỏ hơn so với tham gia đầu tư một số tiền lớn vào nhà hay biệt thự.

TechcomSC được hưởng lợi nhờ ngân hàng mẹ Techcombank, tuy nhiên với quy định của Thông tư 36 các ngân hàng bị hạn chế rót vốn vào chứng khoán, điều này có ảnh hưởng tới TechcomSC không thưa ông?

CTCK được hưởng lợi về vốn từ ngân hàng mẹ thì không hẳn, có những hạn chế mà ngân hàng không được làm. Vốn hiện tại của chúng tôi nếu tính cả lợi nhuận khoảng 1.400 tỷ, đây là nguồn vốn dồi dào. Việc sau này khi nào TechcomSC cần vốn như để ký quỹ cho NĐT cá nhân thì tôi nghĩ chúng tôi huy động vốn cho bản thân công ty TechcomSC từ các nguồn vốn khác không khó. Chúng tôi đã từng thu xếp cho DN 1 năm 1 tỷ USD thì việc huy động vốn cho công ty là việc trong tầm tay.

Còn về ngân hàng mẹ, TechcomSC được hưởng 2 lợi ích chính đó là hệ thống và quy trình quản trị rủi ro và công nghệ. Techcombank đầu tư nhiều về công nghệ nên với những công nghệ mà ngân hàng mẹ sẵn có và những công nghệ chúng tôi đầu tư thêm cho mảng chứng khoán, chúng tôi lúc nào cũng được sự hỗ trợ về việc tích hợp thuận lợi cho NĐT như chuyển tiền realtime.

Thưa ông 3 tuần tới Nghị định 60 về nới room nước ngoài chính thức có hiệu lực, theo ông việc các NĐT nước ngoài được mua 100% vốn CTCK trong nước sẽ tác động đến cuộc cạnh tranh của các CTCK như thế nào và bản thân TechcomSC có sự chuẩn bị gì cho điều này chưa?

Tôi không lo về mảng bán lẻ vì NĐT nước ngoài cần vài năm để tham gia thị trường này.

Về mảng tư vấn DN chúng tôi đã cạnh tranh với họ nhiều năm nay rồi. Một số thương vụ về tư vấn DN lớn đặc biệt khách hàng lớn ở VN, các CTCK nước ngoài từ Singapore hay Hongkong đều chào mời tư vấn, chúng tôi đang cạnh tranh với họ rất nhiều. Có những mặt họ mạnh hơn mình như mảng huy động nguồn tiền cho chứng khoán, còn mảng tư vấn DN và huy động vốn trong nước thì họ không bằng chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu phát triển mảng tư vấn doanh nghiệp và huy động vốn nước ngoài cho các DN trong nước. Chúng tôi đang xây dựng đội hình và cạnh tranh với công ty nước ngoài.

Được biết TechcomSC có kế hoạch niêm yết trong vài năm tới, ông có thể cụ thể hơn về điều này?

Để trở thành một tổ chức lớn trong tương lai công ty phải trở thành đại chúng, chúng tôi cũng muốn khi đó huy động nguồn tài chính từ thị trường và để cho công ty ngày càng minh bạch hơn. Vấn đề thời gian chưa thể xác định được ngay, chắc khoảng 2017-2018.

Xin cảm ơn ông.

Theo Hoàng Ly

Vinanet

Trở lên trên