MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch UBCK NN: Nên nới thêm 5%"room" ngân hàng để tạo sự hấp dẫn đầu tư

Chủ tịch UBCK Nhà nước Vũ Bằng đánh giá về TTCK Việt Nam 2008 và triển vọng 2009 cho rằng, chúng ta vẫn chủ trương tiếp tục các giải pháp dài hạn để hoàn thiện thị trường.

Thị trường chứng khoán (TTCK) được coi như một tấm gương phản chiếu của nền kinh tế.

Dự báo năm 2009, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng của nước ta vẫn có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hơn. 

Khó khăn vẫn ở trước mắt

Có thể thấy năm 2008 là một năm đầy khó khăn đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Ông có thể cho biết rõ hơn những đánh giá của mình?

TTCK là thể chế đặt trong hệ thống tổng thể kinh tế vĩ mô, không những trong nước mà còn cả quốc tế, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO và tiến sâu hội nhập với đời sống kinh tế thế giới.

Chúng ta biết rằng, 2/3 thời gian đầu của năm 2008 chúng ta phải tập trung chống lạm phát - đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm lạm phát tăng cao, rồi tiếp đến là các vấn đề nhập siêu, tỷ giá... đã đe dọa đến tính ồn định kinh tế vĩ mô, tới hoạt động các tổ chức tài chính, tín dụng, doanh nghiệp (DN), của đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó thì TTCK rất khó có kỳ vọng phát triển như những năm trước đây.

Riêng việc huy động vốn qua TTCK giảm tới 75 - 80% so với năm trước. Cả 3 kênh: Phát hành tăng vốn của doanh nghiệp, cổ phần hóa, phát hành trái phiếu đều sụt giảm mạnh so với năm trước.

Sức cầu giảm sút trước hết là do chúng ta thực hiện chống lạm phát, thắt chặt tiền tệ.

Thứ hai là do giá nguyên liệu tăng cao, lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao nên tác động vào sức sản xuất kinh doanh của DN và tác động vào giá chứng khoán.

Thứ ba là, trong thời gian dài trước đây TTCK đã có sự phát triển nóng, DN tranh thủ thời cơ thị trường để phát hành huy động vốn, dẫn tới pha loãng giá trị cổ phiếu, làm cho giá chứng khoán sụt giảm.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, TTCK sụt giảm, luồng vốn nước ngoài có chiều hướng rút ra, đặc biệt là việc rút vốn từ Trái phiếu Chính phủ - riêng tại thời điểm tháng 6 nước ngoài rút ra vào khoảng hơn 7.000 tỷ Trái phiếu Chính phủ.

Trong bức tranh như vậy, TTCK hoạt động khó khăn trên các mặt: giá, tính thanh khoản, khối lượng giao dịch giảm 70% so với năm trước. Đi kèm theo đó, các các công ty chứng khoán cũng bị thua lỗ hoặc giảm sút lợi nhuận. Các quỹ đầu tư thì giá trị ròng sụt giảm mạnh.

Trong lúc đó các tổ chức quốc tế thì lại đưa ra những thông tin trái chiều về kinh tế vĩ mô và do họ chưa có những thông tin đầy đủ, nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường. Đó là thời điểm từ đầu năm đến khoảng tháng 7.

Sau đó, nhờ có các biện pháp.... kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định, thị trường đã có sự hồi phục. Trong 2 tháng 7, 8 và đến giữa tháng 9 thì TTCK có dấu hiệu hồi phục, luồng vốn đầu tư nước ngoài có hướng tăng lên. Đối với Trái phiếu thì việc bán ra giảm lại và mua vào tăng lên.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến tháng 11 thì chúng ta lại phải tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề của biến động kinh tế thế giới. Tác động của nó là khó lường và đến nay vẫn chưa có câu trả lời đến bao giờ chấm dứt và khi nào thì thị trường có thể hồi phục. Theo đánh giá trên quốc tế thì còn phải kéo dài từ 1 - 2 năm.

Trước các sức ép như vậy, nhưng có thể thấy rằng, TTCK Việt Nam cũng đã có những sức kháng cự hiệu quả nhất định, thưa ông?

Trong thời gian qua, giá cổ phiếu giảm mạnh, riêng trong tháng 10 đã giảm tới 23%, doanh số giao dịch cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy rằng, năm 2008 Chính phủ đã có những giải pháp rất quyết liệt, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành cũng đã tốt lên rất nhiều cả trong chống lạm phát và giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính cũng đã có những quyết định tích cực thông qua các chính sách tài chính liên quan, đóng góp tích cực cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua việc đề xuất thắt chặt chi tiêu công, giảm bớt các dự án, giảm chi tiêu ngân sách... đã đóng góp tích cực cho ổn định vĩ mô và TTCK.

Có thể thấy rằng, việc thị trường Việt Nam có thể kháng cự và không để xẩy ra biến cố lớn như ở một số thị trường khác trong thời gian vừa qua, trước hết đó là nhờ sự chỉ đạo và quyết tâm quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đã thống nh t được hành động, đồng bộ được trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ và cả TTCK.

Khi có các vấn đề nổi lên, Chính phủ và Bộ Tài chính đã liên tục cập nhật thông tin và quan tâm xử lý. Bản thân ủy ban cũng đã kịp thời nắm bắt diễn biến của thị trường, nắm bắt kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các ứng xử để tạo sức kháng cự cho thị trường, tranh đổ vỡ và sự tháo vốn của luồng vốn đầu tư nước ngoài.

Nên nới "room" ngân hàng lên 35%

Năm 2009 được dự đoán là sẽ rất khó khăn - cả đối với nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, vậy theo ông, chúng ta cần phải làm sao để có thể vượt qua?

Theo tôi năm 2009 việc thu hút ngoại tệ của chúng ta sẽ còn gặp khó khăn, do xuất khẩu sẽ khó khăn, nhập khẩu sẽ có sức ép cao do nguồn hàng nước ngoài đẩy vào, chống đỡ nhập siêu sẽ khó khăn.

Đầu tư trực tiếp cũng có thể sẽ giảm sút, đầu tư gián tiếp sẽ cũng không tăng... do đó sẽ tác động đến cán cân thanh toán và từ đó tác động đến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Như trên đã nói, TTCK là một thể chế đặt trong một tổng thể kinh tế vĩ mô. Vì thế, theo tôi một trong những công việc ưu tiên hàng đầu trước hết phải là tăng cường xuất khẩu, giảm nhập khẩu.

Trong các chính sách đầu tư thì ngoài việc quản bá thu hút đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư, giải ngân vốn đầu tư... thì đối với đầu tư gián tiếp theo tôi phải có chính sách phối hợp với Bộ Ngoại giao để quảng bá nhiều hơn đến các nước khác.

Từ trước tới nay chúng ta chỉ mới quảng bá về thu hút đầu tư trực tiếp, mà chưa thực hiện quảng bá cho đầu tư gián tiếp.

Nên tới đây công tác này cần đẩy mạnh hơn, trước hết là tổ chức quảng bá ở một vài trung tâm lớn, để làm cho họ hiểu hơn về kinh tế vĩ mô Việt Nam, quảng bá về TTCK Việt Nam, về các chính sách, môi trường và tiềm năng của Việt Nam... giúp họ nắm bắt thông tin chuẩn xác hơn về chúng ta, để tạo sự khơi thông thu hút đầu tư.

Thứ hai là việc niêm yết phát hành ở nước ngoài. Việc này cũng có 2 mặt: Nếu cứ đi niêm yết phát hành hết ở nước ngoài thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Mặt khác khi ra ngoài thì DN tăng cường được quản trị công ty, quảng bá được hình ảnh, thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cải cách khai thông thị trường vốn quốc tế.

Do đó cũng phải nên khai thông việc niêm yết phát hành ở nước ngoài. Nhưng cũng nên phải từng bước, trước hết là lựa chọn một số công ty và với một tỷ lệ phát hành niêm yết vừa phải, để DN thăm dò làm quen với môi trường thị trường vốn quốc tế, tiếp cận cải cách vấn đề quản trị công ty, công tác kế toán... để đáp ứng yêu cầu.

Nên gắn việc phát hành với việc niêm yết, không nên phát hành ở Việt Nam rồi niêm yết ở nước ngoài, bởi nếu như vậy sẽ không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

Một điều nữa là các chính sách đầu tư gián tiếp phải tiếp tục hoàn thiện.

Thứ nhất là vẫn hoan nghênh nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Thứ hai là tăng cường tính công khai minh bạch, chế độ báo cáo đối với luồng vốn đầu tư gián tiếp.

Thứ ba là chúng ta cũng phải có cơ chế nắm bắt được luồng vốn này thông qua hệ thống tài khoản quản lý ngoại hối, thông qua chế độ báo cáo luồng vốn đầu tư gián tiếp để có ứng xử phù hợp.

Thứ tư là phải xây dựng những giải pháp dự phòng, để trong trường hợp luông vốn vượt quá mức kiểm soát, vượt quá năng lực hâp thụ của nền kinh tế chúng ta phải có giải pháp xử lý, kể cả về chính sách tỷ giá, vấn đề mua ngoại tệ dự trữ, vấn đề hạn ngạch trái phiếu cổ phiếu.

Đó là những giải pháp mang tính kinh nghiệm quốc tế và chúng ta cần tham khảo nghiên cứu. Về quan điểm trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta cần hết sức huy động nguồn vốn đầu tư gián tiếp để giúp cân bằng cán cân thanh toán, đảm bảo vững bền kinh tế vĩ mô.

Để tăng tính hấp dẫn cho thị trường thì hiện nay tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết là 49%, thì đối với công ty chưa niêm yết theo tôi cũng nên thống nhất là 49%. Một điểu nữa thì bối cảnh hiện nay cũng nên nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng.

Hiện nay chúng ta đã cho thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài rồi, trong khi góp vốn mới chỉ cho phép 30%. Hiện nay các ngân hàng Việt Nam tiềm lực tài chính còn hết sức hạn chế, nếu nới tỷ lệ góp vốn thì sẽ thu hút hơn sự đầu tư của nước ngoài.

Hơn nữa việc góp vốn vào ngân hàng thực chất là đầu tư trực tiếp và có tính lâu dài hơn đầu tư gián tiếp, từ đó cải thiện cán cân thanh toán. Mà đây thực chất là đẩy mạnh cải thiện đầu ra.

Theo tôi cần phải nới tỷ lệ này và nếu để chắc ăn thì hiện nay nên nới thêm khoảng 5% để tạo sự hấp dẫn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Tài Chính

phuongmai

Trở lên trên