MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán teo tóp từng ngày

45% cổ phiếu dưới mệnh giá. Nếu bỏ vài bluechips được đỡ giá, VN-Index đã ở mức 380-400 điểm. So với cùng mức điểm VN-Index, nhiều cổ phiếu đã giảm 50%-60%.

Một bức tranh xám đang bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong hoàn cảnh hiện nay, để thị trường hồi phục thật sự không chỉ cần có sự hồi phục của nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) ổn định hơn mà hoạt động của thị trường cũng cần được quan tâm hơn để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

45% cổ phiếu dưới mệnh giá

Sáng 18-4, cổ phiếu VKP của Công ty CP Nhựa Tân Hóa sẽ chính thức tạm ngừng giao dịch vì có lợi nhuận âm 2 năm liên tiếp. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) cũng đã buộc tạm ngừng giao dịch bởi lý do tương tự với 2 cổ phiếu MHC và BAS. Chắc chắn số lượng cổ phiếu bị buộc tạm ngừng giao dịch sẽ còn tăng lên trong thời gian tới vì khả năng sẽ còn không ít DN công bố lỗ.

Bên cạnh việc bị tạm ngừng giao dịch, giá cổ phiếu đang nằm ở mức “bèo bọt” cũng là điều đáng quan tâm. Tính đến thời điểm này, thống kê trên cả hai sàn TPHCM và Hà Nội đã có tổng cộng khoảng 300 cổ phiếu có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng), chiếm tỉ lệ gần 45% trên tổng số 667 mã chứng khoán (gồm cả chứng chỉ quỹ) đang niêm yết. Đáng nói là trong số này có khoảng 20 mã chứng khoán có giá cực thấp, dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí cổ phiếu VTA của Công ty CP Vitaly chỉ còn 2.800 đồng/cổ phiếu…

Một chuyên gia tài chính nhận xét: So sánh thời điểm này của một năm trước, mặc dù VN-Index vẫn đứng quanh mốc 460-490 điểm nhưng giá cổ phiếu đã giảm đi rất nhiều. Nếu loại bỏ một vài mã chứng khoán có vốn hóa lớn được các quỹ đầu tư nước ngoài “đỡ giá” thì chỉ số VN-Index đã ở mức 380-400 điểm. So với cùng mức điểm VN-Index, nhiều cổ phiếu đã giảm 50%-60%.

Gánh nặng của thành viên tham gia thị trường

Hiện tại, thị trường chứng khoán đã trở thành gánh nặng cho hầu hết những ai tham gia thị trường (từ công ty chứng khoán, DN niêm yết cho đến nhà đầu tư). Thực tế, đã có hàng chục công ty chứng khoán đang đứng trên bờ vực phá sản vì thua lỗ hoặc phải cắt giảm nhân viên, giảm tối đa chi phí để tồn tại. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã mất vốn khá lớn và đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Phòng Môi giới 5 – Công ty CP Chứng khoán SME, cho rằng nhà đầu tư đã chán nản thị trường đến mức không quan tâm đến danh mục đầu tư. Mặc dù biết rằng thị trường đang ở vùng tạo đáy nhưng đáy có thể kéo dài một, hai hay ba tháng, thậm chí lâu hơn, là điều khó dự đoán vì nó phụ thuộc chủ yếu vào tình hình vĩ mô. Trong khi đó, niềm tin vào sự hồi phục trong ngắn hạn đối với nhà đầu tư là rất khó. Nếu như giai đoạn khủng hoảng của năm 2008, nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào cổ phiếu vì kỳ vọng thị trường rồi sẽ hồi phục nhưng hiện tại thì chưa thể dự báo phía trước là gì?

Theo giới đầu tư, với chính sách thắt chặt dòng tiền đổ vào chứng khoán, chắc chắn cơ hội vào thị trường này là rất thấp. “Đừng nói giá cổ phiếu đã rẻ hay chưa mà hãy nói là thị trường đã đến đáy chưa... Trả lời được câu hỏi này thì niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư sẽ tăng lên và lúc đó thị trường chứng khoán mới có cơ hội hồi phục”- một nhà đầu tư có kinh nghiệm nhận xét.

Theo Sơn Nhung

NLĐ

phuongmai

Trở lên trên