MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán tuần qua: ETFs kết thúc kỳ cơ cấu, thị trường sẽ ổn định hơn trong tuần sau?

Giao dịch tuần qua mang đậm dấu ấn của khối ngoại với những phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng 2 tháng trên HOSE và mạnh nhất trong vòng 6 tháng trên HNX.

Tuần qua có một số điểm nhấn.

Thứ nhất, đó là một tuần cực kỳ tấp nập của hoạt động giao dịch thỏa thuận. Không chỉ bởi bluechips như MSN và VNM được trao tay với giá trị lớn mà quan trọng hơn là bởi hoạt động thoái vốn giảm tỷ lệ sở hữu và mua vào theo chiến lược hợp tác của những tổ chức rất nổi tiếng được nhà đầu tư quan tâm theo dõi nhiều trong thời gian gần đây.

Đó là những giao dịch như SCIC thoái vốn khỏi HAI, DQC, DBC. Rồi KLF mua HAI. Các tổ chức ngoại mua CTD. FIT mua TSC. SHB và SHS bán “lẫn nhau” …

Thứ hai, giao dịch mang đậm dấu ấn của khối ngoại. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã có những phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng qua vào ngày 16/09 (bán ròng 268 tỷ) và 17/09 (bán ròng 313 tỷ). Tại sàn Hà Nội, khối ngoại cũng tạo kỷ lục với phiên cuối tuần ngày 19/09 khi bán ròng tới 254 tỷ - cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Hoạt động này phần lớn chịu tác động từ việc kết thúc kỳ cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF.

Nói thêm về tự doanh, họ bán mạnh trong tuần qua nhưng vào ngày 18/09 khi thị trường giảm sâu thì họ cũng mua vào 109 tỷ trên HOSE.

Công ty chứng khoán HSC nhận định “hoạt động giao dịch mang tính kỹ thuật của ETFs đã kết thúc , thị trường có lẽ sẽ ổn định trong tuần sau”.

Thứ ba, theo UBCK, tổng dư nợ cho vay margin hiện tại là khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty chứng khoán HSC nhận xét, nếu tính theo tỷ lệ so với vốn hóa thị trường thì dư nợ margin vẫn trong phạm vi an toàn; dư nợ margin cũng đã giảm từ mức đỉnh gần đây; vẫn còn khả năng để dư nợ cho vay margin tăng cao hơn đỉnh của tháng 3 vì các ngân hàng đã mở hơn đối với việc cho vay.

Trong giai đoạn này, thị trường đã khó chơi hơn giai đoạn trước rất nhiều. Kể các chuyên gia cũng có những nhận định trái chiều về xu hướng của các chỉ số. Tuy nhiên, khuyến nghị chung dành cho nhà đầu tư vẫn là lời khuyên không bao giờ cũ: “tránh mua đuổi, thận trọng để bảo toàn vốn”

Biến động chỉ số và thanh khoản

VN-Index giảm trọn vẹn cả tuần trong đó riêng ngày 18/09 giảm tới 9,86 điểm. Chỉ số chốt tuần tại 613,3 điểm – giảm 19,2 điểm so với tuần trước tương đương 3%.

Tuy nhiên, trong phiên 18/09, dù chỉ số giảm mạnh nhưng thanh khoản lại thấp nhất tuần: gần 163 triệu cổ phiếu được khớp lệnh tương đương 2.883 tỷ đồng. Và đúng như dự báo của các chuyên gia, phiên cuối tuần đã bùng nổ thanh khoản với việc 2 quỹ ETFs kết thúc tái cơ cấu danh mục kỳ này. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE trong phiên này đạt hơn 5.000 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh vọt lên 4.265,6 tỷ và giá trị thỏa thuận là 750 tỷ.

Tính chung cả tuần, sàn HOSE khớp lệnh trung bình 185 triệu cổ phiếu/ngày – tăng 16%, giá trị khớp lệnh đạt 3.375 tỷ/ngày – tăng 23,3% so với tuần trước đó.

Trong tuần qua, hoạt động thỏa thuận trên sàn Hồ Chí Minh vô cùng sôi động với những giao dịch giá trị lớn. Đứng đầu danh sách thỏa thuận trên HOSE là MSN với 7,67 triệu cổ phiếu tương đương 635,7 tỷ được trao tay. VNM đứng thứ 2 với 1,76 triệu đơn vị tương đương hơn 200 tỷ đồng.

Rất được chú ý trong thời gian gần đây là cổ phiếu HAI khi đã tăng trần cả chục phiên liên tục từ 05/09 – 17/09. Cổ phiếu HAI có nhiều thông tin tác động đến giao dịch như việc SCIC thoái vốn và ký hợp tác chiến lược với CTCP Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF . Ngày 18/09, KLF đã thỏa thuận mua vào gần 4,3 triệu cổ phiếu HAI tương đương 24,5% vốn điều lệ và HAI trở thành công ty liên kết của KLF. Ngỳ 19/09, HAI tiếp tục được giao dịch thỏa thuận hơn 1 triệu cổ phiếu, nâng khối lượng thỏa thuận cả tuần lên 4,4 triệu cổ phiếu tương đương 192,6 tỷ.

Cũng nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC là DQC. Ngày 15/09, SCIC bán thỏa thuận 3,8 triệu DQC tương đương 174,8 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng trần trong tuần qua.

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotec được thỏa thuận hơn 1,8 triệu đơn vị tương đương gần 130 tỷ vào ngày 15/09, mua bởi 2 tổ chức Amersham Idustries Ltd và Norges Bank.

Trong danh sách top về giá trị thỏa thuận cũng có tên TSC với việc được giao dịch gần 2,8 triệu cổ phiếu dương tương 106,6 tỷ. Trước đó, CTCP Đầu tư F.I.T đã đăng ký mua 2,8 triệu cổ phiếu TSC từ 18/09 – 17/10 để cơ cấu danh mục đầu tư.

(Đv: tỷ đồng)

HNX-Index chỉ giảm 2/5 phiên giao dịch trong tuần trong đó cũng giảm hơn 2 điểm trong ngày 18/09. Tính chung cả tuần, HNX-Index giảm 0,6 điểm tương đương gần 0,7%.

Dù vậy, thanh khoản tiếp tục tăng so với tuần trước đó. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt 107,3 triệu đơn vị/ngày – tăng 19,3% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt hơn 1.550 tỷ/ngày – tăng 31,1%.

Giống như tuần trước đó, đứng đầu danh sách thỏa thuận tuần qua là VCS với việc được thỏa thuận liên tục từ ngày 15/09 – 19/09, khối lượng thỏa thuận hơn 4,53 triệu đơn vị tương đương giá trị 152 tỷ. Trước đó, VCS công bố mua cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa là 10,6 triệu cổ phiếu, thực hiện từ ngày 09/09 – 08/10/2014 để hỗ trợ giá cổ phiếu và phục vụ tái cơ cấu trong ngắn hạn, dài hạn.

SHB và SHS đều nằm trong top thỏa thuận tuần qua của HNX trong đó SHB được thỏa thuận hơn 5 triệu cổ phiếu tương đương 47,7 tỷ, SHS được thỏa thuận gần 3,5 triệu cổ phiếu tương đương 37 tỷ. Theo thông báo của 2 tổ chức này thì ngày 15/09, SHB đã bán 3,4 triệu cổ phiếu SHS. Ngược lại, từ ngày 15/09 – 30/09, SHS đăng ký bán 2,8 triệu cổ phiếu SHB trên tổng số 22,33 triệu cổ phiếu mà công ty này nắm giữ của SHB.

DBC – cũng một cổ phiếu nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC đã được bán 1,5 triệu đơn vị (39,6 tỷ đồng) theo phương thức thỏa thuận trong ngày 18/09.

(Đv: tỷ đồng)

Giao dịch của khối ngoại

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã có những phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng qua vào ngày 16/09 (bán ròng 268 tỷ) và 17/09 (bán ròng 313 tỷ). Tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng 6,5 triệu cổ phiếu tương đương 545 tỷ đồng.

Với việc được thêm vào danh mục đầu tư của cả 2 quỹ ETFs, FLC đứng đầu về giá trị nước ngoài mua trên HOSE với 528 tỷ đồng. Trong khi đó, những bluechips như VIC, HAG, BVH, GMD bị bán ròng mạnh.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

Tại sàn Hà Nội, khối ngoại cũng tạo kỷ lục với phiên cuối tuần ngày 19/09 khi bán ròng tới 254 tỷ - cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính chung cả tuần, họ mua ròng 17 triệu cổ phiếu tương đương 310 tỷ đồng.

PVS vẫn đứng đầu top mua bán của khối ngoại, tính ra cổ phiếu này bị bán ròng 91 tỷ. VCG cũng bị bán ròng gần 120 tỷ.

Top 10 cổ phiếu mua/bán của khối ngoại:

Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE

Tính từ phiên ngày 26/05 với việc bán ròng 205 tỷ , đến nay khối tự doanh mới có một phiên bán ròng mạnh tới gần 200 tỷ như ngày 15/09. Trong ngày 18/09, khi thị trường giảm sâu, họ lại mua mạnh 109 tỷ. Nhưng tính chung cả tuần, họ đã bán ròng 30,6 triệu đơn vị tương đương 153,2 tỷ đồng.

>>> Cổ phiếu dầu khí bị chốt lời mạnh, cổ phiếu khác vạ lây?

Hải Long

trangntm

Tài chính Plus

Trở lên trên