MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông nhà nước: Khó mua, khó bán cổ phần

Bán bớt, thoái bớt vốn tại DN niêm yết tưởng như là chuyện đơn giản, song thực sự đang là bài toán khó với không ít "đại gia"".

Các tập đoàn, tổng công ty (TCT) quản lý vốn nhà nước tại nhiều DN niêm yết trên sàn đều có mục tiêu tái cơ cấu vốn, thu gọn đầu mối quản lý theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bán bớt, thoái bớt vốn tại DN niêm yết tưởng như là chuyện đơn giản, song thực sự đang là bài toán khó với không ít "đại gia"".

Năm 2009 - 2010, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đặt mục tiêu thoái bớt vốn tại nhiều DN, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%. PVN sẽ tập trung vào việc tìm kiếm, khai thác và chế biến dầu khí, giảm bớt đầu tư trong các ngành dịch vụ khác.

Vinaconex (VCG) hiện có đến 80 đơn vị thành viên. TCT này đang đẩy mạnh công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị thành viên theo hướng giảm bớt số lượng đầu mối, tập trung vào hai lĩnh vực kinh doanh chính là xây lắp và đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS).

Năm 2009, VCG đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 100% phần vốn góp của TCT tại 6 đơn vị gồm: CTCP Dịch vụ bảo vệ Hà Nội, CTCP Đầu tư Thảo Điền, Vinaconex 34, Cơ khí Xây dựng Vinaconex 20, CTCP Đầu tư và xây dựng Vinaconex PVC, CTCP Đầu tư điện lực Hà Nội; chuyển nhượng 5,9% phần vốn góp của TCT tại CTCP Xi măng Yên Bình, 14% phần vốn góp của TCT tại CTCP Phát triển thương mại Vinaconex.

VCG đã thực hiện tái cấu trúc tại 8 đơn vị, thu về 510 tỷ đồng, đạt 176 tỷ đồng lợi nhuận.

Việc tái cấu trúc được phân chia theo các ngành nghề kinh doanh chính của TCT, các lĩnh vực không thuộc hoạt động chính sẽ được TCT thoái vốn theo hình thức chuyển nhượng cổ phần cho các đơn vị bên ngoài.

Lãnh đạo VCG cho hay, việc thoái vốn tại các đơn vị, ngoài việc đảm bảo hiệu quả kinh tế còn phải đảm bảo sự phát triển ổn định và sự đồng thuận về mặt xã hội của DN. Tuy vậy, năm 2009, VCG mới chỉ thực hiện được 8/34 đơn vị theo lộ trình giai đoạn 2009 - 2010. Số DN thuộc diện tái cơ cấu vốn năm 2010 còn rất nhiều, trong đó có không ít công ty đã niêm yết cổ phiếu.

Rắc rối

Việc bán cổ phiếu tại các DN niêm yết trên sàn tưởng đơn giản, song đối với phần vốn nhà nước lại không dễ. Theo quy định, cổ phiếu đã lưu ký tập trung đều phải giao dịch qua sàn, đồng nghĩa với việc các "đại gia" trên muốn bán cổ phần phải thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo biên độ giá. Khi TTCK khởi sắc, cầu mạnh, giá cổ phiếu tăng việc bán này không mấy khó khăn. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng có điều kiện thuận lợi như thế.

Việc bán cổ phiếu qua sàn cũng đã được PVN thực hiện tại một số công ty niêm yết nhưng phương án này phụ thuộc quá lớn vào diễn biến TTCK khiến "đại gia" này không khỏi ngán ngại. Năm 2008, PVN thực hiện bán hơn 1 triệu cổ phiếu PVC qua sàn tập trung nhưng cổ phiếu ế ẩm, thời gian bán kéo dài, cuối cùng vẫn không bán hết cổ phiếu.

Do TTCK chưa ổn định sau khủng hoảng kinh tế, giá nhiều mã cổ phiếu dầu khí chưa trở lại phong độ được kỳ vọng, năm 2009, PVN hầu như không bán bớt được cổ phần của DN "con" trên sàn.

Trong khi đó, cũng có không ít DN con lo ngại, lãnh đạo Tập đoàn liên tục tuyên bố thoái bớt vốn như thế khiến nhà đầu tư bị tác động về tâm lý là nguồn cung cổ phiếu dầu khí lớn đang chờ đổ ra sàn, giá cổ phiếu dầu khí vô hình trung bị "chặn dòng".

Định hướng cơ cấu lại vốn nhà nước vẫn là mục tiêu lớn của PVN trong năm 2010. Vì thế, Tập đoàn chủ trương, nếu có thoái vốn sẽ thực hiện theo hình thức bán thỏa thuận cho một số nhà đầu tư lớn nhằm hạn chế tối đa tác động tới giá cổ phiếu dầu khí trên sàn cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Năm 2010, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đặt kế hoạch thoái bớt vốn tại gần 200 DN, trong đó có không ít DN đang niêm yết cổ phiếu trên sàn.

Đại diện SCIC cho biết, theo quy chế, SCIC có thể bán cổ phần bằng nhiều cách. Thứ nhất là bán trên sàn, cách này có ưu điểm là bán được cổ phiếu với giá sát thị trường nhất, không ai nói được là cổ phiếu bán rẻ hay đắt, các thủ tục bán cổ phiếu qua sàn cũng đơn giản.

Thứ hai, SCIC có thể bán thỏa thuận cổ phiếu. Cách làm này có ưu điểm là tìm được đối tác thì SCIC vừa bán được lô lớn, bán nhanh và góp phần tái cơ cấu lại DN khi đối tác chiến lược mạnh. Cái khó của trường hợp bán thỏa thuận nếu DN đã niêm yết là SCIC phải trình phương án và xin phép Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn VCG lại thực hiện tái cấu trúc các đơn vị thành viên theo hướng thu gọn đầu mối, hình thành các công ty mẹ hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là xây dựng và kinh doanh BĐS.

Dưới các công ty mẹ sẽ hình thành các công ty con do công ty mẹ nắm cổ phần chi phối, hoạt động theo ngành nghề hoặc địa bàn tương ứng. TCT xác định và chuyển giao vốn, tài sản, thương hiệu do Vinaconex sở hữu trong lĩnh vực xây dựng BĐS, cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác cho các công ty mẹ tương ứng. Vốn và tài sản chuyển giao sẽ được coi là vốn góp của Vinaconex tại các công ty mẹ này.

Câu hỏi đặt ra là như vậy, nếu cổ phiếu đã lưu ký tập trung, cổ đông có nhất thiết phải bán qua sàn? Một cán bộ của Sở GDCK TP. HCM cho hay, quy định buộc như vậy nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ.

IFC từng bán lượng lớn cổ phiếu ACB cho Standard Charter Bank theo phương thức thỏa thuận và không theo biên độ giá trên sàn. Để hợp đồng này được thực hiện, hai bên cũng như Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký phải có quyết định phê chuẩn của Chủ tịch UBCK.

Trường hợp trên vừa tránh nguồn cung cổ phiếu quá nhiều ra thị trường, vừa thực hiện được chủ trương tái cơ cấu vốn nhà nước theo hướng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thủ tục để được áp dụng cơ chế bán - mua ngoài sàn như thế nào rất cần được công khai, làm rõ, để tránh những rắc rối không đáng có khi các “đại gia” muốn bán vốn theo cách này.

Theo Anh Việt

Đầu tư chứng khoán


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên