MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội cho một sóng dài vẫn còn

Theo bà Hồ Thị Huyền, Trưởng phòng tư vấn đầu tư CTCK VnDirect, Từ sau Tết cho đến giờ, VNDS vẫn khuyến nghị cơ hội cho một sóng dài vẫn còn và đánh giá thị trường hiện vẫn đang tích cực.

Bài phỏng vấn bà Hồ Thị Huyền, Trưởng phòng tư vấn đầu tư CTCK VNDIRECT nhận định thị trường trong giai đoạn tới.

Đợt điều chỉnh trước do NĐT lo ngại Chỉ thị 01 ban hành sẽ khiến tín dụng chứng khoán bị siết chặt, nhưng hiện tại thông tin này dường như không tác động nhiều đến thị trường nữa, ý kiến của bà về việc này như thế nào?

Theo tôi việc siết chặt tín dụng cho hoạt động phi sản xuất, trong đó có chứng khoán thì hơn một năm nay vẫn như thế. Trước đây một số ngân hàng nhỏ lẻ vẫn cho vay chứng khoán sắp tới sẽ không cho vay nữa và nhiều người lo ngại dòng tiền sẽ bị hạn chế. Vấn đề này từ trước đến nay đã tồn tại rồi, nên tôi không coi là trở ngại lớn lắm.

Vấn đề cốt lõi hiện tại là hệ thống ngân hàng có vấn đề, việc cần làm là lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, để các ngân hàng thực hiện tốt vai trò trung chuyển của mình, dần tiến tới ổn định, tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào những áp lực ngắn hạn cho dòng tiền thuần túy từ ngân hàng đến TTCK.

Tôi cho rằng Chỉ thị 01 ban hành mang yếu tố tích cực, nó không còn hô hào, khẩu hiệu mà có định hướng cụ thể và tính thực tiễn rõ ràng. Giao cho ngân hàng mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, tức là đang đặt trách nhiệm lớn hơn cho những ngân hàng có năng lực hơn. Còn việc thanh lọc các ngân hàng nhỏ là áp lực tất yếu, đại loại như nếu không thay đổi thì sẽ chết, những thay đổi giống như cuộc phẫu thuật, có thể mang lại đau đớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ cải thiện sức khỏe nền kinh tế sau này.

Vậy theo bà, tương quan với các loại hình đầu tư khác thì liệu đã nên đầu tư chứng khoán chưa?

Trong giai đoạn hiện tại chứng khoán đang hấp dẫn hơn. Tôi không nhận định quá tích cực về vĩ mô để cho rằng cơ hội cho chứng khoán hiện nay tương đương năm 2009 nhưng một điều tôi tin tưởng là thị trường trong năm 2012 sẽ có sắc thái khác, dòng tiền đầu tư sẽ bắt đầu quan tâm đến chứng khoán , thị trường sẽ có cảm xúc hơn, có tăng có giảm chứ không giảm mạnh như năm ngoái.

Phiên giao dịch hôm qua (21/2) hai sàn giảm điểm cuối phiên với khối lượng giao dịch tăng đột biến, sàn Hà Nội giao dịch hơn 80 triệu cổ phiếu, theo bà đây có phải là một phiên phân phối đỉnh không?

Bà Hồ Thị Huyền, Trưởng phòng tư vấn đầu tư CTCK VNDIRECT

Đúng là phiên giao dịch hôm qua đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Tuy nhiên nếu mọi người để ý thấy sự khác biệt với các phiên phân phối đỉnh trước đây (như phiên ngày 14/6, 14/9/2010 chẳng hạn).

Tại các phiên phân phối đỉnh, khối lượng giao dịch lớn đi kèm việc các cổ phiếu bị bán mạnh và chúng ta thậm chí còn không có cơ hội bán cổ phiếu giá sàn. Trong phiên ngày hôm qua chúng ta vẫn thấy một số cổ phiếu dẫn dắt không hề giảm về giá sàn, lực cầu rất tốt, thậm chí một số mã vẫn tăng và trong phiên vẫn có những phút tăng rồi lại giảm, chứng tỏ rất nhiều người bị thôi thúc mua vào.

Thanh khoản tăng mạnh tại một số thời điểm sẽ là cột mốc để tạo ra mặt bằng thanh khoản mới và nếu thị trường muốn tăng dài hạn thì thanh khoản không chỉ dừng lại ở con số 1000 tỷ, thế nên tại sao chúng ta phải quá lo sợ về thanh khoản đó.

Vì vậy tôi đánh giá đây chỉ là áp lực bán chốt lời mạnh khi VN-Index gặp đỉnh trước, và có thể thị trường chỉ dừng lại một nhịp ở đây. Từ sau Tết cho đến giờ, VNDIRECT vẫn khuyến nghị cơ hội cho một sóng dài vẫn còn và đánh giá thị trường hiện vẫn đang tích cực.

Một số cổ phiếu theo phân tích kỹ thuật sắp chạm ngưỡng MA200 là đường kháng cự trung hạn, thực tế là trong phiên giao dịch hôm qua đều đã giảm điểm?

Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời, MA200 sẽ là một cản trở tương đối lớn cho thị trường, và đấy là thách thức mà thị trường phải vượt qua. Giống như việc nhảy qua một bức tường bạn phải bật lại và lấy đà, thị trường dừng lại để điều chỉnh là đương nhiên. Đợt thử lửa trong tuần này sẽ xác định cơ hội trung hạn có hay không.

VNDIRECT đang đặt kịch bản tích cực trong đợt này, tuy nhiên chúng ta phải nhìn thị trường điều chỉnh như thế nào, thị trường có thể điều chỉnh 2-3 phiên rồi đi lên hoặc điều chỉnh dài hơn thế. Cái mà các bản tin của chúng tôi luôn hướng đến là vẽ ra những tình huống sắp tới, để nhà đầu tư hình dung con đường lớn như thế nào để không chạy theo cảm xúc của thị trường và có các quyết định đầu tư hợp lý nhất.

Dòng tiền mới có tăng mạnh trong những ngày qua không thưa bà?

Tiền mới hay cũ tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi người, nếu nói là tiền nộp vào của nhà đầu tư mấy phiên hôm nay thì có thể nói là nhiều hơn trước. Về bản chất dòng tiền sẽ thể hiện luôn trên bảng điện tử, bạn thấy thanh khoản tăng, nghĩa là có thêm tiền, không cần số liệu thống kê tại các quầy giao dịch làm gì.

Tỷ lệ margin ở VNDIRECT hiện như thế nào?

Tỷ lệ sử dụng margin tại VNDS hiện chưa nhiều, các nhà đầu tư phần lớn mua chứng khoán bằng tiền thật. Nhưng nói dòng tiền tăng bền vững thì chưa hẳn vì nó còn có dư âm của thời gian trước, sự thảm khốc của năm 2011 nói gì thì nói vẫn để lại vẫn nặng nề và nhiều người vẫn chưa tin thị trường tích cực trở lại.

Thanh khoản vẫn đang ở mức rất thấp, đối tượng tham gia đa số là các NĐT nhỏ lẻ, có ý kiến cho rằng chỉ có NĐT nhỏ lẻ chơi với nhau khó tăng bền?

Thông thường khi thị trường tăng tại nhịp đầu không có sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức vì cơ chế vận hành của các tổ chức khá cồng kềnh, họ phải đề xuất, thông qua các hội đồng có khi mất cả tháng và thường không có mặt vào nhịp đầu tiên của sóng.

Nói như thế để thấy rằng nếu bạn nhìn theo góc độ tiêu cực là nhỏ lẻ thì không bền vững, nhưng nếu bạn nhìn ở góc độ tích cực, nếu nhỏ lẻ thôi mà đã tăng được như này, thì khi quan điểm của tổ chức thay đổi nữa và vĩ mô có một cú hích nào nữa thì dòng tiền đổ thêm vào sẽ mạnh mẽ đến như thế nào


Chị kỳ vọng VN-Index sẽ lên được bao nhiêu điểm trong thời gian tới?

Tôi không cố gắng đoán Index lên đến bao nhiêu và coi trọng việc tư vấn nhà đầu tư cách họ phản ứng với thị trường như thê nào hơn. Tuy nhiên với trạng thái hiện tại của thị trường thì có thể sóng tiếp theo sẽ mang lại lợi nhuận ít nhất bằng phần lợi nhuận bạn có được từ ngày 9/1 đến 10/2.

Nhưng thực tế các doanh nghiệp niêm yết vẫn thua lỗ, một số doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết, vậy cơ sở đâu để thị trường có đà tăng được?

Tôi không nói là vĩ mô đã tích cực, cũng không nói là các doanh nghiệp năm nay cải thiện hơn, nhưng thị trường chứng khoán bản chất là sự mua bán kỳ vọng, chính vì thế chu kỳ của chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế.

Tại thời điểm này vĩ mô không có những tin quá xấu nên cũng có thể điều này đã nuôi dưỡng những hi vọng và châm ngòi cho một nhịp sóng hồi. Còn việc DN bị hủy niêm yết tôi coi đó là sự chọn lọc tự nhiên, đấy không phải là lo ngại lớn với tôi.

Các bản tin CTCK nhận định theo ngày, mà việc tăng giảm theo ngày thì thường không thể có một cái nhìn tổng quát và khách quan?

Hàng ngày chúng tôi vẫn nhận được câu hỏi của NĐT về việc tăng giảm của thị trường, tại sao lại xuống và tại sao lại lên. Việc tư vấn đầu tư cũng giống như làm dâu trăm họ, thị trường có người bán và người mua, mình bảo lên thị người bán không thích mà bảo xuống thì người mua không thích, đấy là chuyện đương nhiên.

Trong các bản tin tư vấn chúng tôi luôn nhắc lại phiên trước thế nào, không thể nhìn vào một điểm để đánh giá cả chuỗi quá trình. Như đã nói ở trên, tôi luôn cố gắng vẽ ra những con đường lớn của thị trường, còn việc bước đi trên con đường đó như thế nào tùy thuộc quan điểm đầu tư của mỗi người.

Ví dụ như việc 2 tuần trước tôi nhận định sắp tới thị trường điều chỉnh mạnh, nhưng xu hướng lớn vẫn là đi lên, có thể coi đó là cảnh báo về 1 cái ổ gà chẳng hạn, có người sẽ vòng qua trái, hoặc vòng qua phải để tránh nó, có người nhảy qua. Và lúc đó việc chốt lời, đợi sau điều chỉnh hay tiếp tục nắm giữ tùy thuộc mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người đều không có gì sai cả.

Phương Mai (thực hiện)

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên