MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội lúc thị trường tuyệt vọng

Giằng co chút xíu rồi chọc thủng ngưỡng 500 của VN-Index. Ngưỡng 150 của HaSTC-Index cũng không có nghĩa lý gì với đà lao dốc. TTCK vẫn còn cơ hội?

Khi VN - Index đã nằm hẳn phía dưới và chỉ còn biết tuyệt vọng ngước nhìn lên ngưỡng 500 điểm, nhiều người lại hỏi nhau và cố gắng kiếm tìm trên khắp các phương tiện truyền thông những mong thấy được đâu đó một vài tia hi vọng dù chỉ là le lói.

Giếng sâu "Index"

Các phiên giảm sàn liên tiếp. Nếu có cũng chỉ là một vài cú phản điểm ngắn ngủi không đủ để các chuyên gia lướt sóng mong manh hi vọng.
 
Trước đây, nhà đầu tư còn có dịp phấp phỏng với những cơn trồi sụt của thị trường mang tên "bulltrap", nay kể cả mấy cái bulltrap ấy cũng chẳng còn nữa. Nhà đầu tư hầu như không còn "nhuệ khí".
 
Ngay đến các chuyên gia trên thị trường cũng lắc đầu khi được hỏi về tương lai của VN - Index. Quả thực, không thể lường được VN -Index sẽ còn rơi bao lâu và bao sâu nữa.
 
Bài toán lạm phát đang còn đó. Trong cơn lạm phát, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn (nhất là nguy cơ hậu tháng 6). Chịu tác động của chính sách tiền tệ, những khiếm khuyết của nền kinh tế, dường như thị trường chứng khoán đang ngày một yếu đi.
 
Cũng đã hầu như nếm đủ các thứ thuốc. Nặng có, nhẹ có. Thậm chí ngay hôm nay đây, thị trường vẫn đang ngậm liều "hẹp biên độ" đấy thôi. Nhưng cứ giữ được đằng này, bệnh lại phá ra đằng kia.
 
Giờ đây ai cũng hiểu rằng muốn cứu "hàn thử biểu" của nền kinh tế chỉ có thể dựa vào chính sức khỏe của nền kinh tế mà thôi. Nhưng người ta vẫn cứ đặt hy vọng, vẫn cứ mong mỏi những "cú huých" tạm thời.

Cần dũng cảm nhìn vượt qua "Index"

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá non trẻ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ của ta còn quá ít kinh nghiệm. Phần đông nhà đầu tư nhỏ lẻ thường rơi vào diễn biến tâm lý: Trong bối cảnh thị trường rơi liên tục, đầu tiên người ta không đủ can đảm viết lệnh bán vì sợ lỗ, rồi sợ nhỡ bán xong thị trường lại đi lên.
 
Tiếp đến, không chịu nổi sức ép mỗi ngày mất cả đống tiền, người ta "chặc lưỡi" cũng lao ra bán nhưng hình như đã muộn - bán cũng chẳng có ai mua. Khi đã lỗ nặng nề, với tâm lý "không còn gì để mất", nhiều người tự an ủi bằng phương pháp biến mình thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.
 
Vậy việc bán ra ồ ạt trên thị trường trong thời gian qua khẳng định là do nhà đầu tư trong nước nhưng là nhà đầu tư cỡ nào thì chỉ có các cơ quan chức năng mới có câu trả lời cụ thể.
 
Thị trường chứng khoán sẽ đi lên khi niềm tin quay trở lại, đó là "niềm tin" của cả một cộng đồng các nhà đầu tư. Vậy khi nào có được niềm tin ấy.
 
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang cần mẫn gom hàng, các nhà đầu tư "ta" cũng nên có những suy xét, cân nhắc cho kỹ kẻo: thị trường chứng khoán "ta" lại cứ để các ông "tây" xơi mất.

Người ta vẫn nói: "Ở đâu có khó khăn, ở đó có cơ hội" và "cơ hội chính là lúc thị trường tuyệt vọng nhất". Khi nào thị trường quay đầu, làm cách nào để đón bắt thành công cơ hội vàng, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo để có được những thông tin, sự đánh giá, phân tích vượt ra ngoài "Index". Thị trường chứng khoán đang chứng kiến chuỗi ngày sụt giảm, tuy chưa hết khó nhưng vẫn còn đó những cơ hội.

Nhìn lại những sai lầm của chính mình, tìm hiểu thông tin để có cái nhìn bao quát hơn, sâu sắc và thấu đáo hơn về thị trường, tìm hiểu những yếu tố tác động đến thị trường, từng nhóm ngành, từng mã cổ phiếu... chính là phương cách tốt nhất của nhà đầu tư trong lúc chờ đợi thị trường hồi phục và bước vào đợt tăng trưởng mới để tới đây đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Trong suốt cả "chặng dốc" vừa qua, khi khối nhà đầu tư nội bán ra, các nhà đầu tư ngoại vẫn "lụi hụi gom hàng". Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 14/5/2007, nhà đầu tư nước ngoài đột ngột giảm mạnh lượng mua mà theo nhận định của ông Bùi Ngọc Long - Giám đốc marketing Cty Chứng khoán IRS: “Nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi nghe ngóng động thái của cơ quan nhà nước khi mà VN-Index đang thiết lập một đáy mới. Rõ ràng rủi ro chính sách là loại rủi ro khó kiểm soát nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài và họ tạm dừng việc thu gom các cổ phiếu để xem xét khả năng can thiệp hành chính làm méo mó sự vận hành theo cung cầu của thị trường?”.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung lực lượng để “đồng khởi” vì họ biết rằng nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ lao vào bắt đáy khi có dấu hiệu đảo chiều?

Theo Đăng Quân
DĐDN

thanhtu

Trở lên trên