MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội thứ hai

Từ năm nay, nền kinh tế Việt Nam thực sự cất cánh trở lại, sẽ có nhiều chất xúc tác hút dòng vốn ngoại, tạo sự sôi động cho chứng khoán.

Mười giờ rưỡi sáng (giờ Châu Âu) ngày 19/2/2012, kênh truyền hình CNBC phỏng vẫn đại diện của Dragon Capital nên chăng đầu tư vào Việt Nam ngay lúc này. Câu trả lời của Dragon Capital có một ý thú vị, đó là tăng trưởng năm ngoái của Việt Nam chỉ có 5,08%, thấp nhất trong vòng 13 năm và đây có thể là đáy. Nói một cách khác, giới đầu tư đang hy vọng từ năm nay mức tăng trưởng sẽ đi lên.

CNBC dành phần lớn thời gian đề cập sự ổn định giá trị của đồng tiền Việt và mức tăng trưởng hơn 18% từ đầu năm đến nay của VN-Index – sự tăng trưởng ấn tượng đáng được chú ý. Đây là lần thứ ba CNBC cập nhật thông tin về chứng khoán Việt Nam trong vòng hơn tháng qua.

Mức biến động hấp dẫn của chỉ số sàn HOSE trong hơn năm tuần trở lại đây có lẽ không còn là chuyện phải bàn cãi. Bất cứ NĐT nước ngoài nào cũng sẽ dừng lại khi nghe thấy con số đó. Vậy điều gì khiến họ dừng lại, ngó vào, rồi chỉ một phần rất nhỏ móc túi giải ngân mua cổ phiếu, còn lại quay đi? Là quy mô quá nhỏ của thị trường, là những công ty có giá trị vốn hóa lớn đã hết “room”.

Giá trị mua ròng của nước ngoài, chủ yếu là một số quỹ ETFs, trong chưa đầy ba tháng khoảng 200 triệu đôla Mỹ, mà VN-Index tăng từng tuần, thậm chí từng ngày. Hai trăm triệu đôla Mỹ không nói lên được gì vì nó quá nhỏ bé trên thị trường tài chính quốc tế mênh mông.

Những quỹ muốn đầu tư 500 triệu, 1 tỷ đôla Mỹ vào một thị trường cận biên có sức hút mạnh như Việt Nam không biết làm cách nào để mua bán cổ phiếu vì giá trị và khối lượng giao dịch hàng ngày của cả hai sàn không đáp ứng được nhu cầu của họ. Hơn nữa, trong thế giới ngày nay, nơi mà người ta mua bán chứng khoán từng phút từng giờ, Việt Nam vẫn đang giao dịch thủ công, chưa hề có một sản phẩm phái sinh nào.

Chứng khoán Việt Nam đã một lần vuột mất cơ hội gọi dòng vốn ngoại khi giữa năm 2006 khối ngoại hồ hởi tìm đường đến TPHCM và Hà Nội. Tiếc rằng lúc đó, chúng ta thiếu kinh nghiệm để vốn ngoại tự mày mò, xoay xở, mà không có một định hướng nó vào đâu, giữ chân, phát triển nó thế nào. Hàng tỉ đôla Mỹ của các quỹ đóng những năm qua chỉ nhăm nhe tìm cách ra đi. Họ đã phải chịu đựng quá nhiều!

Giờ là cơ hội thứ hai, cơ hội của tái cơ cấu nền kinh tế, của sự nhận thức từ trên xuống dưới rằng tăng trưởng bền vững chỉ có thể xuất phát từ sự ổn định và cân bằng vĩ mô. Những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đã và đang trải qua từ năm 2008 là một sự trả giá đắt. Không ai muốn sự trả giá đó trở nên vô ích.

Từ năm nay, nền kinh tế Việt Nam thực sự cất cánh trở lại, sẽ có nhiều chất xúc tác hút dòng vốn ngoại, tạo sự sôi động cho chứng khoán, cho thị trường vốn 12 năm qua chưa làm được gì nhiều cho nền kinh tế như một kênh dẫn vốn.

Bộ Tài chính, cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về TTCK, đã không có đủ nhân lực và thời gian dành cho lĩnh vực này khi mà thu chi ngân sách được xem là hoạt động chính, chủ lực của Bộ. Hơn 85% nhân lực của Bộ tập trung ở Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải Quan, Kho bạc Nhà nước. Con số nhân lực của UBCK ít nhất trong Bộ, và lại đảm đương một nhiệm vụ quá nặng và quá sức là xây dựng, vận hành, phát triển TTCK.

Cải cách TTCK – phần thiết yếu của thị trường vốn – phải bắt đầu từ chính sự phân bổ lại nhân lực, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong BỘ tài chính đối với mảng này.

Cơ hội thứ hai có được tận dụng hay không, vì thế, phụ thuộc vào chính chúng ta, không phải vốn ngoại. Vốn ngoại chỉ là chất xúc tác. Nó đến rồi đi, vào rồi ra, dòng vốn chỉ động lại ở đâu chừng nào nơi ấy mang lại lợi nhuận.

Theo Hải Lý
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên