MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng vào thời điểm này?

Trong 3 phiên giao dịch gần đây các cổ phiếu ngân hàng đã quay trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.

Thông tin cổ phiếu BID được quỹ ETF FTSE mua vào với khối lượng 14 triệu cổ phiếu công bố vào ngày 5/9 đã gây bất ngờ cho thị trường chung, góp phần kích hoạt đà tăng của dòng cổ phiếu ngân hàng. Bắt đầu là BID, sau đó đến VCB, CTG, MBBACB.

Tính đến thời điểm này, so với đầu năm, giá của các cổ phiếu ngân hàng đều đã tăng rất mạnh.

Vậy bây giờ có còn là thời điểm hợp lý để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng?

Cơ hội hiện hữu

Năm 2015 sẽ là năm cuối cùng để hoàn thành đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015 liên quan đến việc đưa nợ xấu xuống dưới mức 3% cũng như thu gọn những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém theo chỉ đạo của Chính phú và NHNN.

Giai đoạn này kết thúc sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng tạo một nền tảng vững chắc để thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2015 – 2020.

Vì vậy trong nửa đầu năm 2015, toàn hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, cũng như tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu có khả năng mất vốn.

Đây cũng là lý do khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần (NII) 6 tháng đầu năm của các ngân hàng niêm yết lại cho thấy bức tranh khá triển vọng về sự tăng trưởng của ngành.

Điển hình như trường hợp của VCB, ghi nhận sự tăng trưởng 27% so với cùng kỳ về mức thu nhập lãi thuần.

NHNN cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể điều chỉnh lên con số 17% từ mức 15% trước đó. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng đã tăng trưởng mạnh và đạt mức 10,23%.

Theo cam kết hội nhập ASEAN và WTO, cuối năm 2015, lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam phải mở cửa tối thiểu 70%, và đến cuối năm 2020 là 100%.

Nếu so với các ngân hàng khác trong khu vực, vốn hóa của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh khi lĩnh vực này mở cửa.

Vì vậy việc mở rộng quy mô, tăng vốn hóa, cũng như trình độ các ngân hàng nội sẽ là mục tiêu quan trọng mà chính phủ và NHNN muốn hướng tới tại thời điểm cuối năm 2015 và cả năm 2016.

Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu hình thành ít nhất 1 - 2 ngân hàng có quy mô và trình độ tương đương khu vực vào cuối năm 2015.

VCB, CTG hay BID chính là những ngân hàng sẽ được ngắm cho vị trí này. Ngoại trừ VCB, hai ngân hàng còn lại đều đã thực hiện những thương vụ M&A với các ngân hàng khác như một bước đi cho mục tiêu này.

Việc nới room ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại vẫn sẽ phải chờ rất lâu nữa, tuy nhiên đây sẽ là một cú hích lớn cho cổ phiếu ngành ngân hàng nếu như được thông qua.

Tuy nhiên vẫn còn đó những rủi ro

Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng từ nay đến hết năm 2015 sẽ khó ở mức cao do NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu toàn hệ thống.

Chí phí dự phòng rủi ro sẽ tiếp tục tăng cao, bào mòn lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm.

Từ năm 2016 trở đi lợi nhuận của ngành ngân hàng mới được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trong các phiên giao dịch gần đây, vì vậy việc các cổ phiếu này bước vào nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thêm vào đó, nếu xét định giá thì mức P/B hiện tại của các cổ phiếu ngân hàng, VCB không còn hấp dẫn khi chỉ số này ở mức 2,6 lần, cao hơn so với mức P/B trung bình khu vực khoảng 1,8 lần.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như ACB (P/B ở mức 1,3 lần), MBB (P/B ở mức 1 lần), CTG (P/B ở mức 1,4 lần) hay BID (P/B ở mức 2 lần) đang được đánh giá hấp dẫn hơn.

Duy Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên