MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa BIDV sẽ tác động thế nào đến TTCK cuối năm?

Khối lượng chào bán đã tính đến phương án thị trường xấu. Theo ông Vũ Bằng, cổ phần hóa BIDV là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Chiều nay (30/11), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) họp báo công bố lộ trình IPO vào tháng 12/2011.

Trong buổi họp báo có sự có mặt của đại diện NHNN, UBCK và Văn phòng Chính phủ.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước: Khối lượng chào bán của BIDV đã tính đến khả năng thị trường xấu

Theo ông Vũ Bằng, cổ phần hóa BIVD là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn vào báo cáo của anh Hà (Chủ tịch BIDV) trên cơ sở giá trị sổ sách, tính toán giá trị trong thị trường hiện nay thì trong phương án cổ phần hóa của BIVD đã tính tới khả năng thị trường xấu và trên cơ sở đó đưa ra khối lượng chào bán (chào bán công khai cho NĐT 3% vốn điều lệ) và giá chào bán theo thị trường. 

Nếu tính toán phù hợp, tổ chức tốt và thành công, việc cổ phần hóa BIDV sẽ tác động tốt đến thị trường.

Nhận xét về tình hình TTCK nói chung, ông Bằng cho biết diễn biến thị trường phụ thuộc nhiều vào yếu tố vĩ mô và yếu tố tâm lý.

Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố giao cho NHNN xem xét có giải pháp đối với TTCK và BĐS. “Tôi cho rằng tuyên bố đó rất quan trọng. Rất nhiều năm nay chúng tôi khó khăn trong việc trình Chính phủ hỗ trợ, nay nếu NHNN được trao chìa khóa hỗ trợ TTCK, chúng tôi hy vọng nó sẽ có tác động tốt cho thị trường, bối cảnh tốt như vậy và việc cổ phần hóa BIDV sẽ khiến hai bên tác động lẫn nhau”, ông Bằng phát biểu.

Tính đến 30/11, LNTT của BIDV đạt 4.100 tỷ đồng, nợ xấu 2,8%, cả năm 2011 LNTT đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 19,5%, nợ xấu dưới 3%, CAR 9,5%

Theo ông Bằng, bản thân các thị trường khu vực cũng đi xuống, tình hình châu Âu bị suy thoái, trong tình hình như vậy VN không thể khác quốc tế. Ngoài ra bản thân chúng ta còn có những khó khăn riêng, thị trường đi xuống là điều bình thường. Chúng ta phải ưu tiên chống lạm phát, tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, huy động vốn khó ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Việc cổ phiếu xuống thấp hơn mệnh giá, thấp hơn giá trị sổ sách, hoạt động công ty niêm yết khó khăn UBCK đã có báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã có ý kiến phát biểu sẽ có giải pháp hỗ trợ.

Về phía Bộ Tài Chính, trong đầu năm tới sẽ ban hành ngay quy định về quỹ mở, theo ông Bằng, nếu mình không ban hành thì việc chuẩn bị của các quỹ đầu tư rất lãng phí và các quỹ đầu tư nước ngoài đang rất mong ngóng quy định này.

Đối với việc hủy niêm yết, ông Bằng cho rằng đó là chuyện bình thường vì trong điều kiện thị trường có vào có ra, Hội đồng quản trị và Hội đồng cổ đông đã quyết định việc không niêm yết thì đó là quyền tự do của doanh nghiệp.

“Trước đây Tiệp Khắc có 2000 công ty niêm yết, hiện nay chỉ có bốn mấy DN, có chuyện thanh lọc đào thải. Tuy nhiên để bảo vệ NĐT khi anh hủy niêm yết thì ý kiến ĐHCĐ phải có tỷ lệ đồng ý biểu quyết rất cao, cao hơn 72% và ít nhất tỷ lệ cổ đông nhỏ thông qua phải trên 50%, vì khi hủy niêm yết thì việc giao dịch cổ phiếu bị ảnh hưởng, bất lợi nhiều hơn cho cổ đông thiểu số và khi hủy niêm yết thì không phải cứ muốn là ngay lập tức quay lại thị trường”.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ: BIDV sẽ tìm được cổ đông chiến lược tốt

Trả lời về việc chậm IPO các doanh nghiệp nhà nước, ông Muôn cho biết năm 2008-2009, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo nghiên cứu giãn tiến độ cổ phần hóa, không cổ phần hóa bằng mọi giá, cổ phần hóa phải đạt hiệu quả.

Việc cổ phần hóa BIDV là quá trình rất lâu và công phu, Chính phủ họp vài lần mới quyết định IPO BIDV, “nhưng nếu chúng ta đưa hàng hóa tốt ra thì vẫn thực hiện được”.

Thời gian vừa qua chúng ta cổ phần hóa các DN quy mô lớn như thép, Petrolimex..vẫn bán thành công, tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp muốn bán nhưng không bán được, đó là do yếu tố thị trường.

Hiện nay chúng ta còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chúng ta phải sắp xếp từ giờ đến 2015 cố gắng chỉ còn lại 570 doanh nghiệp.

Việc tìm cổ đông chiến lược nước ngoài là vấn đề rất khó khăn. Đây là câu chuyện đầu tư dài hạn, tôi đã tham gia quá trình tìm cổ đông chiến lược cho Vietcombank, Vietinbank, bia…tìm được cổ đông chiến lược đích đáng ngoài tiền ra còn việc điều hành trong HĐQT. Đối với BIDV, việc tìm cổ đông chiến lược phải do 2 bên thỏa thuận với nhau, ý mình như thế này nhưng phải còn do đối tác nữa. VCB, CTG đã có cổ đông chiến lược tốt thì BIDV không có lẽ gì ko tìm được cổ đông chiến lược và nhất là BIDV đã có tư vấn là Morgan Standley.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng BIDV: Lộ trình tái cơ cấu BIDV sẽ kết thúc năm 2013

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bán cổ phần cho cán bộ nhân viên là “ưu đãi” hay “ngược đãi”, ông Hà thẳng thắn cho biết việc mua cổ phiếu là ưu đãi còn việc giao dịch trên thị trường là do yếu tố thị trường. “Chốt danh sách cán bộ để bán thì có cơ quan chủ quản và bán cho người lao động do tổ chức công đoàn, tất cả đều làm đúng theo pháp luật. Quỹ công đoàn có bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, có thể không đến 3%”.

Theo phương án cổ phần hóa, việc bán cổ phần cho người lao động, các cán bộ có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm được mua thêm theo mức 200 cổ phần/01 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp (tối đa không quá 2.000 cổ phần cho một người lao động).

Theo ông Hà, BIDV vừa kết thúc đợt thanh tra Chính phủ, đề án tái cơ cấu 3 năm của Ngân hàng đầu tư làm sớm trước khi NHNN chỉ đạo, “chúng tôi đã đi được 1/5 quãng đường theo mục tiêu tái cơ cấu của Ngân hàng, sau kết luận thanh tra của Chính phủ, chúng tôi sẽ điều chỉnh việc tái cơ cấu trong 2 năm và lộ trình tái cơ cấu sẽ kết thúc vào năm 2013, việc đầu tiên là tái cấu trúc lại ngân hàng, và một nội dung quan trọng nhất là cổ phần hóa BIDV.

Trước khi cổ phần hóa chính thức BIVD, BIVD đã đưa ra IPO 2 đơn vị thành viên là công ty chứng khoán BSC và công ty bảo hiểm BIC. Trên thực tế thị trường đón nhận 2 công ty này tốt, cả giá lẫn khối lượng. Trong bối cảnh khó khăn việc IPO BIDV liệu có bán được hết hay ko và có ai mua hay ko, theo ông Hà “với thương hiệu và cách làm của chúng tôi, IPO BIDV sẽ thành công”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao BIVD lại chọn thời điểm này để IPO trong bối cảnh thị trường ảm đạm như thế này, ông Hà cho biết, cổ phần hóa BIVD là một nội dung tái cơ cấu của NHNN và nằm trong khuôn khổ chỉ đạo và kết luận của Bộ Chính trị, đây là ý chí của Đảng và Chính phủ.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên