MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 18/5: GAS, VIC “kéo” thị trường giảm mạnh, VCB bất ngờ đi ngược xu thế

Việc những cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như VIC, GAS giảm mạnh đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho thị trường.

GAS: Giảm 3.000đ (4,9%) xuống 58.000đ

Thông tin giao dịch:

Phiên giao dịch đầu tuần mới khép lại với những diễn biến không mấy tích cực từ thị trường khi VnIndex giảm hơn 8 điểm và rơi xuống dưỡi ngưỡng 530 điểm. Trong các tác nhân khiến VnIndex giảm mạnh không thể không nhắc tới GAS khi cổ phiếu này đã giảm mạnh 4,9% xuống 58.000đ.

Trong phần lớn thời gian giao dịch, GAS tuy rằng có bị điều chỉnh nhưng mức độ là không quá mạnh. Chỉ từ thời điểm 13h30’ trở đi, áp lực bán lên GAS tăng đột ngột và khiến cổ phiếu này mau chóng giảm mạnh.

Với vốn hóa lớn nhất thị trường, việc GAS giảm mạnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực thị trường chung.

KLGD GAS cũng tăng đáng kể trong phiên giao dịch hôm nay với hơn 458 nghìn đơn vị giao dịch. Khối ngoại đã mua vào 72.600 đơn vị trong phiên.

Việc đóng cửa phiên giao dịch tại mức giá 58.000đ và cũng là mức thấp nhất phiên đã khiến GAS rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ trung hạn được tạo ra từ giai đoạn cuối tháng 12/2014.

Thông tin đáng chú ý:

Mới đay, PVGas đã có quyết định bổ nhiệm ông Dương Mạnh Sơn làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVGas. Trước đó, ngày 22/4/2015, Ông Lê Như Linh (Chủ tịch HĐQT PVGas) được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm nhiệm, thay cho ông Đỗ Khang Ninh cho đến khi có quyết định bổ nhiệm chính thức.

Như vậy, ông Dương Mạnh Sơn được chính thức bổ nhiệm thay vị trí của ông Lê Như Linh chỉ sau chưa đến 1 tháng.

Theo KQKD quý 1 được công bố, công ty mẹ PVGas lãi ròng 2.679 tỷ đồng, giảm 15,78% so với cùng kỳ. EPS quý 1 của công ty đạt 1.414 đồng/cổ phiếu. Về doanh thu thuần, riêng quý 1 PVGas đạt 13.636 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với quý 1/2014. Mặc dù tiết giảm được chi phí quản lý (giảm từ 331 tỷ đồng xuống còn 103 tỷ đồng), chi phí tài chính của công ty tăng vọt từ 81 tỷ đồng lên 296 tỷ đồng.

 

VIC: Giảm 700đ (1,3%) xuống 46.300đ

Thông tin giao dịch:

Cùng với GAS thì VIC là một trong những mã có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường và việc giảm điểm của VIC trong phiên giao dịch hôm nay đã có tác động không nhỏ tới thị trường.

Cũng như nhiều mã khác trên thị trường, kể từ thời điểm 13h30’ trở đi là lúc VIC bị bán khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VIC giảm 700đ xuống 46.300đ và đó cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong phiên.

Thanh khoản VIC được cải thiện đáng kể với hơn 1,65 triệu đơn vị được giao dịch. Trong đó đáng chú ý là việc khối ngoại đã mua vào VIC khá mạnh trong phiên với hơn 1,35 triệu đơn vị.

Sau phiên giảm điểm hôm nay, VIC đã gần chạm vào vùng hỗ trợ 45.500đ và đây được kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu “ngừng rơi” bởi ngưỡng hỗ trợ này đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc nâng đỡ giá của VIC kể từ tháng 9/2014 tới nay.

Thông tin đáng chú ý:

Theo tin mới nhất, tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn xin giới thiệu địa điểm để nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, vui chơi giải trí tại tỉnh Lạng Sơn. Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vingroup đang đầu tư tại một số địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Ngãi...

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Vingroup - Công ty CP về việc đề nghị góp vốn với Công ty TNHH MTV Sông Âm để thành lập Công ty TNHH hai thành viên phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

UBND TP.HCM cũng đã đồng ý về mặt chủ trương giao cho tập đoàn đầu tư Vingroup thực hiện khảo sát, nghiên cứu khả thi và tiến hành đầu tư hai dự án bãi đậu xe ngầm sau khi thành phố thu hồi do nhiều năm không đầu tư.

 

VCB: Tăng 200đ (0,5%) lên 38.600đ

Thông tin giao dịch:

Trong phiên giao dịch hôm nay thực sự VCB là một điểm sáng xuất hiện khi đã đi ngược xu thế trong bối cảnh thị trường chung có phiên điều chỉnh khá mạnh.

Trong phiên giao dịch buổi sáng, VCB không thực sự gây ra sự chú ý khi cổ phiếu này cũng giảm khá mạnh, thậm chí có thời điểm giảm về 37.700đ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ phiên giao dịch buổi chiều khi VCB liên đã bật tăng ngay đầu phiên, bất chấp những rung lắc của thị trường.

VCB đóng cửa phiên giao dịch tại 38.600đ, chỉ kém 100đ so với mức giá cao nhất trong phiên. Mức tăng không mạnh nhưng như vậy là rất tích cực.

Thanh khoản VCB đạt 556 nghìn đơn vị, tăng nhẹ so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại đã mua vào 423 nghìn đơn vị trong phiên.

Ngưỡng kháng cự tiếp theo của VCB sẽ là vùng đỉnh cũ, tương ứng mức giá 40.000đ.

Thông tin đáng chú ý:

Theo báo cáo KQKD quý 1 mới được công bố, đến hết tháng 3/2015, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 2,3%; tiền gửi khách hàng tăng 3,34%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,97% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng với con số tuyệt đối là 9.831 tỷ đồng.

Nợ xấu của Vietcombank tăng ở cả 3 nhóm (nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn), trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 34% ở mức 4.770 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu. Cuối 2014, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này mới ở mức 2,3%.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng Vietcombank quý đầu năm là 3.496 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ; Lãi từ dịch vụ quý 1 đạt 337 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ; Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 6,6% đạt 471 tỷ; từ chứng khoán kinh doanh đạt 96 tỷ đồng.

Sau khi trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ), Vietcombank còn lợi nhuận trước thuế 1.456 tỷ, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.135 tỷ đồng.

Hoàng Anh

Hoàng Anh Tú

Tài chính Plus

Trở lên trên