MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ”lên đời” nhờ ông lớn

Có những cổ phiếu ế chỏng chơ rồi một ngày được tranh mua số lượng lớn chỉ vì có bóng dáng của ông lớn đứng sau lưng.

Đã có thời kỳ nhà đầu tư chứng khoán chỉ chăm chăm vào bảng điện tử và theo dõi giá cả của các cổ phiếu niêm yết mà bỏ qua các cổ phiếu được chào bán lần đầu tại các sở giao dịch. Tuy nhiên giai đoạn này, nhà đầu tư cá nhân đã tỏ ra quan tâm hơn đến các cuộc đấu giá khi có sự xuất hiện của những ông lớn đằng sau.

Phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của công ty TNHH MTV Sách Việt Nam diễn ra sáng ngày 24/3/2015 đã thành công ngoài mong đợi với giá đấu bình quân đạt 13.072 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm gần 24,5% trong đó có nhà đầu tư trả giá cao nhất 26.700 đồng/cp gấp đôi giá khởi điểm – mặc dù theo định giá của các CTCK giá trị cổ phiếu Savina chỉ ở mức khoảng 11.000 đồng/cp.

Với kết quả kinh doanh nghèo nàn, lợi nhuận các năm chỉ từ 250 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng, buổi đấu giá của Savina có lẽ đã không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư đến thế nếu không có sự xuất hiện của ông lớn Vingroup. Trước buổi đấu giá Vingroup đã được lựa chọn làm cổ đông chiến lược của Savina để trở thành nhà đầu tư chiến lược mua toàn bộ 65% vốn điều lệ tại công ty sách này với mức giá 10.700 đồng/cp (tương đương hơn 472 tỷ đồng).

Tính ở thời điểm hiện tại, Savina đang thuê và quản lý 14.000m2 đất làm trụ sở và cửa hàng kinh doanh trong đó có tòa nhà 44 Tràng Tiền, 50A Hàng Bài, 22A và 22B Hai Bà Trưng…trong đó Savina dự định sẽ xây khu đất 4.600m2 tại Hai Bà Trưng thành Savina Plaza với công năng trở thành siêu thị sách và các sản phẩm văn hóa.

Savina cam kết sẽ lên Upcom trong 90 ngày kể từ ngày IPO. Điều này khiến các nhà đầu tư mạnh tay hơn trong việc bỏ giá đấu giá khi hầu hết các cổ phiếu dính dáng đến Vingroup giao dịch trên Upcom đều có mức tăng “khủng khiếp”.

Cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam trong 6 tháng qua đã tăng từ mức 11.000 đồng/cp lên 74.200 đồng/cp (mức tăng 720%) trong đó tính riêng 1 tuần qua cổ phiếu này tăng 74,5% trong đó có 4 phiên trần liên tiếp. Quay lại thời điểm mới IPO, phiên đấu giá của VEF bị ế nặng khi chỉ có 3,8% khối lượng đem đấu giá được chào bán thành công với giá trúng chỉ vỏn vẹn 10.058 đồng/cp. Như vậy trong vòng đúng 1 năm, các nhà đầu tư mua VEF tại thời điểm ban đầu đã lãi hơn 7 lần.

Diễn biến giá4 tháng qua của VEF
Diễn biến giá4 tháng qua của VEF

Trước đó, sau khi Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với tỷ lệ sở hữu lần lượt 10% và 14%, phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Vinatex khá thành công với tỷ lệ trúng thầu đạt 90% (bằng 100% lượng đăng ký đấu giá), giá đấu thành công bình quân 11.000 đồng/cổ phần, bằng với giá khởi điểm trong đó 50% lượng chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Vinatex đã thu về hơn 1.216 tỉ đồng sau vụ IPO.

Câu chuyện của các cổ phiếu có dính dáng tới Vingroup tăng đột biến khiến người ta liên tưởng đến chuyện về Vua Midas, người có khả năng chạm vào bất cứ thứ gì thành vàng. Khi Vingroup chưa nhảy vào, VEFAC hay Savina đều không được các nhà đầu tư quan tâm vì “quá khó nhằn”, trong trường hợp VEFAC, phiên IPO đầu tiên Vingroup còn phải đứng ra ôm hết số CP ế. Nhưng tốc độ tăng phi mã sau đó của VEF đã khiến các nhà đầu tư “rút kinh nghiệm” dẫn đến Savina “hot” ngay từ đầu.

Theo Phương Mai

Người đồng hành

Trở lên trên