MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu phân phối

Mua và nắm giữ CP của những công ty phân phối hiện nay là khoản đầu tư dài hơi chứ không phải để đánh sóng ngắn.

Điều này chỉ thích hợp với những NĐT trường vốn và cũng chỉ có số rất ít. Thực tế NĐTNN nào cũng nói mình dài hạn, nhưng có khi CP chỉ cần giảm sàn vài phiên hoặc vài tháng không tăng là đã “nóng ruột”.

Khan hàng

Giữa tháng 5, mặc dù TTCK ở trong giai đoạn rủi ro, nhưng quỹ Halley Sicav đã tiến hành mua vào khoảng 800.000 CP KHP (Điện lực Khánh Hòa). Lên sàn từ năm 2006, nhưng phải đến cách đây 2 năm KHP mới bắt đầu thu hút sự chú ý của các NĐT, nguyên nhân nằm ở hoạt động của công ty là phân phối điện.

Nhờ vậy KQKD cũng như dòng tiền của KHP đem về cho các cổ đông luôn duy trì được sự ổn định. Hiện khối ngoại đang sở hữu khoảng 15% cổ phần, tương đương 6,1 triệu CP của KHP. Tương tự PET (Petrosetco) những năm gần đây cũng là CP thu hút được sự chú ý của NĐTNN.

Dù hoạt động trong khá nhiều ngành nghề, nhưng điểm mạnh nhất của PET hiện nay chính là mảng phân phối điện thoại di động (ĐTDĐ). Từ chỗ là “mối ruột” của Nokia, PET chuyển hướng sang phân phối cho Samsung cách đây 2 năm, kèm theo đó là việc mở rộng phân phối thêm các sản phẩm điện tử khác.

Mảng phân phối nói chung hay ngành bán lẻ nói riêng của Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh là điều có thể dự báo được. Nắm giữ CP của các công ty trong ngành này cũng đồng nghĩa với việc nắm thị phần và nếu so về mức định giá trong dài hạn có thể nói là hấp dẫn để sau này hoặc tiếp tục phát triển hoặc sang nhượng lại cho bên cần mua.

Trong giai đoạn 2009-2013, tỷ lệ chi trả cổ tức của DMC (Domesco) vào khoảng 20-22%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong giai đoạn này hơn 14%. Một trong những thế mạnh nhiều năm qua của DMC chính là hoạt động kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế, nguyên liệu.

Thị giá của DMC hiện nay gần 4.0, được xem là khá cao và từ lâu CP này đã hết room sở hữu cho NĐTNN. Và cũng không thể không nhắc đến trường hợp của FPT, mặc dù định hướng của tập đoàn này là công nghệ, nhưng mảng phân phối cũng có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động. Tất nhiên, thị giá của FPT thường ở mức cao và CP này cũng đã hết room ngoại. Nhìn đi nhìn lại trên sàn, số lượng CP trong lĩnh vực phân phối có “số” thực sự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đó là những CP trên sàn, còn dưới sàn, hiếm khi nghe nói đến chuyện “cổ phần, CP” của những thương hiệu phân phối lớn như Saigon Co.op hay Nguyễn Kim… Có thể nói một cách không quá rằng, thị trường đang khan hàng ở mảng phân phối.

Hơn nữa, trong thời điểm cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt, vai trò của nhà phân phối vô cùng quan trọng. Các công ty ngoài việc bỏ tiền, bỏ sức ra cạnh tranh trực tiếp để mở rộng thị phần cũng có thể tiến hành mua cổ phần của các công ty phân phối để làm “vũ khí” đối đầu với nhau.

Đã từng có có tin đồn về khả năng một công ty lớn dự tính mua cổ phần tại một công ty phân phối trong lĩnh vực hàng điện tử, hoạt động cũng không mấy hiệu quả để mở rộng thị phần cho mình. Nhưng đến giờ điều này vẫn chưa xảy ra và điểm đáng nói công ty phân phối kia vẫn hoạt động không có gì nổi bật. Phải chăng, vì họ biết được cái giá và lợi thế của mình nên cũng chưa cần “bán mình” quá sớm?

Dài hơi

SMC hiện là công ty phân phối thép chiếm hơn 7% thị phần, tuy nhiên lợi nhuận của công ty những năm gần đây lại có chiều hướng sụt giảm và ban lãnh đạo luôn chịu sức ép trong việc hoành thành kế hoạch. Dù chỉ tiêu lợi nhuận không thực sự ấn tượng, nhưng công ty vẫn được các đối tác ngoại quan tâm và hợp tác thông qua việc lập liên doanh (với Sumitomo) hoặc mua cổ phần để tham gia HĐQT (Hanwa).

Điều này có gì mâu thuẫn? Điểm ấn tượng có lẽ nằm ở thị phần, cũng như hệ thống máy móc để gia công, chế biến thép của SMC đã không ngừng được gia tăng, củng cố cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhưng nếu xét trong ngắn hạn, rõ ràng SMC không phải là CP hấp dẫn để lướt sóng.

Hay CP sau khi tăng trưởng về lợi nhuận khá tốt trong giai đoạn 2009-2013, JVC (Thiết bị Y tế Việt Nhật) đã sụt giảm mạnh trong năm 2013. CP của JVC vì vậy cũng không ấn tượng như một số năm trước đây. Dù vậy, hiện JVC cũng đã hết room nước ngoài và mô hình kinh doanh của công ty là kinh doanh, bảo trì, cho thuê thiết bị y tế vẫn được đánh giá tiềm năng.

Những trường hợp như SMC hay JVC chỉ ra thách thức của các đơn vị kinh doanh, phân phối trong ngắn hạn. Việc mở rộng thị phần trong giai đoạn khó khăn hiện nay đòi hỏi rất nhiều công sức, chi phí và cái giá phải trả sẽ là lợi nhuận.

Mở được thị phần đã khó, giữ được có khi còn khó hơn, tiêu biểu như việc các công ty phân phối hiện nay thường cạnh tranh theo kiểu “tiêu diệt nhau” và có thể là “tự diệt” bằng cách bán phá giá, thậm chí dưới giá. Mảng phân phối của các công ty trong nước hiện nay vẫn đang ở trong giai đoạn tăng trưởng chứ chưa định hình một cục diện thực sự rõ ràng.

Nói vậy bởi vì các hệ thống phân phối vẫn chưa phủ sóng được các thị trường, hiện nay thị trường thành thị có vẻ đã ổn, cuộc chiến đang lui về vùng ngoại thành, nông thôn. Trong khi đó, một số đơn vị phân phối hoạt động kém hiệu quả vẫn chưa “gục” hẳn mà còn đang ở trạng thái gắng gượng. Có lẽ sẽ cần thêm một vài năm nữa để thị trường phân phối định hình và tái cấu trúc một cách rõ nét hơn.

Theo Mỹ Hoa

thanhhuong

Sài gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên