MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có sự tiếp tay của Trung tâm Lưu ký chứng khoán?

Việc âm thầm thâu tóm cả trăm triệu CP STB trong hai tháng qua mà cơ quan quản lý không biết và liệu có một vòng quay mới của vụ thâu tóm đang là dấu hỏi mà dư luận quan tâm.

Ngày 6.11, NHTMCP Sacombank (STB) đã chính thức công bố trên website của nhà băng này về thông tin 10 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 2.259 tỉ đồng.

HĐQT Sacombank cũng đã nhất trí bầu ông Phạm Hữu Phú - hiện là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT - giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay cho ông Đặng Văn Thành. Tuy nhiên, việc âm thầm thâu tóm cả trăm triệu CP STB trong hai tháng qua mà cơ quan quản lý không biết và liệu có một vòng quay mới của vụ thâu tóm đang là dấu hỏi mà dư luận quan tâm.

Vụ thâu tóm STB đã thực sự kết thúc?

Trước đó- ngày 5.11, tân Chủ tịch HĐQT Phạm Hữu Phú đã có thư gửi cổ đông, khách hàng, đối tác và NĐT. Trong đó, ông Phú cho biết, nghị quyết của HĐQT STB đã quyết định kể từ ngày 2.11.2012, ông Đặng Văn Thành sẽ thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Sacombank. Như vậy, chỉ cần thêm quyết định của ĐHCĐ nữa là sẽ xong xuôi việc thay thế một người đứng đầu một NHTMCP lớn tại VN. Và tác động của vụ việc tới thị trường tới nay cũng gần như đang lắng xuống.

Tuy nhiên, câu hỏi về việc những ai đã mua gom số lượng tới 51% vốn của một NH như STB ròng rã suốt mấy tháng trời qua thì dường như vẫn chưa thể dịu xuống. Việc thâu tóm đã diễn ra trọn vẹn trước ĐHCĐ 2012 của STB, nhưng những giao dịch thỏa thuận trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua lại cho thấy những diễn biến mới.

Nhiều giả thiết lại được đặt ra, trong đó nhiều ý kiến cho rằng có thể có một vòng quay mới của vụ thâu tóm. Liệu đó đã là những giao dịch ''khủng'' cuối cùng của thương vụ thâu tóm này?

Ai đã thực hiện những giao dịch ''khủng'' ấy? Tất cả vẫn đang là câu hỏi đối với cổ đông STB cũng như thị trường. Vậy ai là người biết câu trả lời? Đây là điều chưa minh bạch trên sàn CK mà dư luận đang quan tâm.

“Họ” biết hết!

“Họ” ở đây là Trung tâm Lưu ký CK (VSD). “Họ biết hết!”. Khẳng định này rất hợp lý. Theo giải thích của một cán bộ phụ trách thanh toán của một CTCK: Các giao dịch của NĐT sau khi được khớp lệnh ở trên hai sở, hết giờ giao dịch thì các sở sẽ đẩy thông tin lệnh khớp về cho VSD. Lúc đó, VSD sẽ biết để cắt CK từ tài khoản nào đến tài khoản nào.

VSD là nơi quản lý đến từng tài khoản của khách hàng. Do đó, các giao dịch dù lớn tới đâu cũng phải qua “mắt” VSD. Vậy tại sao UBCK không biết, để cho nhiều trường hợp diễn ra giao dịch ''chui'', rồi lại đi phạt có vài triệu đồng?

Ông này cho biết: “Theo quy định tại thông tư số 52/2012/TT-BTC- hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK ngày 5.4.2012 do Bộ Tài chính ban hành, UBCK hoàn toàn có thể yêu cầu VSD công bố thông tin”. Còn về việc xử phạt các đối tượng chậm hoặc không công bố thông tin mà UBCK vẫn tiến hành lâu nay, ông này cho rằng mức xử phạt theo quy định của Việt Nam là quá nhẹ. “Các giao dịch toàn tiền tỉ mà chỉ phạt có vài triệu thì ăn thua gì. Chính vì họ không sợ nên mới coi thường quy định như vậy” - ông nói.

Lại thỏa thuận thêm 21,3 triệu CP EIB

Phiên giao dịch 6.11, STB yên ả nhưng CP của NHTMCP XNK Việt Nam (EIB) lại có “sóng”. Trong phiên này, có tổng cộng 5 lệnh thỏa thuận CP EIB đã được giao dịch với tổng khối lượng 21,3 triệu CP, tương đương 326 tỉ đồng.

Nếu xét về tỉ lệ thì tổng số 21,3 triệu đơn vị thỏa thuận EIB phiên hôm qua chiếm 1,7% tổng số CP đang lưu hành của mã này (trong khi đó, giao dịch trên sàn CP này chỉ chuyển nhượng thành công 323.770 đơn vị). Con số thỏa thuận này chỉ đứng thứ hai sau phiên giao dịch 31.10 với hơn 35 triệu CP EIB được sang tay.

Như vậy, chỉ trong 6 ngày đầu tháng 11, EIB đã được thỏa thuận tổng cộng 40,77 triệu CP, tương đương 624 tỉ đồng. Và nếu tính chung từ đầu tháng 10 đến nay, tổng số khối lượng thỏa thuận tại mã này là hơn 135 triệu CP, tương đương hơn 2.100 tỉ đồng. Số lượng thỏa thuận này tương đương 10,93% tổng số CP EIB đang lưu hành. Các giao dịch thỏa thuận EIB trong thời gian gần đây được tập trung kể từ trung tuần tháng 10.

Và với lượng thỏa thuận ngày 6.11 của EIB, giới đầu tư lại thêm một lần nữa thắc mắc về các giao dịch thỏa thuận đang âm thầm diễn ra bên ngoài sàn. Đã có giả thiết được đặt ra: Liệu có một cuộc thâu tóm tại EIB giống như STB trước đó. Đối tượng đang âm thầm gom mua này là ai mà không hề được công bố công khai? Vậy thì tính minh bạch của DN niêm yết có còn là niềm tin của NĐT?

Theo Lưu Thủy
Báo Lao động

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên