MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

COM về tay ai?

Tài sản quan trọng nhất các bên thâu tóm đang nhắm đến là Kho cảng xăng dầu có diện tích hơn 20.000 m2 mà COM đang đầu tư xây dựng tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Lợi nhuận giảm mạnh, thanh khoản cổ phiếu kém, nhưng COM lại đang là đối tượng mà PV Oil và Saigon Petro xác định phải thâu tóm cho bằng được.

Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (COM) chính thức được phê duyệt cổ phần hóa năm 2001 từ doanh nghiệp nhà nước là Công ty Vật tư Thiết bị Giao thông Vận tải TP.HCM. Ngành nghề chính của COM là kinh doanh các sản phẩm và thiết bị xăng dầu.

Sau khi niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2006, COM liên tiếp tạo được kết quả kinh doanh khả quan với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18%/năm trong 3 năm đầu sau khi lên sàn. Sau đó, mặc dù doanh thu của Công ty luôn tăng nhưng lợi nhuận lại có xu hướng giảm xuống.

Lợi nhuận năm 2010 của COM giảm gần 43% so với năm 2009. Lợi nhuận lũy kế 2 quý đầu năm 2011 cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ số EPS (lợi nhuận mỗi cổ phiếu) chưa tới 1.000 đồng. Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu này rất kém, thường xuyên không có giao dịch.

Vậy đâu là lý do để Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) chạy đua gom cổ phiếu COM? Nếu xem xét kỹ sẽ thấy sức hấp dẫn của COM không chỉ đến từ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ngoài hệ thống 30 cửa hàng xăng dầu bán lẻ tại Đông Nam Bộ và dự tính sẽ nâng lên con số 33 vào cuối năm nay, COM còn sở hữu đội sản xuất và lắp ráp trụ bơm cho các tổng đại lý bán lẻ xăng dầu khác.

Ngoài ra, COM nắm giữ nhiều tài sản bất động sản có giá trị như kho chứa xăng dầu 12.000 m2 cho thuê tại Thủ Đức (TP.HCM), cao ốc văn phòng COMECO 10 tầng trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 (TP.HCM).

Tuy nhiên, tài sản quan trọng nhất các bên thâu tóm đang nhắm đến là kho cảng xăng dầu có diện tích hơn 20.000 m2 mà COM đang đầu tư xây dựng tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cả PV Oil lẫn Saigon Petro đều có hoạt động sản xuất, nhập khẩu xăng dầu song song với bán lẻ xăng dầu. Nếu có được tài sản này, 2 công ty sẽ có thể nâng cao được năng lực điều phối và bình ổn giá xăng dầu. Đây có lẽ là lý do chính khiến PV Oil và Saigon Petro đều quyết tâm giành cho bằng được COM.

Cuộc so găng giữa Saigon Petro và PV Oil

Cuộc đua giữa Saigon Petro và PV Oil chính thức diễn ra khi Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) công bố bán toàn bộ 722.500 cổ phiếu COM (tương đương 5,12% vốn) từ cuối tháng 5.2011. Thời gian đăng ký từ ngày 20.5-20.7. Nhưng hết thời gian trên, Samco chỉ bán được gần 400.000 cổ phiếu COM và còn giữ 2,34% vốn công ty này.

Trước khi Samco đăng ký bán ra 2 ngày, tức ngày 18.5, Saigon Petro đã đăng ký mua vào 400.000 cổ phiếu COM. Có thể thấy ở đây có điều gì đó chưa rõ ràng khi Saigon Petro đăng ký mua bằng đúng lượng cổ phần Samco sắp bán ra.

Cũng cần nói thêm là cổ phiếu COM ít giao dịch không phải vì nhà đầu tư ngán ngẩm mà ngược lại cổ phiếu xăng dầu luôn là “hàng hiếm”, khối lượng trôi nổi trên thị trường hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% vốn (phần còn lại do ban lãnh đạo và các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ), nên nhà đầu tư không dại gì trưng ra cho thiên hạ trả giá. Do vậy, trong trường hợp này, muốn nâng tỉ lệ sở hữu tại COM, không còn cách nào khác, PV Oil phải chào mua công khai, còn Saigon Petro thì nhắm đến phần cổ phiếu Samco đang đăng ký bán ra.

Như đã được định trước, sau thời hạn đăng ký là 2 tháng, Saigon Petro công bố mua thành công gần 400.000 lượng cổ phiếu COM do Samco bán ra, nâng tỉ lệ sở hữu tại COM từ 21,68% lên 24,59%. Rõ ràng, trong lần giao dịch này, Saigon Petro đã đi trước PV Oil một bước.

Biết được Saigon Petro thương lượng mua thành công cổ phiếu COM, ngang ngửa tỉ lệ nắm giữ của mình (24,5%), PV Oil sau đó đã hạ quyết tâm nâng tỉ lệ sở hữu bằng cách mua nhiều hơn phần còn lại mà Samco sắp sửa bán ra (2,34% vốn).

Khi Saigon Petro chưa hết thời hạn đăng ký mua vào 400.000 cổ phiếu COM nói trên (18.5-18.7), PV Oil đã đăng ký chào mua công khai 1,5 triệu cổ phiếu COM từ ngày 25.5-25.7.Quyết tâm này còn được thể hiện ở giá chào mua cổ phiếu COM cao hơn tại thời điểm đăng ký gần 22%.

Trước động thái này, Saigon Petro cũng gấp rút đăng ký gom hết số cổ phần COM mà Samco còn nắm giữ (đăng ký từ 10.6-10.7). Lần này, không chạy đua về giá, Saigon Petro đặt mua bằng với giá và khối lượng mà PV Oil đăng ký.

Việc không đặt mua cao hơn giá PV Oil đưa ra cho thấy Saigon Petro vẫn tự tin vào khả năng thương lượng mua cổ phiếu COM với Samco. Tuy nhiên, sau lần đăng ký này (10.6-10.7), chưa hết thời hạn thì Saigon Petro lại đăng ký mua tiếp từ 25.6-25.7. Phải chăng Saigon Petro đang chột dạ?

Cho đến thời điểm này, Samco vẫn chưa công bố về số cổ phiếu đăng ký bán, Saigon Petro và PV Oil cũng bặt tin. Một phần vì chưa hết thời hạn đăng ký, nhưng sự im lặng này khiến nhiều người tò mò không biết COM sẽ rơi vào tay ai.

Cuộc đua dài hơi

Theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, chuyên gia tư vấn huy động vốn và mua bán - sáp nhập (M&A), thuộc Công ty TNK Capital Partners, thương vụ thâu tóm COM sẽ là một cuộc chơi dài hơi khi quá trình với tới lượng cổ phần chi phối vẫn còn xa.

Hiện nay, theo cơ cấu sở hữu của COM, tổng số cổ phần của các tổ chức là 76,16% (trong đó, PV Oil và Saigon Petro đã chiếm gần 50% vốn). Khoảng 15% cổ phần là do các lãnh đạo trong Hội đồng Quản trị COM nắm giữ. Nếu trừ khoản này ra, số cổ phần trôi nổi trên thị trường xấp xỉ 10%. Rõ ràng, khi PV Oil chào mua công khai 1,5 triệu cổ phiếu COM (gần 10,6%) là nhắm vào lượng cổ phiếu trôi nổi này. Còn Saigon Petro đang chực chờ nắm lấy phần mà Samco đăng ký thoái vốn (2,34%).

Giả sử Saigon Petro và PV Oil đều mua thành công lượng cổ phiếu đăng ký thì 2 công ty này cũng chỉ là cổ đông lớn tại COM. Trường hợp này, PV Oil sẽ giữ 35,02%, còn Saigon Petro nắm 26,93% vốn của COM. Vì thế, để có được quyền điều hành tại COM ở mức 52% hay quyền quyết định chiến lược ở mức 75%, Saigon Petro và PV Oil phải thuyết phục được các cổ đông lớn khác bán lại cổ phần cho mình.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính, mục đích đầu tư vào COM của các cổ đông lớn khác như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hay Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) là đầu tư dài hạn. Đây cũng là lý do chính khiến ông Dự, TNK Capital Partners, cho rằng cuộc đua thâu tóm COM vẫn còn dài.

Có một giả thuyết khác: 1 trong 2 bên đi thâu tóm muốn nắm quyền chi phối thì phải thương lượng mua đứt lượng cổ phần của bên kia. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn khi cuộc đua giữa Saigon Petro và PV Oil đang trong giai đoạn gay cấn nhất. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi đã có được mức lợi nhuận kỳ vọng, 1 trong 2 bên đi thâu tóm có thể sẽ bán cổ phần cho bên kia.

Trong trường hợp Saigon Petro và PV Oil thỏa thuận được với nhau, 1 trong 2 bên sẽ nắm khoảng 50% và tương đương 62% cổ phần tại COM (sau khi mua thành công lượng đăng ký). Nếu so với lượng sở hữu của ban lãnh đạo COM tổng cộng chưa tới 20% thì tỉ lệ này coi như đã đạt được mục tiêu thâu tóm.

Trong vụ thâu tóm Beton 6 của HB Group, ban đầu Dragon Capital một mực không chịu bán lại 37% cổ phần họ đang nắm giữ tại Beton 6 cho HB Group, nhưng sau cùng, Dragon Capital đã bị thuyết phục. Và HB Group đã nâng được tỉ lệ sở hữu tại Beton 6 lên 80% và được toàn quyền quyết định tại Công ty. Nói như thế để thấy kịch bản tại Beton 6 vẫn có thể xảy ra ở COM.

Theo Ngọc Dương

NCĐT

kyanh

Trở lên trên