MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK 100% vốn ngoại: Hai rào cản

CTCK 100% vốn ngoại phải hoạt động dưới hình thức công ty TNHH, điều này có nghĩa là một CTCK đang niêm yết sẽ phải hủy niêm yết nếu cổ đông ngoại muốn nắm 100% vốn.

Hành lang pháp lý cho nhà đầu tư ngoại nắm giữ 100% vốn của CTCK trong nước đã có và đang được hoàn thiện dần.

Hiện Nghị định 58 đã “mở đường” cho vốn ngoại vào TTCK Việt Nam khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm 100% vốn điều lệ của một CTCK trong nước nếu đáp ứng được các điều kiện tại Điều 71 Nghị định này.

Tuy nhiên Nghị định 58 vẫn “bỏ ngỏ” ở khoản 9, Điều 71 về việc mua cổ phần, tham gia góp vốn lập CTCK của NĐT nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam vẫn đang quy định khối ngoại chỉ được nắm 49% vốn điều lệ của CTCK trong nước, do đó văn bản này cần phải được thay thế hoặc sửa đổi để có hướng dẫn cụ thể cho dòng vốn ngoại vào CTCK trong nước, phù hợp với nội dung của Nghị định 58.

UBCK hiện đang lấy các ý kiến thành viên thị trường cho Dự thảo mới về việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam thay thế Quyết định 55.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các điều khoản trong dự thảo này, sẽ có một số tổ chức phải “đứng ngoài” trong việc nắm 100% vốn CTCK trong nước, hoặc sẽ phải đi “đường vòng”.

Hai rào cản

Bởi tại điểm a Khoản 10 Điều 71 Nghị định 58 quy định tổ chức nước ngoài được nắm giữ 100% vốn CTCK trong nước phải là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 02 năm liền trước năm tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp.

Theo thống kê trên TTCK Việt Nam cho thấy, có 12 CTCK có NĐT nước ngoài nắm giữ 49% vốn (riêng CK Phú Hưng là 46%) trong đó Maybank KimEng, Kenaga, VSEC, Morgan Stanley Hướng Việt được các ngân hàng đầu tư, Mirae Asset, Saigon Berjaya, Woorie CBV, CK Nhật Bản, Kis Việt Nam do các CTCK đầu tư.

Nếu đủ hành lang pháp lý và có nhu cầu, các CTCK này đều có thể dễ dàng chuyển thành CTCK 100% vốn ngoại. 

Danh sách cổ đông lớn ngoại của CTCK

Tính theo BCTC bán niên/ BCTC quý 3 công bố gần nhất


Trong khi đó, cổ đông ngoại của CK Phú Hưng là CX Techonoly (Cayman – Đài Loan) là công ty đầu tư đa ngành, Golden Bridge là Tập đoàn đầu tư tài chính và VinaCapital Group đầu tư vào Chứng khoán Vina là Quỹ đầu tư. Hai cổ đông của GBS và PHS làm trong lĩnh vực tài chính nhưng lại không thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm.

Trong khi GBS cũng đang gặp rắc rối về vốn khi công ty 3 lần bị đình chỉ lưu ký do vi phạm thanh toán của Trung tâm lưu ký. Hiện lãnh đạo GBS cũng như tập đoàn mẹ đang làm việc với ngân hàng, nhà đầu tư cũng như UBCK, Trung tâm lưu ký để có thể sớm hoạt động trở lại.

Rõ ràng GBS đang cần vốn lúc này, nhưng để huy động vốn trong bối cảnh thị trường èo uột như thế này rất khó. Trong khi để Tập đoàn mẹ rót thêm vốn, tăng tỷ lệ sở hữu lại vấp phải 2 rào cản: Một là Golden Brigde là tập đoàn đầu tư, không thuộc lĩnh vực cụ thể là ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm. Nếu muốn nắm 100% vốn, tập đoàn mẹ phải thông qua một quỹ đầu tư hoặc CTCK con.

Thứ hai, trong dự thảo sửa đổi thay thế Quyết định 55, luật yêu cầu CTCK 100% vốn ngoại phải hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Trao đổi với lãnh đạo UBCK, điều này có nghĩa là khối ngoại hoặc sẽ nắm giữ vốn của một CTCK trong nước từ 49% trở xuống hoặc nắm giữ 100% vốn, các tỷ lệ ở giữa không được chấp nhận.

Cũng trong trường hợp GBS, nếu giả sử tập đoàn mẹ muốn nắm 100% vốn, thì điều này có nghĩa là GBS sẽ phải trở thành công ty TNHH và sẽ bị hủy niêm yết.

CTCK "ngoại" có vượt trội?

Điều này chưa chắc. Ngoại trừ HSC được Dragon Capital đầu tư có vị trí vượt trội trong top môi giới, SSI, FPTS, VND, KLS, BVS có yếu tố ngoại nhưng chiếm tỷ trọng từ 20% trở xuống thì đối với các CTCK có 49% vốn ngoại ở thời điểm hiện tại, không phải CTCK nào cũng làm ăn tốt.

Chứng khoán Vina do Vina Capital Group Limited đầu tư 49% vốn, hiện quỹ này đã “chia nhỏ” tỷ lệ nắm giữ cho 5 quỹ con là Allied Pacific Capital, VN Securities Limited, VinaSecurities Limited, VNS Capital và Saigon Capital, mỗi quỹ nắm giữ 9,8% vốn điều lệ của VNSC. VNSC vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt nhưng lỗ lũy kế ở thời điểm 30/9/2012 vẫn trên 80% vốn điều lệ.


KQKD của các CTCK có yếu tố ngoại

Trước đó, trao đổi với CafeF, ông Giang Trung Kiên, giám đốc phân tích CTCK FPTS cho biết yếu tố nội vẫn rất quan trọng trên TTCK Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài rõ ràng có lợi thế nhiều hơn các CTCK trong nước nhưng phải nhìn lại rằng trình độ công nghệ của các CTCK top 10 không thua kém quá xa so với các CTCK nước ngoài. Thứ hai mức độ hiểu biết DN trong nước không ai bằng người bản địa.

Thứ ba, các CTCK trong nước đã hoạt động trong thời gian dài, khẳng định được chất lượng dịch vụ và sản phẩm đối với NĐT và mức độ cạnh tranh giữa các CTCK trong top đầu hiện rất cao.

Như vậy để CTCK nước ngoài chứng minh lợi thế vượt trội 3 điều trên cần phải có thời gian và họ phải tìm đến những nhân tố mới – những điều này sẽ làm cho mặt bằng TTCK tốt hơn lên mà thôi.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên