MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã chơi margin thì không quan tâm đến lãi suất?

NĐT sử dụng margin đều đặt cược vào đà tăng của cổ phiếu do đó anh ta sẽ không căn ke mức chênh lệch 1-2% về lãi suất.

Đó là phát biểu của một nhà đầu tư lướt sóng bám sàn 5 năm tại Hà Nội khi được hỏi về lãi suất margin tại CTCK anh đang giao dịch là bao nhiêu.

Đây là lần thứ 7 liên tiếp trong vòng 1 năm qua NHNN hạ lãi suất, trần lãi suất huy động đã giảm rất mạnh từ 14%/năm xuống 7,5%/năm khi ngày hôm qua NHNN ra quyết định hạ trần huy động thêm 0,5%/năm và các lãi suất chủ chốt khác hạ 1%/năm. Thông tin này có thể gây ra hiệu ứng tích cực cho chứng khoán trong một vài phiên, cho dù trước đó thị trường đã chờ đợi sẵn điều này và những gì diễn ra – có vẻ - đã được phản ảnh vào giá của bluechips trước đó.

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, điều đầu tiên NĐT nghĩ đến là luồng vốn nhàn rỗi sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, mà ở đây chứng khoán đang chiếm ưu thế, khi thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi thị trường vàng và ngoại tệ gần như đi ngang trong một thời gian dài dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong năm 2013 và kèm theo đó là việc sử dụng đòn bẩy tài chính để “đi tắt đón đầu” nâng cao lợi nhuận.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ký quỹ trên thị trường nhìn chung ở quanh mức 16%/năm, tương đương 0,045%/ngày. Mức lãi suất này đã được chứng khoán MB (MBS), FPTS, Bản Việt (VCSC) áp dụng từ tháng 1/2013, thậm chí Maybank KimEng áp dụng từ tháng 11/2012.

Trong thời gian gần đây mặc dù lãi suất giảm mạnh song các CTCK không thay đổi nhiều mức lãi suất margin. Đợt này duy nhất VnDirect công bố giảm lãi suất cho vay margin từ từ 0,05%/ngày xuống 0,048%/ngày, tương đương khoảng 17%/năm, áp dụng từ thứ hai (25/3/2013) nhưng thực tế mức lãi suất này vẫn ở mức cao. ACBS, chứng khoán Rồng Việt đều áp dụng mức lãi suất này từ đầu năm 2013, thậm chí VietinbankSC còn áp dụng mức lãi suất này từ tháng 9/2012.

Một biện pháp thu hút nhà đầu tư khác đó là các CTCK đưa ra dịch vụ miễn lãi vay chứng khoán trong 4 ngày giao dịch, như trường hợp của VnDirect trước đó. Điều này kích thích các NĐT lướt sóng sử dụng margin, trong trường hợp mua cổ phiếu về bán ngay. Mô hình này cũng được khá nhiều CTCK khác áp dụng.

Tuy nhiên ở hai CTCK lớn là chứng khoán Sài Gòn SSI và chứng khoán Tp.HCM (HSC), mức lãi suất margin vẫn ở mức 0.05%/ngày, tương đương 18%/năm.

Trao đổi với lãnh đạo một số CTCK về mặt bằng lãi suất margin trên thị trường vẫn ở mức “chót vót” như hiện nay, vị lãnh đạo này cho biết do CTCK phải huy động với chi phí vốn lớn, ở mức 12-14%/năm nên khó có thể kéo mặt bằng lãi suất margin xuống thấp hơn. Thông thường CTCK sẽ phải kết hợp với một bên thứ ba cung cấp hợp đồng hợp tác đầu tư và giải ngân cho nhà đầu tư, do phải “bắc cầu” qua một bên nữa nên lãi suất margin vì thế cũng tăng theo.

Tuy nhiên đối với nhà đầu tư lướt sóng, đặc biệt ở thời điểm chu kỳ thanh toán đã giảm xuống chỉ còn T+3 như hiện nay, lãi suất margin cao hay thấp không quan trọng.

“Chỉ khi nào nhà đầu tư đặt cược vào kênh tăng giá mới sử dụng nhiều margin, và khi đó, lãi suất chênh nhau một vài phần trăm chẳng đáng kể,” một nhà đầu tư kỳ cựu tại Hà Nội đã trả lời câu hỏi của chúng tôi về lãi suất margin ở CTCK anh đang giao dịch.

Theo nhà đầu tư này, anh chỉ nhớ “mang máng” lãi suất margin của CTCK anh giao dịch đang ở 16%/năm hay 18%/năm gì đó. Mức lãi suất này khá cao so với mặt bằng lãi suất bây giờ, khi lãi suất cho vay các ngành nghề khác đang đuợc hạ xuống chỉ còn 12-14%/năm thậm chí chỉ từ 10-12%/năm.

“Mức chênh lệch 2-3%/năm chẳng đáng kể, chỉ cần 1 phiên trần cũng đủ cover hết tiền margin”, một nhà đầu tư khác đồng quan điểm.

Tuy nhiên điều này chỉ áp dụng khi thị trường tăng, nhà đầu tư lướt sóng nhanh, còn nếu thị trường giảm hay đi ngang, việc sử dụng margin qua T+4 cũng sẽ khiến bên mua sốt ruột. Nếu NAV của nhà đầu tư khoảng 500 triệu, ở thời điểm hiện tại được vay 50:50, tương đương được vay thêm 500 triệu nữa, mức lãi suất margin phải trả 1 ngày “ôm” cổ phiếu sẽ là 220.000 – 250.000 đồng/ngày.

Tất nhiên không phải ai đầu tư cũng đạt kỳ vọng sau T+3 cổ phiếu cũng tăng mạnh, trong đợt giảm cuối tháng 2 vừa qua, khá nhiều nhà đầu tư đã “bay” thành quả 2 tháng đầu năm chỉ vì sử dụng margin.

Dư nợ cho vay margin ở thời điểm này đã tăng khá nhiều so với cùng thời điểm năm 2012, và đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các CTCK. Khá nhiều công ty đang sống chủ yếu vào việc kinh doanh nguồn, khi doanh thu khác chiếm khoảng 40-50%, thậm chí 70% tổng doanh thu của cả công ty. Bên cạnh việc cho vay margin, các CTCK cũng cạnh tranh bằng phí giao dịch, khi mức áp dụng cho mỗi lần giao dịch qua internet tại các CTCK có thị phần lớn ở mức 0,15%/giá trị 1 lần giao dịch còn có môi giới là 0,25%.

Phương Mai


phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên