MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Danh mục của bạn có những cổ phiếu "được khuyên mua" này không?

Các chuyên gia đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu dưới đây. Danh mục của bạn có không? Hãy đọc để tham khảo.

MSN - MUA

Trong báo cáo mới nhất, CTCK Bản Việt đưa ra khuyến nghị MUA dành cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN) với giá mục tiêu 101.000VND/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 40% so với giá đóng cửa ngày 23/3/2016 của MSN (72.000 đồng).

Theo Bản Việt, thương vụ với Singha giúp MSN đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang tập trung vào ngành tiêu dùng. Sau khi hoàn tất, việc hợp tác với Singha sẽ giúp tăng số dư tiền mặt của MSN lên đến 1,1 tỷ USD, có thể được sử dụng cho đầu tư vào hoạt động kinh doanh và các thương vụ M&A mới. Cũng nhờ thương vụ này, MSN có thể tiếp cận thêm 160 triệu khách hàng mới trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, việc MSN sẽ dùng nguồn tiền mặt dồi dào vào mục đích gì là câu hỏi lớn. VCSC không loại trừ khả năng công ty sẽ có những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng. Nếu không, việc giảm tỷ lệ đòn bẩy cũng là một khả năng khác.

Có thể thấy, Masan Nutri-Science (MNS) sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng của MSN trong dài hạn. VCSC đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của công ty do lượng tiêu thụ protein của Việt Nam ngày càng cao, và ngành công nghiệp này đang chuyển sang thức ăn thương mại thay vì thức ăn tự chế biến. Tuy nhiên, để có được các lợi thế lâu dài, trong tương lai MSN sẽ phải thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị vào lĩnh vực chăn nuôi.

VCSC đánh giá rủi ro khá hạn chế đối với Masan Resources. Mỏ Núi Pháo tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, tại mức giá vonfram hiện nay, VCSC cho rằng tiềm năng tăng giá trị nhiều hơn so với rủi ro.

Về Techcombank, VCSC cho rằng chất lượng tài sản tại Techcombank tiếp tục cải thiện vì nợ xấu báo cáo, nợ xóa, và tỷ lệ trái phiếu VAMC/tổng tín dụng và số dư trái phiếu VAMC đều giảm. Dự phòng sẽ giảm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, MSN được đánh giá cao ở việc cải thiện mạnh cơ cấu vốn của tập đoàn. Nợ chéo giữa các công ty trong tập đoàn giảm đáng kể, trong khi nợ đã được tái cấu trúc với chi phí thấp hơn.


Diễn biến giá cổ phiếu MSN trong 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu MSN trong 6 tháng qua

VNM - MUA

Chứng khoán VPBS duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (mã: VNM) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu lên 152.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn 13,4% so với giá đóng cửa ngày 23/3/2016 của VNM là 134.000 đồng.

Theo VPBS, VNM có lợi thế cạnh tranh trong phân khúc sữa nước. Doanh thu sữa nước của VNM tăng trưởng 29% trong năm 2015, cao hơn mức tăng trung bình ngành là 18%. Thị phần sữa nước cũng tăng lên 48% so với mức 44% năm 2014. VPBS tin công ty sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong tương lai nhờ tiềm năng tăng trưởng của khu vực nông thôn và việc tăng công suất thực tế của nhà máy Mega giai đoạn 1.

VPBS cũng cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2016. Giá bột sữa nguyên liệu nhập khẩu đã giảm khoảng 19% trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016. Đây cũng là giai đoạn mà VNM chốt giá mua nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, lộ trình giảm thuế suất nhập khẩu các sản phẩm giữa Việt Nam và Niu Di-lân theo cam kết của AANZFTA sẽ bắt đầu diễn ra trong năm 2016 cũng giúp làm giảm chi phí sản xuất của VNM.

Một điểm khiến nhiều nhà đầu tư e ngại về VNM là chi phí bán hàng tặng mạnh. Cụ thể, để duy trì thị phần trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra gay gắt, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu thuần của VNM năm 2015 tăng mạnh lên mức 19%, so với mức 16% năm 2014. Tuy nhiên, VPBS kỳ vọng tỷ lệ này sẽ ổn định ở mức hiện tại trong tương lai.

Yếu tố hỗ trợ quan trọng cho cổ phiếu VNM là việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Đây sẽ là động lực giúp giá cổ phiếu tăng trưởng trong ngắn hạn.

Theo VPBS, VNM đang giao dịch ở mức P/E năm 2016 là 18,9 lần, và P/E tương đối là 1,9 lần dựa trên dự phóng của VPBS. Đây là mức P/E khá hợp lý so với các công ty cùng ngành.


Diễn biến giá cổ phiếu VNM trong 6 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu VNM trong 6 tháng qua

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên