Điều gì làm nên sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng?
“Ngành xây dựng hạ tầng trong năm nay có triển vọng tích cực nhờ rất nhiều chính sách hỗ trợ”
- 25-12-2014TP HCM tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông
- 22-08-2014Linh hoạt nguồn vốn xây dựng hạ tầng đất dịch vụ
- 18-08-2014Xây dựng hạ tầng có là 'miếng ngon'?
- 01-10-2013PPP gỡ nút thắt vốn xây dựng hạ tầng
Đó là nhận định của ông Trương Thanh Hải – phó phòng Phân tích của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tại Hội thảo Thị trường chứng khoán 2015 – Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phối hợp với SHS tổ chức ngày 10/04.
Sự mở cửa của Nhà nước đối với Ngành xây dựng hạ tầng
Theo đánh giá của phòng phân tích CTCK SHS, trong 3 tháng đầu năm, vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét, đặc biệt là mức tăng trưởng cao bất ngờ của GDP. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp tích cực nhất, khác với các quý trước, dịch vụ là khu vực tăng trưởng mạnh nhất.
Ông Trương Thanh Hải đã nêu lên 4 yếu tố tác động đến ngành xây dựng hạ tầng.
Thứ nhất, đó là chi phí vốn giảm. Có thể thấy mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong vòng 10 năm trở lại đây, dao động quanh mức 10%/năm. Lãi suất thấp sẽ giúp các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giảm bớt chi phí do các khoản nợ từ ngân hàng của các DN này thông thường là khá lớn.
Thứ hai, gói hỗ trợ cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mà Ngân hàng nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông vận tải triể khai, sẽ là điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, từ ngày 01/07/2014, Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 có hiệu lực tạo ra môi trường minh bạch, cạnh tranh cho hoạt động đấu thầu xây dựng, tạo cơ hội cho các nhà thầu trong nước cạnh tranh với nhà thầu quốc tế ở các gói thầu lớn.
Và đặc biệt, Nghị định 15/2015/NĐ – CP chính là một cú hích lớn đến các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực hạ tầng. Nghị định này tạo điều kiện linh hoạt hơn cho chủ đầu tư khi quy định về vốn đối ứng tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu chỉ là 15% với những dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng. Với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiens từng phần. Đối với phần vốn trên 1.500 tỷ, tỷ lệ không được thấp hơn 10% của phần vốn này.
Trong quy định cũ tại Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, vốn chủ sở hữu của NĐT trong dự án phải đảm bảo tối thiểu bằng 30% phần vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.
Nghị định 15 bổ sung hình thức hợp đồng bao gồm BOT, BT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các hình thức tham gia hợp tác.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng đã mở rộng lĩnh vực đầu tư, thêm mới lĩnh vực hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, thoát nước…; các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo dạy nghề; công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ; công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến…
Với Nghị định 15, nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án ngoài các dự án trong danh mục do Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và công bố nếu đáp ứng đủ điều kiện. Điều này đã tạo sự chủ động cho nhà đầu tư phát triển các dự án cần thiết.
Nguồn vốn tài trợ ngoài ngân sách đã được mở rộng bao gồm vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ và các nguồn vốn khác.
Và sự tham gia của các NĐT tư nhân
“Trước đây, các DN hạ tầng ít được đón nhận do biên lợi nhuận thấp, hoạt động đặc thù với vòng đời dự án lâu nhưng với sự thay đổi về các chính sách, đã có nhiều NĐT tư nhân tham gia” – ông Trương Thanh Hải nhận xét.
Có thể thấy rất rõ, tính đến nay, tại các công ty đã được cổ phần hóa của Bộ Giao thông vận tải, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã trở thành cổ đông lớn. Ví dụ như CTCP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc nắm 51,4% của Cienco 4. Tại Cienco 1, Liên danh Hassyu Yên Khánh nắm 35%, Fecon nắm 17%. Tại Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tasco nắm 30,6% và tại Tedi, Fecon nắm 25%.
Trong vai trò ở cấp quản lý, ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, trong số 10 Tổng công ty thuộc Bộ GTVT được cổ phần hóa thì có tới 7 Tổng công ty trong lĩnh vực hạ tầng, bao gồm các DN xây dựng cơ sở hạ tầng và DN đầu tư vào hạ tầng.
Vào năm 2013, khi Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 10 Tổng công ty, mặc dù một số công ty bị đánh giá là không thể bán được do thua lỗ nhưng với những tiềm năng của ngành, 7 Tổng công ty lựa chọn được NĐT chiến lược đều đã bán thành công. Cách đây 3 tháng, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành việc bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Cienco 1 và Cienco 4.
“Và tốc độ tăng trưởng sau cổ phần hóa rất ấn tượng” – ông Minh phát biểu.
Những tổ chức tư nhân đã đầu tư vào DN xây dựng hạ tầng bằng cách trở thành nhà đầu tư lớn, tham gia vào quản trị và điều hành DN. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, họ có thể lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu của DN hạ tầng trên sàn niêm yết.
Hiện tại, trên sàn có 4 doanh nghiệp xây dựng hạ tầng là HUT, CII, FCN và VCG với mức P/B bình quân ngành là 1,2; mức P/E bình quân là 9,02 – thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của cả HSX và HNX.
Theo SHS, nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ là rất lớn trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác xây dựng các tuyến đường cao tốc song song với việc mở rộng đường quốc lộ. Đánh giá về tình trạng hạ tầng của Việt Nam hiện tại, chuyên gia cho rằng hạ tầng còn yếu kém, quy mô nhỏ, năng lực vận chuyển thấp trong khi nhu cầu vẫn tăng qua các năm.
Theo tính toán của SHS, nhu cầu vốn phát triển hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2020 ước tính là 1.553.198 tỷ đồng.
Bảo Ngọc
Trí Thức Trẻ