MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ việc nới room?

Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi đã được ban hành, mở ra cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp đã kín room.

Sau nhiều đồn đoán, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Trong đó, nghị định 60/2015/NĐ-CP bổ sung Điều 2a quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đây là một trong những nội dung được nhiều nhà đầu tư trên thị trường quan tâm nhất.

Theo nghị định, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Dù chưa có hướng dẫn cụ thể về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng kỳ vọng về nới room đã giúp giao dịch trên thị trường diễn ra đầy khởi sắc, đặc biệt nhóm cổ phiếu kín room và các cổ phiếu ngành chứng khoán.

Trên cả 2 sàn hiện có một số doanh nghiệp đã kín hoặc gần kín room và đây là những cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi không nhỏ khi việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài diễn ra. Có thể kể tới như VNM, SSI, HCM, TCM, FPT, DHG, VSC….

Những cổ phiếu kín room trên 2 sàn

Những cổ phiếu đang được nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 45%. Số liệu tính tới 26/6/2015

Nới room, câu chuyện còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của các cổ đông lớn

Trong những doanh nghiệp đã kín room trên sàn, đáng chú ý có thể kể tới trường hợp của 2 doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk (VNM) và Dược Hậu Giang (DHG) khi tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại 2 doanh nghiệp này thường xuyên ở mức 49%.

Cả 2 cổ phiếu đều là sự lựa chọn ưa thích của các quỹ đầu tư nước ngoài, tuy nhiên việc chỉ được sở hữu 49% có vẻ chưa đủ thỏa mãn với khối ngoại.

Nhưng có lẽ việc nới room ở 2 doanh nghiệp này khó có thể thực hiện được hoặc có thực hiện cũng không gây ra nhiều tác dụng bởi cổ đông lớn là SCIC đã chiếm xấp xỉ 45% cổ phần tại 2 doanh nghiệp này và không hề có ý định sẽ giảm sở hữu tại đây. Do đó kỳ vọng vào việc gia tăng sở hữu của khối ngoại trong thời gian tới với 2 doanh nghiệp này gần như không thể.

Một trường hợp khác là Bibica (BBC) khi 2 cổ đông lớn của doanh nghiệp này là Pan Food và Lotte, mỗi bên đều sở hữu trên 40% cổ phần tại công ty. Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại tại BBC là rất khó diễn ra nếu phía cổ đông trong nước là Pan Food không chấp thuận phương án này.

Trong trường hợp này, việc nới room sẽ chỉ diễn ra nếu cổ đông lớn trong nước chịu thoái vốn và thông thường việc giao dịch này sẽ được “trao tay” cho các nhà đầu tư tổ chức và điều này sẽ khiến tỷ lệ free- float của cổ phiếu trở nên rất thấp.

Cơ hội cho sự tham gia của khối ngoại

Hầu hết các doanh nghiệp đang niêm yết có tỷ lệ sở hữu lớn từ khối ngoại (xấp xỉ hoặc đạt 49%) đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động. Có thể kể tới như NLG, CTD, KDH (BĐS, Xây dựng), SSI, HCM (chứng khoán); FPT, MWG, PNJ (công nghệ, bán lẻ), REE (hạ tầng, tiện ích công), VSC (logistic), TCM (dệt may)…

Cơ cấu sở hữu của những doanh nghiệp kể trên nhìn chung khá phân mảnh và hầu như không có cổ đông chi phối phần lớn cổ phần doanh nghiệp. Do đó, xác suất đồng thuận trong việc nới room ở những doanh nghiệp này là không nhỏ và nếu được thông qua thì sẽ thu hút không ít sự quan tâm từ khối ngoại.

Tuy vậy, một số lĩnh vực chưa mở cửa hoàn toàn với doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn như bán lẻ. Do vậy mà các doanh nghiệp chuyên về bán lẻ như Thế giới Di động, PNJ… được nới room vẫn là ẩn số.

Nới room, bức tranh không chỉ toàn màu hồng

Việc nới room sẽ tạo điều kiện cho sự tham gia sâu hơn của khối ngoại vào hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có thể xuất hiện nhiều thương vụ M&A đến từ khối ngoại.

Nhựa Bình Minh (BMP) là doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông khá cô đặc, trong đó SCIC sở hữu xấp xỉ 30%, trong khi cổ đông lớn thứ 2 là Nawaplastic, một doanh nghiệp ngành nhựa lớn đến từ Thái Lan sở hữu 20% cổ phần tại BMP.

Bên cạnh BMP, Nawaplastic cũng là cổ đông lớn tại Nhựa Tiền Phong. Việc doanh nghiệp cùng ngành đến từ Thái Lan là cổ đông lớn tại 2 doanh nghiệp nhựa lớn nhất Việt Nam cho thấy tham vọng đầu tư lớn vào ngành này của Nawaplastic.

Trong trường hợp nới room cho BMP được thông qua, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến sự tham dự sâu hơn của khối ngoại, đặc biệt là cổ đông đến từ Thái Lan.

Hay như trường hợp của Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), doanh nghiệp cũng kín room 49% với những cổ đông lớn đến từ Nhật Bản. Mặc dù công ty đang “chao đảo” bởi những thông tin tiêu cực thời gian gần đây nhưng các cổ đông Nhật Bản vẫn thể hiện cam kết lâu dài với doanh nghiệp.

Trong trường hợp nới room cho JVC được thông qua, không loại trừ sẽ có cuộc thâu tóm từ phía Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu JVC đã ở mức khá thấp.

Có thể thấy, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được thông qua sẽ tạo cơ hội cho sự tham gia của khối ngoại, thu hút thêm dòng tiền cho doanh nghiệp cũng như TTCK. Tuy nhiên điều này sẽ khiến hoạt động mua bán, thâu tóm các doanh nghiệp trên sàn diễn ra mạnh mẽ hơn so với trước kia.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên