MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp niêm yết chừng mực hơn trong việc "in giấy"

Sau một giai đoạn phát hành CP, chia CP thưởng hoặc chia cổ tức bằng CP tràn lan khiến CP bị pha loãng và TTCK bị dội chợ, hiện nay các DN niêm yết có vẻ chừng mực hơn trong việc "in giấy" của mình.

Theo sức cầu thị trường

Đầu tháng 7 này, BIC (Bảo hiểm BIDV) sẽ chốt quyền trả cổ tức bằng CP với tỷ lệ 10:1. Hiện thời vốn điều lệ (VĐL) của BIC 693 tỷ đồng, sau lần trả cổ tức bằng CP này sẽ tăng lên hơn 760 tỷ đồng (tương ứng khoảng 76 triệu CP). Tuy nhiên, hiện nay cổ đông lớn nhất của BIC là BIDV cũng đã nắm hơn 78% nên phần còn lại tạm cho là trôi nổi hơn 20%, tương đương 15 triệu CP.

Số CP này nhân với thị giá của BIC tầm 11.000 đồng/CP cũng chỉ khoảng 165 tỷ đồng, tương ứng 8 triệu USD. Điều cần nói ở đây, bảo hiểm luôn là ngành được NĐT nước ngoài ưa chuộng và việc mua một cơ số đáng kể CP BIC hiện nay đang trong tầm tay của nhiều quỹ ngoại. Thế nên việc khối lượng CP lưu hành của BIC mỗi năm tăng 10%, thậm chí nhỉnh hơn chút đỉnh rất vừa tầm với sức cầu của thị trường, hạn chế việc bị pha loãng.

Cuối tuần rồi, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã tổ chức ĐHCĐ. Có vẻ ban lãnh đạo HQC kỳ vọng về khả năng thành công của đợt huy động vốn để tăng VĐL từ 900 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Theo đó HQC sẽ phát hành bằng 3 hình thức: chào bán cho cổ đông riêng lẻ tỷ lệ 3:1 giá 1.0; phát hành cho đối tác chiến lược 50 triệu CP với giá 1.0-1.2; phát hành 30 triệu CP để cấn trừ nợ.

Điều đáng nói, cuối tuần rồi giá của HQC trên sàn chưa đến 8.000 đồng/CP, trừ trường hợp cấn nợ có khi ở thế chẳng đặng đừng, những phương án còn lại đều 5 ăn 5 thua. HQC có những tiềm năng gì đặc biệt đến mức cổ đông phải trả cao hơn giá trên sàn để mua?

Kịch bản khả quan là có thể HQC sẽ phát hành thành công để cấn trừ nợ và cho đối tác chiến lược. Điều này sẽ tạo hiệu ứng để các cổ đông hiện hữu mạnh dạn mua vào. Câu trả lời còn nằm ở thì tương lai. Nhưng nếu đặt ngược vấn đề: giả sử HQC có tiềm năng thật, tại sao giá CP đến thời điểm này vẫn còn dưới 1.0?

Ngày 25-6, ĐHCĐ của Nhựa Tân Phú (TPP) đã diễn ra và hàng loạt vấn đề liên quan đến chia cổ tức, đặc biệt là tăng vốn đã được thông qua. Chẳng hạn, TPP dự định tạm ứng cổ tức 2014 bằng CP với tỷ lệ 100:6, sau đó phát hành riêng lẻ 500.000 CP rồi phát hành ESOP để tăng VĐL thêm 20%.

Hiện nay, TPP đang có giá khoảng 1.5, nhưng CP này có thanh khoản cực thấp, 10 phiên gần đây chỉ có 4 phiên được giao dịch và tổng khối lượng chưa được 2.000 đơn vị. Vậy nên khi TPP đưa ra phương án phát hành, ngoài những nhu cầu về vốn, cũng có thể đặt câu hỏi về việc phải chăng công ty đang muốn gia tăng nguồn cung hàng ra thị trường để góp phần tăng thanh khoản, để CP được đại chúng hóa?

TPP đã lên sàn từ 6 năm trước, nếu để đến thời điểm này mới tiến hành đại chúng hóa cho CP e rằng hơi muộn. Tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ các cổ đông TPP, CP thanh khoản thấp mà tự tin phát hành như vậy, khả năng thành công khá cao. Điều này có thể được củng cố khi lợi nhuận của TPP những năm gần đây gia tăng khá đều đặn.

Có mục đích rõ ràng

Trên đây là một số trường hợp doanh nghiệp phát hành CP với điểm chung đều có mục đích khá rõ ràng, không đơn thuần tăng vốn theo phong trào như trước. Điều này xuất phát từ việc NĐT hiện giờ rất khó tính, không dễ gì bỏ tiền mua CP trong những lần phát hành khủng để rồi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, ôm càng nhiều CP càng lỗ.

Phát hành CP một cách vừa đủ cũng là bước đi khôn ngoan của doanh nghiệp nhằm tạo ra một mức độ hot nhất định cho CP của mình. Có nghĩa phát hành nhiều có khi trở thành hàng chợ, nhưng cung hàng vừa tầm lại thành hàng hot, hàng hiếm.

NĐT khó tính hơn trong phát hành CP doanh nghiệp. Ảnh: LONG THANH

Ở góc độ tích cực khác, việc doanh nghiệp chừng mực hơn trong phát hành cũng trả lại bản chất đúng cho chức năng huy động vốn của TTCK. Có doanh nghiệp trước đây e dè vì sợ phát hành CP không ai mua hoặc pha loãng, nay cũng tự tin hơn để phát hành. Hiện nay trên sàn có một loạt doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động tương đối ổn định và có khả năng phát triển tiếp.

Nhưng NĐT bên ngoài muốn tham gia các doanh nghiệp này không dễ vì thanh khoản của CP quá thấp. Và theo chiều ngược lại doanh nghiệp không có vốn cũng khó lòng phát triển thêm. Vậy nên một đợt phát hành thành công sẽ giúp doanh nghiệp có thêm vốn, CP có thêm thanh khoản, từ đó sẽ thu hút nhiều người chơi và mức độ sẽ tăng dần lên.

Có thể thời gian sắp tới, hiện tượng phát hành CP qua việc chào bán cho đối tác hoặc chia thưởng sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhưng khả năng dội chợ khó xảy ra, thay vào đó nên nhìn nhận ở góc độ tích cực. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu vốn cũng có thể là để tăng thanh khoản cho CP, đưa thị giá CP trở về mức hợp lý hơn để thu hút nhiều NĐT.

Doanh nghiệp phải có điều gì đó hấp dẫn NĐT mới bỏ tiền mua vào. Trong bối cảnh hiện nay, phát hành CP không thành công hoặc phát hành quá nhiều sẽ tạo những tiền lệ không hay về hình ảnh, uy tín và năng lực tài chính của doanh nghiệp.

>>> Đua nhau phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ

Theo Ngọc Long

trangntm

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên