MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng chảy vốn vẫn có “cửa” vào chứng khoán

"Nhiều cổ phiếu hiện nay có giá thấp hơn giá trị sổ sách nên việc cho vay vào lĩnh vực này không quá rủi ro".

TTCK vẫn chưa tìm được cân bằng khi liên tục diễn biến thất thường. Câu hỏi luôn ám ảnh NĐT là dòng tiền chảy vào thị trường sẽ ra sao trước các giải pháp thắt chặt tiền tệ?

Thắt chặt cung tiền

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ được Chính phủ quán triệt thực hiện năm 2011. Thắt chặt cung tiền là ưu tiên số một trong các giải pháp kiềm chế lạm phát.

Để tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, một trong nhiều giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là chỉ đạo các NHTM giảm đến mức tối đa tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán.

NHNN sẽ điều chỉnh linh hoạt các tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ an toàn khác nhằm hướng luồng vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh quan trọng và thiết yếu của nền kinh tế. Bên cạnh đó là ban hành cơ chế để kiểm soát việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn lĩnh vực kinh doanh này, hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý số dư mua trái phiếu của doanh nghiệp (tránh tình trạng tổ chức tín dụng lợi dụng chuyển từ cho vay sang mua trái phiếu).

Theo số liệu được lãnh đạo NHNN công bố thì lượng tiền các ngân hàng "bơm" vào TTCK một cách chính thức khoảng 10.000 tỷ đồng. Thông tin hạn chế các NHTM cho vay chứng khoán đã có tác động xấu đến thị trường, nhất là những NĐT cá nhân vốn bị chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý.

Trong nhiều năm qua, các CTCK đã "bơm" tiền cho NĐT thông qua giao dịch ký quỹ, repo, cầm cố. Bản thân các CTCK không cho vay (do quy định pháp lý không cho phép), mà chỉ là cầu nối giữa NĐT với ngân hàng. Với chủ trương hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán, liệu số tiền đó có bị các NHTM hút về?

Dòng vốn sắp chảy

Trao đổi với ĐTCK, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho rằng, nhiều CTCK sẽ bị ảnh hưởng từ chính sách siết tín dụng chứng khoán, nhất là những công ty không có ngân hàng mẹ chống lưng.

Xung quanh việc xếp chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất và hạn chế cho vay, theo ông Johan, như vậy là chưa hợp lý, vì đây không phải là lĩnh vực hàng tiêu dùng, mà là kênh chu chuyển vốn cho các DN. Dòng tiền đi vào sản xuất thông qua việc DN huy động vốn qua TTCK.

"Nhiều cổ phiếu hiện nay có giá thấp hơn giá trị sổ sách nên việc cho vay vào lĩnh vực này không quá rủi ro", ông Johan nhận định.

Mặc dù có ngân hàng mẹ là SHB, nhưng CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) vẫn có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng khác. Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó tổng giám đốc SHS cho biết, Công ty đã ký thỏa thuận nguyên tắc cung cấp tín dụng với một số ngân hàng và hiện chưa có gì thay đổi.

"Có thể các ngân hàng không rút hạn mức, nhưng sẽ điều tiết bằng lãi suất. Nếu cho vay với lãi suất cao thì bản thân CTCK cũng phải cân nhắc có vay hay không, do liên quan đến khả năng 'chịu' được của NĐT", bà Tâm nói.

Thực tế, thời gian vừa qua, TTCK diễn biến không thuận lợi, lãi suất cao, nên rất ít NĐT mạo hiểm vay tiền để mua chứng khoán.

Theo ghi nhận của ĐTCK, gần đây, đa số CTCK chỉ ra thông báo điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, chứ không ngừng cho vay. Điều này là do bản thân các ngân hàng cũng chưa có thông báo về việc hạn chế cung cấp tín dụng cho chứng khoán. NHNN cũng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương này.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám độc một ngân hàng TMCP nhận định, chủ trương của NHNN đưa ra ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn từ NHTM sang thị TTCK và bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề không phải là cho vay vào lĩnh vực nào, mà cơ quan quản lý có quyết tâm giữ mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% hay không.

Trước đây có tình trạng khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, nhưng thực chất là để đầu tư chứng khoán. Nay có thể sẽ có câu chuyện DN vay sản xuất, nhưng ngầm chuyển vào bất động sản hoặc chứng khoán, nếu các thị trường này tăng trưởng tốt, hứa hẹn mang lại lợi nhuận nhanh và cao.

Là NĐT gắn bó lâu năm với TTCK, ông Trần Tiến Dũng cho rằng, thông tin thắt chặt tín dụng thực chất không tác động đến dòng tiền trên thị trường, mà chủ yếu ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Mặc dù tăng điểm ấn tượng trong phiên 10/3, nhưng theo ông Dũng, thị trường vẫn trong giai đoạn mò đáy.

"Chỉ khi nào các tổ chức là CTCK, công ty quản lý quỹ hiện nắm lượng tiền mặt rất lớn giải ngân thì thị trường mới đi lên được. Nhưng các NĐT tổ chức vẫn đợi thị trường xuống tiếp để mua rẻ hơn", ông Dũng nói.

Theo Thanh Đoàn
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên