Đợt thoái vốn lớn nhất tại các doanh nghiệp giao thông
Chỉ riêng tháng 1/2016, số vốn được thoái tại các Tổng công ty thuộc Bộ GTVT lên đến 2 nghìn tỷ đồng.
- 12-01-2016Khách sạn Kim Liên và Vinamotor: Sự khác biệt giữa 2 phiên đấu giá nghìn tỷ
- 22-12-2015Bộ GTVT chào bán Tổng Công ty Vinamotor với giá 1.250 tỷ đồng
Chỉ riêng tháng 1/2016, số vốn được thoái tại các Tổng công ty (TCT) thuộc Bộ GTVT lên đến 2 nghìn tỷ đồng, gần bằng con số của cả năm 2015. Dự kiến hết quý I/2016, Bộ GTVT sẽ hoàn tất quá trình thoái 100% vốn tại 10 TCT đã thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014.
10 Cienco sắp hoàn tất thoái toàn bộ vốn
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), thực hiện chủ trương của Chính phủ, năm vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phương án thoái vốn tại 8 TCT trong năm 2015-2016. Trong đó, hầu hết các đơn vị đều thực hiện theo hình thức thoái vốn theo lô.
Ông Minh cho biết, trong năm 2015, Bộ GTVT đã thoái trọn gói toàn bộ vốn theo hình thức này tại hai TCT xây dựng công trình giao thông (Cienco) là Cienco1, Cienco4. Cùng đó, TCT Xây dựng đường thủy (Vinawaco) và TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cũng được thoái một phần. Sau đó, Chính phủ tiếp tục phê duyệt phương án thoái vốn tại các TCT còn lại. Sau khi có chủ trương này, từ tháng 11/2015, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị gấp rút thực hiện.
"Nếu đợt thoái vốn trong năm 2015 chủ yếu là từ các công ty con và số vốn được thoái chuyển về các công ty mẹ thì đợt thoái vốn trong tháng 1/2016 và quý I/2016 sắp tới là từ các công ty mẹ và nguồn vốn thu được nộp về Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Như vậy, với hai đợt thoái vốn lần này, cơ bản các Tổng công ty thực hiện CPH trong năm 2014 đã không còn vốn Nhà nước”.
Ông Vũ Anh Minh
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp
Bộ GTVT
“Trong tháng 1/2016, Bộ GTVT đã thực hiện thoái 100% số vốn Nhà nước tại một loạt các TCT như: thoái 100% vốn Nhà nước tại Cienco6 với 457 tỷ đồng; Cienco5: 212 tỷ đồng - 23% vốn Nhà nước; Vinamotor: 1.250 tỷ đồng - 98% vốn Nhà nước. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang hoàn thành thủ tục để thoái vốn tại Công ty 623 là công ty con của Cienco6”, ông Minh nói.
Như vậy, trong tháng 1/2016, Bộ GTVT đã thoái được khoảng 2 nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước tại các TCT, gần bằng con số thoái vốn của cả năm 2015 với khoảng 2.400 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tại các công ty con.
Theo kế hoạch, trong quý I/2016, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại các TCT còn lại như: Thoái 25,5% vốn Nhà nước tại TCT Thăng Long với số vốn trên 100 tỷ đồng, thoái 29% tương đương hơn 100 tỷ đồng tại TCT Vận tải thuỷ, thoái 40% tương đương 200 tỷ đồng tại Cienco5, thoái 29% tương đương 40 tỷ đồng tại TEDI, thoái 26% tương đương hơn 100 tỷ đồng tại Vinawaco, và 40% tương đương 100 tỷ đồng tại Cienco8. Trong quý I/2016, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 TCT đã hoàn thành CPH trong năm 2014. Dự kiến, đến hết quý I/2016, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thoái vốn khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, vượt qua con số của cả năm 2015.
Trao cơ hội tự quyết cho doanh nghiệp
Việc thoái vốn toàn bộ sẽ giúp các DN chủ động hoàn toàn, không phải xin ý kiến chủ sở hữu và tăng tính công khai minh bạch trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh. Cùng với Luật Doanh nghiệp sửa đổi và các luật khác mới được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, thoái 100% vốn tại các Cienco không chỉ giúp cho thị trường chứng khoán, tài chính có nhiều hàng hoá giao dịch hơn, mà còn giúp DN có cơ hội chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi rời Nhà nước. Việc này còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
Đơn cử Vinamotor là DN đã thực hiện thoái vốn lớn nhất trong tháng 1/2016. Cụ thể, ngày 11/1, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức thành công phiên đấu giá trọn lô 85,58 triệu cổ phiếu để thoái vốn Nhà nước tại Vinamotor với mức giá khởi điểm là 14.620 đồng/CP. Sau khi trả cao hơn đối thủ chỉ đúng 2 triệu đồng, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) đã trúng giá toàn bộ lô cổ phiếu trên. Vinamco là đơn vị vận hành showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ (Hà Nội). Ngoài Vinamotor, hiện Vinamco còn là cổ đông chiến lược nắm 21% cổ phần của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thời trang Hà Nội (Hafasco) và 13% cổ phần của Cảng Sài Gòn cũng hoạt động chính trong lĩnh vực ô tô.
Trao đổi với chúng tôi về việc thoái vốn thành công tại Vinamotor, Phó Tổng giám đốc Công ty này là ông Triệu Tuyên cho biết, việc thoái vốn thành công giúp Vinamotor có quyền tự chủ lớn hơn. Hiện tại, Vinamotor đang tiến hành bàn giao phần vốn. Đến ngày 2/2, Vinamotor sẽ tổ chức đại hội cổ đông để kiện toàn HĐQT với ban kiểm soát theo cổ đông mới.
Nói về tâm lý của CBCNV trong TCT, ông Triệu Tuyên cho biết: “Chúng tôi đã xác định từ lâu việc chuyển đổi mô hình là tất yếu, mọi người vẫn điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có quá nhiều thay đổi”.
Cũng là đơn vị nằm trong kế hoạch thoái toàn bộ vốn trong quý I/2016, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng giám đốc Vinawaco cho biết, việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại TCT sẽ giúp DN chủ động hơn trong các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cái lợi nhất khi không còn vốn Nhà nước thì DN sẽ được tham gia đấu thầu các dự án của Ngân hàng Thế giới (WB).
Các chuyên gia cho rằng, môi trường kinh tế trong nước năm qua đang có dấu hiệu tốt lên. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư, mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp. Theo đánh giá, dư địa để phát triển tại các Cienco vẫn còn lớn, nếu được bổ sung thêm nguồn lực, khả năng phát triển, đột phá còn rất cao.
Báo giao thông