MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo xếp hạng CTCK theo chuẩn CAMEL: CTCK sẽ bị "soi" đến "chân tơ kẽ tóc"

Không chỉ đánh giá về chỉ tiêu lợi nhuận, CTCK còn được chấm điểm về số lần vi phạm chứng khoán, số năm hoạt động, thời gian lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT...

Bộ Tài chính và UBCK đang tiến hành lấy ý kiến thành viên thị trường về dự thảo Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK. Mục đích của dự thảo này là công cụ hỗ trợ cho UBCK Nhà nước trong công tác quản lý hoạt động của các CTCK.

Từ trước tới nay nhà đầu tư chỉ biết đến xếp hạng các công ty chứng khoán đứng top 10 môi giới cổ phiếu và trái phiếu trên hai sàn, thậm chí những công ty đứng ngoài top 10 nhà đầu tư hoàn toàn không có một mặt bằng đánh giá chung xem CTCK mình đang mở tài khoản đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng 104 CTCK.

Với dự thảo mới lần này, CTCK sẽ được đánh giá xếp loại qua 5 tiêu chuẩn CAMEL đó là mức độ đủ vốn (C), chất lượng tài sản (A), chất lượng quản trị (M), khả năng sinh lời (E) và chất lượng thanh khoản (L).

Mỗi chỉ tiêu sẽ được chấm trong thang điểm 100, số lượng mỗi mức điểm trong mỗi chỉ tiêu là 5, tuy nhiên mức độ quan trọng của mỗi chỉ tiêu là khác nhau và thông qua trọng số của chỉ tiêu đó. Các chỉ tiêu C, A, E, L thuộc nhóm chỉ tiêu tài chính (trọng số 80%) và yếu tố quản trị M là yếu tố phi tài chính (trọng số 20%).

Trong nhóm chỉ tiêu tài chính, chỉ tiêu mức độ đủ vốn (C) có trọng số cao nhất 30%, đánh giá qua 3 chỉ tiêu (Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản; vốn chủ sở hữu/vốn pháp định và tỷ lệ an toàn tài chính). Trong đó các công ty có tỷ lệ an toàn tài chính từ 300% trở lên được 100 điểm, từ 180% đến 300% được 80 điểm, từ 150%-180% được 40 điểm, từ 120% đến 150% được 20 điểm và dươi 120% được 0 điểm. Chỉ tiêu này sẽ có nhiều CTCK được 100 điểm như KLS, FPTS, SSI, HSC.

Đối với chỉ tiêu vốn chủ hữu/tổng tài sản, công ty nào có tỷ lệ trên 77% mới được 100 điểm, từ 51%-77% được 80 điểm, dưới 51% được 20 điểm. Chỉ tiêu này không phải CTCK nào cũng đạt được điểm cao bởi để đạt 100 điểm thì tỷ lệ nợ phải trả của các CTCK chỉ được giới hạn ở mức 33%, nhưng CTCK thường có khoản phải trả giao dịch chứng khoán lớn nên sẽ không có nhiều CTCK đạt 100 điểm cho chỉ tiêu này.

Về chỉ tiêu chất lượng tài sản (A), lần đầu tiên các CTCK sẽ bị đánh giá về các khoản phải thu. CTCK nào có tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản dưới 10% mới được 100 điểm, từ 10% đến 25% được 80 điểm, từ 25%-50% được 50 điểm, từ 50%-75% được 20 điểm và từ 75% trở lên 0 điểm.

Đây có lẽ là “điểm khó” đặc biệt đối với các CTCK có thị phần trong top 10 môi giới bởi các công ty này thường có dư nợ cho vay margin cao và các khoản phải thu thường chiếm 20-30% tổng tài sản, thậm chí tại các CTCK nhỏ, tổng tài sản thấp, tỷ lệ phải thu/tổng tài sản thậm chí lên tới hơn 70%.


Về khả năng lợi nhuận (E), chỉ tiêu lợi nhuận thuần sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân từ 25% trở lên được 100 điểm, từ 5%-25% được 70 điểm, thậm chí công ty lỗ từ -5% đến 0% vẫn được 20 điểm, chỉ dưới -5% thì 0 điểm.

Về chất lượng tài sản (L), công ty nào có tỷ lệ tiền và tương đương tiền/nợ ngắn hạn trên 100% được 100 điểm, từ 80%-100% được 80 điểm.

Về yếu tố phi tài chính, đánh giá chất lượng quản trị (M) của CTCK, các CTCK sẽ khó đạt được điểm tối đa về chỉ tiêu này, bởi với tình hình thay đổi tướng liên tục tại các CTCK trong thời gian vừa qua, khó có công ty nào đáp ứng được các chỉ tiêu như số năm làm lãnh đạo tại CTCK lớn hơn 5 năm mới được 100 điểm, từ 2-3 năm chỉ được 30 điểm;

Đối với Chủ tịch HĐQT số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán trên 10 năm mới được 100 điểm, may ra duy nhất ông Nguyễn Duy Hưng của SSI đạt được chỉ tiêu này; số năm làm lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT từ 5 năm trở lên được 100 điểm, số năm hoạt động trên 7 năm trở lên được 100 điểm, từ 5-7 năm được 80 điểm…Có ý kiến cho rằng đánh giá tình hình quản trị công ty dựa trên số năm hoạt động là không chính xác, bởi các công ty có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chưa chắc quản trị tốt bằng các công ty mới ra đời.


Chỉ tiêu số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán của Chủ tịch HĐQT may ra duy nhất ông Nguyễn Duy Hưng (SSI) đạt 100 điểm

Ngoài ra, các chỉ tiêu về sự đầy đủ các Quy trình nghiệp vụ, Chính sách quản lý rủi ro với tất cả các hoạt động, đánh giá năng lực hoạt động của bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đánh giá chất lượng kiểm soát các khoản tiền gửi của nhà đầu tư để giao dịch chứng khoán, mức độ minh bạch của thông tin tài chính, tính hiện đại của hệ thống công nghệ thông tin, quy mô vốn chủ sở hữu so với mặt bằng chung, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán do thiếu tiền bù trừ giao dịch CK, số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, có hỗ trợ tài chính từ đối tác chiến lược…đều được xem xét và chấm điểm.

Vấn đề ở đây là việc "đánh đồng" các lần vi phạm trong 3 kỳ báo cáo gần nhất để chấm điểm có vẻ "không công bằng" bởi tính chất của việc vi phạm nghiêm trọng hay không nghiêm trọng là khác nhau.

Thậm chí, việc thay đổi liên tục ban lãnh đạo cũng được chấm điểm qua chỉ tiêu "tính ổn định của các vị trí lãnh đạo chủ chốt", tính bằng số lãnh đạo ra đi trên tổng số nhân sự, chỉ tiêu này trên 20% (1/5 số lãnh đạo nghỉ việc, miễn nhiệm trong 3 năm gần nhất) thì sẽ được 0 điểm.

Dự thảo này nếu được thi hành, nhà đầu tư sẽ có một cái nhìn toàn diện và tổng thể về sức khỏe của CTCK, chứ không chỉ qua các chỉ tiêu tài chính đơn thuần.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên