MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng đoán đỉnh của thị trường, vì chúng ta sẽ bán sau đỉnh núi

Nhận định trong ngắn hạn rất khó nói nhưng xu hướng tăng trong trung hạn được tin cậy hơn nhiều với kỳ vọng vào “sóng chính sách”.

“Đã lâu rồi, UBCK mới đề ra nhiều giải pháp đột phá với thị trường chứng khoán như vậy” – Lãnh đạo của một CTCK lớn nhận xét.

Đây cũng là cảm nhận chung của nhà đầu tư trên thị trường. Cùng với việc VN-Index băng băng vượt qua mốc 600 điểm và chinh phục các ngưỡng kháng cự được dự báo, nhà đầu tư đã khấp khởi vui mừng về một con sóng mang tên “sóng chính sách” nhiều năm mới có một lần.

Hàng loạt chính sách mới chuẩn bị ra đời

Liên tục trong 2 tháng nay, Ủy ban chứng khoán nhà nước đưa ra những chính sách và dự thảo chính sách mới rất tích cực để tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là những chính sách đã được thị trường chờ đợi rất lâu.

Trước hết, với thị trường Upcom, UBCK điều chỉnh biên độ dao động giá chứng khoán đăng ký giao dịch tại sàn này từ ± 10% lên ± 15%, áp dụng từ phiên giao dịch ngày 01/07/2015.

Ngay sau đó, UBCK đưa ra bản dự thảo sửa đổi thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán và đang tiến hành lấy ý kiến thành viên thị trường. Thông tư này mở ra những bước tiến mới về cơ sở pháp lý cho hoạt động giao dịch trong ngày và bán khống – công cụ tài chính mà nhà đầu tư Việt Nam hằng mơ ước.

Cùng lúc, UBCK đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 như hiện nay về T+2 cho phù hợp với thông lệ quốc tế về chuyển giao chứng khoán đồng thời.

Nhưng cú nổ mạnh mẽ nhất phải kể đến việc chính thức ký Nghị định 60 mở room cho khối ngoại, trong đó theo lời lãnh đạo các cơ quan quản lý thì với NĐ này, công ty chứng khoán và bảo hiểm được nới room lên 100% ngay khi Nghị định có hiệu lực (tháng 9/2015). Các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm cũng đang trên đường “ra lò”.

Bên cạnh đó, trong tuần trước, Bộ Tài Chính và UBCKNN đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Mỹ với trọng tâm là các cơ hội đầu tư vào Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của rất nhiều nhà đầu tư tổ chức.

Có thể thấy rất rõ những động thái mạnh mẽ từ cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp cho TTCK, thúc đẩy việc thu hút dòng vốn ngoại trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, những thông tin tích cực về Hiệp định thương mại TPP tiếp tục trở thành điểm tựa tâm lý vững chắc cho những điểm sáng của nền kinh tế.

Nhưng thị trường có tăng quá nhanh?

Chỉ với 4 phiên tăng điểm từ ngày 02/07 đến nay, VN-Index đã nhanh chóng vượt qua mốc 600 được coi là chông gai trong mấy tuần trước đó để lên thẳng 630 điểm. Mức tăng “bốc đầu” gần 40 điểm trong 4 phiên như vậy là nhờ công của bluechips mà dẫn đầu là các mã ngân hàng BID, VCB , CTG và ông lớn ngành bảo hiểm BVH.

Trong điều kiện thị trường tăng nhanh, những ngày qua, một phần nhà đầu tư cảm thấy cực kỳ hứng khởi với danh mục có cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm và tiếp tục kỳ vọng vào sự đi lên của chỉ số. Một phần lại thấy sợ hãi trước một VN-Index tăng “nóng”, lo rằng tại mốc 630, chỉ số sẽ nhanh chóng chịu áp lực chốt lời mà rơi xuống.

Ngay trong phiên ngày 07/07 hôm qua, HNX-Index – chỉ số được coi là phản ánh chính xác hơn tâm lý thị trường đã giảm nhẹ và rời khỏi mốc 90 điểm. Điều này khiến đa số nhà đầu tư cho rằng VN-Index cũng sẽ điều chỉnh vào ngày 08/07.

Không chỉ có nhà đầu tư bình thường, ngay chính báo cáo nhận định thị trường hàng ngày của các công ty chứng khoán cũng “nhiễu loạn” với các nhận định tăng, giảm, ngưỡng kháng cự, ngưỡng hỗ trợ không giống nhau. Nhận định trong ngắn hạn rất khó nói nhưng xu hướng tăng trong trung hạn được tin cậy hơn nhiều với kỳ vọng vào “sóng chính sách”.

Nhưng có thể thấy, những bluechips tăng mạnh đều thuộc nhóm được hưởng lợi nhiều từ các chính sách của Nhà nước và là khẩu vị ưa thích của khối ngoại. Với tỷ trọng vốn hóa lớn, việc các cổ phiếu này tăng điểm và kéo chỉ số lên không phải là điều gì lạ lẫm.

Không ai biết đâu là đỉnh cho đến khi nó đạt đỉnh

Dự báo chỉ số không phải là điều quan trọng. Một môi giới kinh nghiệm nêu ý kiến, “trong uptrend đừng đoán đỉnh, vì chúng ta sẽ bán sau đỉnh núi.” Vốn dĩ không ai có thể biết mốc nào là đỉnh của chỉ số cho đến khi nó đạt đỉnh. Và thông thường sau khi tạo đỉnh, thị trường hay cổ phiếu sẽ có một thời gian “co giật”, bán lúc đó cũng chưa muộn.

Điều quan trọng là thị trường chứng khoán đang được vun đắp một nền móng chắc chắn hơn để đi lên nhờ vào kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển thị trường thu hút vốn ngoại như đã nhắc đến ở trên.

Động thái mua ròng tích cực của khối nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua dường như là sự đảm bảo cho xu hướng tăng điểm của thị trường. Từ ngày 26/06 – 07/07, khối ngoại mua ròng liên tục trên HSX với tổng giá trị mua ròng gần 1.563 tỷ. Còn sàn Hà Nội đã duy trì trạng thái mua ròng gần như liên tục trong vòng 3 tháng nay.

Trạng thái giao dịch của các quỹ ETFs ngoại cũng ủng hộ cho dòng tiền chảy vào Việt Nam. Tối ngày 06/07/2015, giá chứng chỉ quỹ của VNM ETFs tăng 1,9% với số lượng tăng thêm 150.000 đơn vị lên 28,3 triêu CCQ và quỹ đang premium 2,4%. CCQ FTSE tăng 3,5% , số lượng CCQ không thay đổi và quỹ cũng đang premium 1,3%.

“Cho đến khi làn sóng mua vào của khối ngoại còn tiếp tục thì thị trường có lẽ sẽ khó điều chỉnh sâu cho dù tất cả các dấu hiệu đều cho thấy giá một số cổ phiếu nhất định đã bước sâu vào vùng mua quá mức trong ngắn hạn” – CTCK HSC nhận định.

Theo đó, tiền mới sẽ được đầu tư ngay vào thị trường một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua CCQ ETF hay P-note (chứng chỉ tham gia đầu tư) mà không chú trọng đến hoàn cảnh thị trường trong ngắn hạn. Các mã lớn có thanh khoản cao sẽ là mục tiêu mua vào chính dựa trên một danh sách mục tiêu định trước và cho đến khi tiền mới được đầu tư hết thì VN-Index sẽ còn tăng.

Hoàng Thông

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên