MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chứng khoán: Sức ép “cover”

Nếu trong một thị trường có bán khống, sức ép này là sức ép “cover” lại hàng đã mượn bán để tránh rủi ro thua lỗ.

Rốt cục thì phiên sụt giảm tuần cuối tháng 5 đã không dẫn đến một nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Đúng ra thì VN-Index cũng có 2 ngày giảm trong tuần rồi và một số cổ phiếu quả thực đã điều chỉnh. Tuy nhiên nếu nhìn từ bình diện toàn thị trường, những biến động đó không hẳn là điều chỉnh giảm thực sự.

Nhìn từ nhóm cổ phiếu có “nguy cơ” điều chỉnh lớn nhất là các mã ngân hàng, cơ hội lợi nhuận cho những nhà đầu tư đã chốt lời cũng không đáng bao nhiêu. CTG, cổ phiếu điều chỉnh mạnh nhất cũng chỉ có 3 phiên giảm với biên độ 5,08%. BID giảm đâu đó 1,44%, VCB giảm 3,05%, STB khoảng 3,23%, MBB giảm 2,82%...

Trong khi đó những mã ngân hàng còn lại hoặc giảm không đáng kể, hoặc còn tăng cao hơn như ACB.

Liệu mức điều chỉnh đó có đủ hấp dẫn và tạo lợi thế giá cho những nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn? Sẽ là rất khó khẳng định vì còn phụ thuộc vào việc họ chốt lời ở giá bao nhiêu và chấp nhận quay lại giá nào. Với mức dao động quá hẹp như vậy, chắc chắn không ít nhà đầu tư phải mua lại với giá rất kém hấp dẫn so với giá bán, nếu không muốn nói là phải mua với giá cao hơn.

Nhìn toàn cục thị trường, mức điều chỉnh giá vượt quá 5% là không nhiều, chủ yếu là 1-3% trước khi giá bùng phát tăng trở lại vào phiên cuối tuần. Kể cả khi mua lại được với giá tốt, vài phần trăm đó cũng là cái giá phải trả cho việc mất lợi thế T+, tức là cổ phiếu về chậm hơn những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ngắn hạn và nắm giữ trong tuần qua.

Việc giá cổ phiếu không điều chỉnh lớn như mong đợi đã tạo ra một tình thế khó khăn đối với nhà đầu tư. Hoặc những người đã chốt lời phải chấp nhận một mức độ lợi nhuận rất nhỏ và mua lại, hoặc phải chấp nhận rủi ro lớn hơn để kiên nhẫn chờ giá sụt giảm nhiều hơn. Với biến động giá tăng rất mạnh ở phiên cuối tuần, chắc chắn mức độ “chịu nhiệt”đã không còn và số đông nhà đầu tư phải quay lại mua.

Nếu trong một thị trường có bán khống, sức ép này là sức ép “cover” lại hàng đã mượn bán để tránh rủi ro thua lỗ. Cũng giống như việc cắt lỗ khi giá giảm, những người bán khống cũng phải cắt lỗ khi giá cổ phiếu tăng. Tại thị trường Việt Nam, bán khống khó xảy ra hơn và sức ép cover là một biểu hiện khác: Nếu không nhanh chóng mua trở lại, nhà đầu tư sẽ phải chịu sức ép tâm lý khi mắc phải sai lầm với tình trạng bán đi và phải mua lại giá cao hơn, tức là thua lỗ trong giao dịch mà đáng lẽ mang lại lợi nhuận.

Thực ra giá cổ phiếu trong tuần vừa rồi cũng xuất hiện hiện tượng điều chỉnh, nhưng là điều chỉnh dưới dạng tích lũy đi ngang. Biên lợi nhuận cho hành động bán đi, chờ mua lại - như đã nói ở trên - là không lớn. Hiệu quả nhất chỉ là cơ hội để cơ cấu danh mục: Bán đi những cổ phiếu vận động kém hoặc đã tăng quá mạnh để đảo vốn vào những cổ phiếu mới khỏe hơn hoặc những mã chưa tăng nhiều.

Đó chính là hiện tượng quay vòng vốn trên thị trường, điều rất thường thấy khi một xu thế tăng có độ tin cậy. Dòng tiền thông minh luôn tìm đến các cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu khỏe nhất, tăng bền nhất. Có thể cổ phiếu đã bị dòng tiền này thoát ra vẫn sẽ tăng giá tiếp, nhưng mức độ tăng thường không lớn bằng những cổ phiếu khác. Một logic cực kỳ đơn giản nhưng ít được chú ý, là lợi nhuận kiếm được ở bất kỳ cổ phiếu nào cũng vẫn là tiền. Vậy tại sao không rời bỏ những cổ phiếu đã đuối sức để đến với những cổ phiếu khác có triển vọng tăng dài hơn?

Tuần giao dịch vừa rồi không chỉ gây bất ngờ với việc không xuất hiện nhịp điều chỉnh như số đông chờ đợi, mà còn là tuần xuất hiện thanh khoản ở mức kỷ lục. Phiên giao dịch trên 3.100 tỷ vào ngày cuối tuần kết hợp với giá tăng ồ ạt được xem như một điểm bùng nổ.

Quả thực rất nhiều cổ phiếu đã có bùng nổ giá, tăng vượt ra khỏi khu vực tích lũy trước đó. Đây là kết quả tất yếu của việc dòng tiền tích lũy trong thị trường quá lớn suốt 2 tuần vừa qua. Sức ép cover lại cổ phiếu cộng hưởng với sự tham gia mới của những nhà đầu tư lỡ nhịp thường là động lực chính của những diễn biến như vậy.

NGƯỜI QUAN SÁT

Bizlive

Trở lên trên