MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng "hot" thị trường: Lợi thì có lợi...

Khi cổ phiếu lên đến một mức "bán giá nào cũng lời" thì lượng hàng sẽ được tung ra thị trường rất mạnh nếu nhìn thấy cổ phiếu đã lên giá đỉnh.

Vào một số thời điểm nhất định, thị trường sẽ đổ dồn sự quan tâm vào một cổ phiếu của một nhóm ngành nhất định, từ ngân hàng đến bất động sản, khoáng sản... Điều này có thể nhận biết thông qua thanh khoản, biến động và cả những thông tin liên quan đến nhóm cổ phiếu "hot". Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức, rủi ro.

Năm 2010, cổ phiếu bất động sản, khoáng sản và cao su được xem là hàng "hot" của thị trường. Sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2012 lại chuyển sang nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn được các quỹ ETF chú ý và giao dịch. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản cũng có những đợt phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2012. Từ cuối năm 2012 đến nay, có vẻ như là "thời" của các blue chips sàn HoSE.

Nhiều lợi thế

Cũng trong khoảng thời gian này, một số cổ phiếu ngành điện gần đây như PPC (Nhiệt điện Phả Lại), BTP (Nhiệt điện Bà Rịa) hay VSH (Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) biến động mạnh, thu hút nhiều sự chú ý. Khi thị trường đi ngang, cơ hội không quá nhiều, những nhóm cổ phiếu nổi trội sẽ thu hút nhiều dòng tiền tìm kiếm cơ hội. Còn khi cả sàn vào phom tăng giá, tất nhiên ngành nào "hot" sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Với các nhà đầu tư, việc tham gia cổ phiếu của các nhóm ngành đang được thị trường chú ý cũng có rất nhiều điểm thuận lợi.

Đầu tiên là vấn đề thanh khoản. Dù cổ phiếu có biến động mạnh nhưng do được thị trường chú ý nên dòng tiền cũng sẽ tham gia nhiều hơn, người mua cũng đỡ đi áp lực mua rồi lo không bán được. Càng nhiều tiền, càng nhiều giao dịch, biến động có thể càng lớn và như vậy cơ hội sinh lời, tất nhiên phải có cả rủi ro, cũng nhiều hơn.

Hơn nữa, với tâm lý cùng có nhiều người cùng tham gia, nên nhà đầu tư khi chọn những ngành được chú ý cũng yên tâm hơn hẳn việc mua những cổ phiếu "lạ" tăng nóng, nhưng thanh khoản kém. Về mặt thông tin, việc cổ phiếu của một ngành tăng giá cũng dễ được nhận diện các lý do hơn, nhờ vậy nhà đầu tư cũng có nhiều cơ sở để phán đoán, phân tích, bớt đi rủi ro mua mà không biết mình đang mua gì.

Rủi ro thời điểm

Nhiều người chú ý cũng có thể khiến cho các cổ phiếu thu hút thêm dòng tiền, nhưng đồng thời cũng là lúc biến động tăng - giảm có thể xuất hiện nhiều hơn. Nhiều người mua, tất nhiên phải có nhiều người bán, trong khi bên bán muốn bán đỉnh, mua đáy, thì bên mua phải hướng đến mua thấp bán cao.

Những người mua vào cổ phiếu giá thấp và "nằm vùng" từ lâu cũng sẽ tận dụng cơ hội để chốt lời. Mà với những nhà đầu tư giữ cổ phiếu giá thấp, thì khi cổ phiếu lên đến một mức "bán giá nào cũng lời" thì lượng hàng sẽ được tung ra thị trường rất mạnh nếu nhìn thấy cổ phiếu đã lên giá đỉnh.

Với những nhà đầu tư không thể tham gia từ chân sóng, trước khi xác định cổ phiếu đã lên đến đỉnh hay chưa, cần phải giải quyết hai vấn đề quan trọng: Đầu tiên là thanh khoản, nếu thanh khoản vẫn cao thì giá cổ phiếu tương đối ổn định nên nếu cổ phiếu không thể tăng thì việc rớt mạnh lập tức cũng khó xảy ra.

Thay vào đó sẽ là những bước giá nhất định, rồi tăng trở lại, sau đó mới giảm tiếp. Rủi ro ở đây là khi nắm giữ những cổ phiếu không thể tăng giá, nhà đầu tư thay vì bán, lại sẽ cố gắng chờ, mà càng chờ, giá càng giảm, đến khi giảm tới đáy thì lại bán ra. Hoặc vừa bán xong, thì giá cổ phiếu tăng lại, giá lại giảm tiếp, rất dễ sai lầm dây chuyền.

Kế tiếp là dòng tiền có còn đổ sang những cổ phiếu khác trong ngành hay không? Nếu vẫn còn có nghĩa là cơ hội sinh lãi vẫn còn cho nhà đầu tư và ngược lại, nhóm cổ phiếu cũng giữ được thanh khoản, nếu không sự quan tâm có thể sớm kết thúc. Vì cổ phiếu tăng giá cũng chỉ đến một mức nào đó để dừng, và dòng tiền cần tìm những cổ phiếu định giá thấp hơn.

Thử đặt vấn đề vừa nêu với cổ phiếu điện sẽ thấy rằng các trường hợp như PPC và VSH, thị trường đã quá quen thuộc với các mã này, trong khi những trường hợp như BTP cũng chỉ là thiểu số. Mua cổ phiếu mà mình biết rõ, tất nhiên, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn nhiều và ngược lại sẽ có chút e dè với những cổ phiếu lạ lẫm.

Hơn nữa muốn dòng tiền lớn tham gia, thì lượng cổ phiếu trôi nổi ở ngoài thị trường phải nhiều. Như trường hợp của những cổ phiếu bất động sản, ngân hàng đều có lượng lưu hành rất lớn nên khi có sóng, thu hút sự chú ý thì sóng cũng khá mạnh và dài. Nhiều cổ phiếu điện hiện nay có lượng lưu hành không lớn, chưa kể tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông lớn cũng khá cao dẫn đến lượng trôi nổi thực tế có thể bị giảm xuống.

Như vậy, để có thêm những mã có thanh khoản lớn, biến động lớn nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa cũng không đơn giản một chút nào. Trước mắt, cổ phiếu điện có thể được quan tâm ở phạm vi "một số mã", còn chuyện có thể lan ra toàn ngành vẫn còn là ẩn số cực kỳ khó giải.

Theo Khiêm An

phuongmai

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên