MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu quyết định hủy niêm yết của Mekophar: Bước lùi đáng ngại

Hậu quyết định hủy niêm yết của Mekophar còn một loạt vấn đề cần giải quyết mà không chỉ riêng Mekophar trông chờ ở cơ quan quản lý.

Quyết định hủy niêm yết của CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar cho thấy những bước thụt lùi đáng ngại, lớn nhất là thụt lùi về sự công bằng và minh bạch mà cả nền kinh tế đang hướng tới.

Việc 99% cổ đông của CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP, niêm yết trên sàn HOSE) nhất trí chủ trương hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán để mở đường cho việc xin cấp lại giấy phép kinh doanh, có nội dung “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” đã được dự báo trước khi đại hội cổ đông bất thường của MKP diễn ra.

Sự nhất trí ấy đến một cách chóng vánh, bởi từ lãnh đạo Công ty đến các đơn vị tư vấn đã vất vả, đôn đáo nhiều tháng chỉ để tìm lối đi cho quyền lợi chính đáng nhất của một doanh nghiệp: đó là mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng đã thất bại trước một định nghĩa của các nhà làm chính sách.

Giờ đây, khi nghị quyết đại hội cổ đông bất thường của Công ty đã được thông qua, vẫn còn đó câu chuyện làm thế nào để thực hiện được mục đích cuối cùng của việc hủy niêm yết, là “đẩy” gần 5% cổ phần của cổ đông nước ngoài ra khỏi Công ty, để được quyền bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Chỉ cần một nhà đầu tư ngoại, vì bất cứ lý do nào, kiên quyết nắm giữ một cổ phiếu MKP, thì nỗ lực ấy coi như phá sản.

Ngay cả khi hủy niêm yết, MKP cũng không có cách nào đưa tỷ lệ vốn nước ngoài ở công ty về 0%, thậm chí, có thể còn tăng lên, tới tối đa 49%, do MKP vẫn còn là công ty đại chúng. Không lẽ, MKP phải “đi lùi” một lần nữa, trở thành công ty TNHH, mới mong tự quyết, “đoạn tuyệt” với nhà đầu tư nước ngoài?

Nếu buộc phải như vậy, đó thực sự là một bước thụt lùi của sự minh bạch, công bằng. Khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng sự công bằng, minh bạch, khuyến khích và có lộ trình để các doanh nghiệp đăng ký trở thành công ty đại chúng và tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, thì sự việc của MKP lại đang đẩy mọi chuyện đi ngược lại nỗ lực ấy.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp khác khi lên sàn đang đỏ mắt tìm cổ đông ngoại, tiếp cận với nguồn vốn và kinh nghiệm quản trị của thế giới, thì MKP lại phải làm việc bất đắc dĩ ấy cũng là một bước thụt lùi. Liệu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tin tưởng bỏ vốn vào các doanh nghiệp khác khi vẫn tồn tại, tiềm ẩn những rủi ro tương tự trường hợp ở MKP?

Trực diện hơn, ngay trong hệ thống các doanh nghiệp dược đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng vô tình bị ngăn cản, chỉ bởi MKP mắc “lỗi” trót có cổ đông ngoại trước khi xin cấp giấy phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm.

Theo thống kê, hiện trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán có 15 công ty dược đã niêm yết cổ phiếu, thì tất cả đều đã có cổ đông nước ngoài. Thống kê không chính thức, tính đến ngày 11/7/2011, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cao nhất (47,91%); CTCP Dược Hậu Giang (DHG) có tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài 47,15% vốn. Tỷ lệ này tại DMC là 35,2%, TRA là 31,37%, DCL 24,428%, VMD 0,51%, DHT 0,54%…

Điểm khác biệt giữa cá doanh nghiệp dược này chỉ là thời điểm có sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại. Đó là, các công ty khác đã được cấp phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm, sau đó mới niêm yết và có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Trong khi MKP thì ngược lại.

Thực tế đó cho thấy, bản chất là hoàn toàn giống nhau, rằng các công ty dược có thể buôn bán dược phẩm, dù tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài là một vài hay vài chục phần trăm, như thực tế vừa nêu. Nhưng hiện tại, sự bất bình đẳng là đã rõ, khi MKP không thể tham gia bán buôn, bán lẻ dược phẩm như các doanh nghiệp dược có vốn ngoại khác, kéo theo nhiều rào cản khác đối với doanh nghiệp, như không được xét công nhận các nhà thuốc đạt thực hành tốt bảo quản tốt, phân phối tốt; không được tham gia đấu thầu, phân phối thuốc qua hệ thống nhà thuốc, đại lý, chi nhánh. Liệu cơ quan chức năng có coi việc kinh doanh dược phẩm của Mekophar thông qua 3 chi nhánh và 5 cửa hàng ở TP.HCM hiện nay là không hợp pháp hay không? Các DN dược khác có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh, buôn bán dược phẩm có vi phạm không?

Hậu quyết định hủy niêm yết của Mekophar còn một loạt vấn đề cần giải quyết mà không chỉ riêng Mekophar trông chờ ở cơ quan quản lý.

Theo Bá Thư
 Báo Đầu tư


thanhhuong

Trở lên trên