MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO doanh nghiệp Nhà nước: Sẽ hấp dẫn nếu...

Trong đợt IPO lớn gần đây của 2 doanh nghiệp nhà nước VNSteel và MHB, không một nhà đầu tư nước ngoài nào đăng ký tham gia đấu giá cổ phần.

“Những ngành quan trọng có lợi thế kinh doanh và tạo ra lợi nhuận lớn vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Louis Nguyễn, SAM, cho biết.

Sau đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 10.6, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chỉ bán được 39,1 triệu cổ phần, đạt 60% trong tổng số gần 66 triệu cổ phần đem ra đấu giá (gần 10% vốn điều lệ).

Ngày 14.7 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng cho biết số lượng đăng ký đấu giá trong đợt IPO của Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) chỉ đạt 17,9 triệu cổ phần, bằng 27,7% lượng đấu giá. Đợt đấu giá này chỉ có 12 nhà đầu tư tổ chức trong tổng số 3.744 nhà đầu tư đăng ký.

Đáng chú ý là trong cả 2 đợt phát hành IPO của VNSteel và MHB, không có một nhà đầu tư nước ngoài nào đăng ký tham gia đấu giá.

Điều này dường như là một nghịch lý, khi trên thực tế doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lâu nay luôn là món đầu tư hấp dẫn đối với các tổ chức nước ngoài. Đối với Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, từ trước đến nay, đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhìn chung mang lại nhiều thành công hơn là đầu tư vào các công ty tư nhân. Dragon Capital đã đầu tư thông qua cổ phần hóa tại Công ty Cơ điện lạnh REE, Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG), Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

Vậy vì sao khối ngoại lại quay lưng với các đợt IPO của VNSteel và MHB?

Điều này có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là 2 doanh nghiệp này đã tiến hành IPO không đúng thời điểm. Nhu cầu đối với thép hiện khá yếu do thị trường bất động sản đóng băng trong khi ngành ngân hàng đang chịu sức ép về nhiều mặt.

Nếu so với việc giá nhiều cổ phiếu đang giảm về dưới mệnh giá thì các đợt IPO của VNSteel và MHB càng trở nên kém hấp dẫn. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), trong 2 quý đầu năm 2011, sàn HoSE có 35% cổ phiếu dưới mệnh giá trong khi ở sàn HNX là 45%. Đó là lý do Công ty Quản lý Quỹ SAM đang tập trung đầu tư vào 15 cổ phiếu blue-chip mà ít quan tâm đến các đợt IPO gần đây.

Ngoài ra, tiêu chí đầu tư cũng khắt khe hơn so với trước. “Hiện nay, khi đầu tư, khối ngoại quan tâm nhiều đến giá trị, định hướng và quản trị rủi ro của doanh nghiệp”, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital, nhận xét.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc SAM, cũng cho biết lãnh đạo doanh nghiệp là một tiêu chí quan trọng khi xem xét đầu tư. Nếu lãnh đạo có nắm giữ cổ phần và gắn bó lâu dài thì mới thật sự tạo sự bứt phá và phát triển bền vững cho công ty. MHB và VNSteel chưa đáp ứng được kỳ vọng này của giới đầu tư.

Bên cạnh đó, thực hiện IPO với tỉ lệ thấp sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vì họ sẽ ít có quyền biểu quyết đối với các định hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, sở dĩ tỉ lệ bán ra công chúng luôn giới hạn ở mức 2-5% là vì doanh nghiệp phải dành phần lớn cổ phần cho đối tác chiến lược. Bởi lẽ, ngoài mục đích thu hút vốn, doanh nghiệp cũng muốn tìm kiếm sự hỗ trợ về công nghệ và năng lực quản trị, vốn là mục tiêu chính của doanh nghiệp khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược.

Theo ông Tuấn, Dragon Capital, để nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhiều hơn đến doanh nghiệp, lộ trình IPO nên được cân nhắc kỹ và công bố một cách cụ thể. VNSteel từng thông báo sẽ đăng ký phương án cổ phần hóa trong tháng 9.2009 và trở thành công ty cổ phần trong năm 2010. Tuy nhiên đến ngày 10.6.2011, VNSteel mới thực hiện được lời hứa. Sự trì trệ này cũng diễn ra trong kế hoạch IPO ở nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vietnam Airlines và MobiFone, mặc dù trước đó Chính phủ đã có chủ trương hoàn tất cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn trước ngày 1.7.2010.

Cần nói rõ là không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia đấu giá trong đợt IPO của VNSteel và MHB vừa qua không có nghĩa rằng đối với họ, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không còn hấp dẫn. Theo ông Louis Nguyễn, những ngành quan trọng có lợi thế kinh doanh và tạo ra lợi nhuận lớn vẫn nhận được nhiều sự quan tâm. Đó là những ngành như năng lượng, hàng không hay viễn thông.

Có thể thấy, đợt IPO vào cuối tháng 7 tới đây của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang là chủ đề nóng của giới đầu tư. “Chúng tôi đã chờ cơ hội này từ lâu và nhất định sẽ tham gia đầu tư vào Petrolimex trong đợt IPO tới”, ông Louis Nguyễn, SAM, cho biết.

Những điều trên cho thấy để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hài hòa lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ. Liên quan đến vấn đề này, ông Thành cho rằng qua kinh nghiệm cổ phần hóa của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCB), tỉ lệ chi phối của Nhà nước quá lớn dễ tạo ra sự chồng chéo giữa vai trò của cơ quan nhà nước và sự phát triển của một công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Và một điều quan trọng nữa là Nhà nước cần cải thiện các yếu tố kinh tế vĩ mô để gia tăng sức hút, nếu không nguồn vốn nước ngoài sẽ tìm đến các thị trường khác hấp dẫn hơn. “Đây là điều mà quỹ đầu tư nào cũng cân nhắc trong mỗi quyết định đầu tư”, ông Louis Nguyễn, SAM, cho biết.

Theo Ngọc Dương

NCĐT

kyanh

Trở lên trên